Sau khi Taliban nắm quyền, người dân Afghanistan đã tìm cách đào tẩu sang các quốc gia lân cận khi nền kinh tế quốc gia này đang dần sụp đổ.
Nỗi đau từ Taliban
Trong khi người dân Afghanistan đã bị suy dinh dưỡng trong nhiều thập kỷ, cuộc khủng hoảng lương thực của đất nước đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Theo phân tích của Chương trình Lương thực Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, mùa đông năm nay, ước tính có khoảng 22,8 triệu người - hơn một nửa dân số - tại Afghanistan sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực có thể đe dọa tính mạng.
Có thể thấy, Afghanistan đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đẩy hàng triệu người vốn đã phải chật vật kiếm ăn từng bữa. Kể từ tháng 8, nền kinh tế Afghanistan đã suy giảm hơn 40%. Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vài thập kỷ khiến khó khăn thêm chồng chất.
Giá trị đồng tiền của Afghanistan, đồng afghani đã mất hơn 11% giá trị so với đồng đô la Mỹ trước khi phục hồi vẫn ảnh hưởng đến người dân Afghanistan khi làm giá lương thực tăng cao. Những công chức ở lại đã bị nợ lương suốt nhiều tháng trước khi Taliban tiếp quản đất nước và có rất ít động lực quay lại làm việc, do không biết bao giờ mới được nhận lương.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu Taliban không sớm bơm tiền để bảo vệ đồng afghani, đồng tiền mất giá khiến dân thường khó mua bất cứ lương thực hoặc thuốc men. Trong ngắn hạn, hệ thống tiền tệ sụp đổ ở Afghanistan sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính có thể ảnh hưởng nặng nề đến người dân.
Bên cạnh đó, do chính quyền Taliban chưa được quốc tế công nhận, xuất phát từ lo ngại lực lượng này không duy trì cam kết cải tổ đất nước, dự trữ ngoại hối của đất nước này đã bị đóng băng và nguồn tài trợ quốc tế chiếm 4/5 ngân sách của chính phủ trước đó đột ngột bị cắt. Trước khi Taliban kiểm soát Afghanistan, khoảng 18 triệu dân sống phụ thuộc vào nguồn viện trợ này.
Ajmal Ahmady, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan, cho biết 9 tỷ USD dự trữ của Afghanistan hầu hết được gửi trong các ngân hàng ở Mỹ. Washington đã nhanh chóng đóng băng các tài khoản này sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul. Và ngay cả khi một số viện trợ nhân đạo đã khởi động trở lại, nền kinh tế và hệ thống tài chính vẫn sẽ chịu tình trạng đóng băng.
“Nhiều nhà tài trợ không sẵn lòng hỗ trợ các dịch vụ y tế hoặc giáo dục vì điều này đồng nghĩa với việc tài trợ cho các bộ do Taliban kiểm soát. Các ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài cũng không muốn mạo hiểm giao dịch với những khu vực bị Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt, vì lo sợ rằng họ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt”, ông Ahmady chỉ ra.
Tương lai bất ổn
Theo Adam Weinstein, một thành viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu Statecraft nhận định, sự sụp đổ của nền kinh tế Afghanistan là minh chứng cho thấy hậu quả sẽ rất nghiêm trọng khi một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ nước ngoài. “Nếu khủng hoảng tại Afghanistan tiếp tục kéo dài có thể sẽ tác động đến kinh tế và an ninh khu vực, thúc đẩy sự gia tăng người tị nạn, gây ra gánh nặng cho các nguồn lực công cộng ở các nước tiếp nhận”, chuyên gia này cảnh báo.
Thêm vào đó, việc kinh tế Afghanistan khó khăn có thể ảnh hưởng các nước láng giềng trong lĩnh vực thương mại. IMF bày tỏ lo ngại việc trao đổi hàng hóa của Afghanistan có thể làm gia tăng quan ngại về rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Tổng thư ký Liên hợp Quốc (LHQ/ UN) António Guterres cho biết hơn 1/2 dân số Afghanistan đang phải đối mặt với nạn đói ở mức khủng khiếp nhất. "Đối với người dân Afghanistan, cuộc sống thường ngày đã trở thành địa ngục đói khát”.
Trước mắt, Liên hợp quốc dự định sẽ sớm khởi động chương trình đổi hàng triệu USD sang đồng nội tệ Afghanistan trong tháng 2 để có nguồn tiền mặt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tại quốc gia Tây Nam Á này.
Nếu cơ chế này đi vào hoạt động sẽ cho phép Liên hợp quốc, nhất là các cơ quan cứu trợ nhân đạo, tiếp cận với nguồn tiền do các doanh nghiệp tư nhân Afghanistan nắm giữ. Đổi lại, Liên hợp quốc có thể sử dụng hàng chục triệu USD để chi trả cho các doanh nghiệp nước ngoài và từ đó hồi sinh ngành kinh tế tư nhân cũng như các hoạt động nhập khẩu thiết yếu. Tuy nhiên, cơ chế này cần có sự chấp thuận của ngân hàng trung ương của chính quyền Taliban mới có thể vận hành được.
Tuy nhiên, cơ chế này sẽ chỉ là giải pháp tạm thời cho đến khi ngân hàng trung ương của Afghanistan bắt đầu hoạt động độc lập và lượng ngoại tệ dự trữ của quốc gia này được dỡ bỏ phong tỏa.