Năm 2022 sẽ là một năm nhiều thách thức hơn với nhóm các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ khi trái phiếu, tín dụng bất động sản bị siết, nợ xấu gia tăng.
Ngành ngân hàng chiếm trên 30% vốn hoá của VN-Index. Đây cũng là nhóm ngành nhạy cảm, chịu tác động nhiều chiều từ dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế.
Trải qua 2 năm dịch bệnh COVID-19, GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại (năm 2020 là 2,91%; năm 2021 là 2,58%), đều là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13% vẫn là điểm nổi bật và nâng đỡ nền kinh tế, các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Kết quả kinh doanh năm 2021 cho thấy ngành ngân hàng tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế, khi nhiều đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2020, đi ngược với nhiều lo ngại trước đó về đà suy giảm mạnh do dịch bệnh.
Đáng chú ý, năm nay ngành ngân hàng ghi nhận thêm một doanh nghiệp lợi nhuận tỷ đô là Techcombank (23.238 tỷ đồng), cùng với đó Vietcombank đạt con số lợi nhuận kỷ lục 27.376 tỷ đồng. Đây là 2 doanh nghiệp có lợi nhuận cao thứ 3 và thứ 4 trong câu lạc bộ các doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tỷ USD, đứng sau Vinhomes và Hoà Phát.
Năm 2021 có thể coi là một năm thành công lớn với nhóm ngân hàng có quy mô vốn hoá nhỏ, không chỉ về thị giá cổ phiếu mà còn về mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế, một số ngân hàng có lợi nhuận gấp 2-6 lần so với năm 2020. Ví dụ như: KLB (+539%), BAB (+340%), VAB (+107%), dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận nhóm này; nhóm ngân hàng có vốn hoá trung bình như MSB, SHB, SSB cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao, từ 90-100%.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng có mức vốn hoá lớn như VCB, CTG, BID, VPB, TCB ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn, dưới 50%, đặc biệt CTG chỉ tăng 2% hay VPB chỉ tăng 12% (là mức tăng rất thấp so với các năm về trước).
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, ở một số ngân hàng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và ngược lại ở nhóm ngân hàng quy mô vốn hoá nhỏ, tăng trưởng lợi nhuận cao phần lớn do giảm trích lập dự phòng hoặc trích lập thấp.
Quan sát biểu đồ có thể thấy, một số ngân hàng nhỏ, có mức tăng trưởng lợi nhuận cao thì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm hoặc tăng thấp so với năm trước như VAB (-38%), PGB (-38%), OCB (-21%), BAB (-0,1%) (trừ KLB, tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ ghi nhận khoản hoàn nhập do xử lý nợ xấu).
Nhiều ngân hàng có quy mô vốn lớn như VCB, BID, CTG, MBB, VPB dù mức tăng trưởng trích lập dự phòng tăng chỉ từ 26-50% nhưng trị số tuyệt đối tăng lại rất lớn. Một số ngân hàng trích lập dự phòng đã vượt cả lợi nhuận như BID, CTG, VPB.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay hiện các tổ chức tín dụng chưa phải trích dự phòng rủi ro đầy đủ đối với các khoản nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01, 03, 14. Đồng thời còn những khoản dự thu của dư nợ nhóm 1 đã hạch toán vào thu nhập nên nhất thời cũng góp phần làm cho lợi nhuận ngân hàng ghi nhận dương.
Theo ước tính của NHNN, nếu tính đầy đủ cả con số nợ có thể cũng trở thành nợ xấu nếu không thực hiện giãn, hoãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng bởi COVID-19 (theo các thông tư 01, 03, 14) thì tỷ lệ nợ xấu vào thời điểm cuối năm 2021 thậm chí có thể lên đến trên 7,3%. Trong khi đó, ghi nhận tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại hệ thống ngân hàng lại không tăng đáng kể, thậm chí còn giảm ở một số nhà băng.
Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao gồm: VPB (4,4%), VBB (3,6%), NCB (3%), PGB (2,2%), ABB (2%), còn lại đều dưới 2%. Nhóm ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, dao động từ 0,6-1,3%.
Việc các ngân hàng quy mô lớn, năng lực tài chính mạnh năm 2021 và 2020 tăng mạnh trích lập dự phòng có lý do chủ yếu xuất phát từ lo ngại nợ xấu tăng đột biến trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Về cơ bản, việc tăng mạnh trích lập dự phòng có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng trong ngắn hạn nhưng lại được các chuyên gia đánh giá cao trong trung và dài hạn khi các nhà băng này sẵn sàng bộ đệm chống đỡ rủi ro và sẽ bứt phá khi nền kinh tế khôi phục trở lại.
Rủi ro lớn hơn với các ngân hàng nhỏ
Trong 2 tháng giao dịch đầu năm 2022, cổ phiếu ngân hàng chưa bứt phá, nhưng đóng vai trò lực đỡ cho thị trường. Tuy nhiên, trong nhóm có sự phân hoá, khi các nhà băng có vốn hoá lớn tăng mạnh, còn nhóm có vốn hoá nhỏ lại suy giảm.
Cụ thể, một số ngân hàng có mức tăng trưởng cổ phiếu tốt như BID (+30,5%), MBB (+16,8%), VCB (+15,9%)... trong khi đó, nhóm có vốn hoá nhỏ, từng có thời gian tăng nóng năm 2021 lại giảm như BVB (-10,3%), SSB (-7,9%), VBB (-5,3%), SGB (-5%),...
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng Khoán Yuanta nhận định, kết quả kinh doanh ngành ngân hàng năm 2022 có nhiều điểm thuận lợi. Trước tiên là tăng trưởng tín dụng quý IV/2021 đã bắt đầu hồi phục. Cùng với đó là trong quý 1/2022, Chính phủ sẽ triển khai gói 350.000 tỷ, trong đó có kích thích tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm nay.
Ngoài ra, NHNN đã chấp nhận tăng room tín dụng cho các NHTM để hỗ trợ sản xuất kinh doanh tăng trở lại. Đây sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho nhóm ngân hàng năm 2022.
Ngược lại, ở chiều thách thức, Giám đốc khối Yuanta cho rằng, rủi ro lớn nhất với ngành ngân hàng là nợ xấu và áp lực vốn.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nợ xấu là không tránh khỏi, cả nợ xấu nội và ngoại bảng đều tăng. Tuy nhiên, về cơ bản nợ xấu chủ yếu nằm ở một số ngành nghề nhạy cảm, điều này không đáng lo ngại như những năm trước và bản thân nội lực của ngành ngân hàng đã lớn hơn nên áp lực là có nhưng không quá lớn.
Còn về áp lực vốn, ông Minh cho rằng, các ngân hàng đang thực hiện tăng vốn, giúp giảm rủi ro về nợ xấu, tăng thanh khoản hệ thống. Tuy nhiên, quá trình tăng vốn của các ngân hàng sẽ được hậu thuẫn từ đề xuất tăng room ngoại cho các NHTM từ 30% lên 35%. Ngoài ra, trong năm 2022, sẽ có 2 ngân hàng trong số các NHTM được tăng room lên 49% theo EVFTA.
Giám đốc khối Yuanta dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng khoảng 20-25%, tương ứng tăng trưởng tín dụng 14-15%. Tuy nhiên, lưu ý sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm. Trong đó, các NHTM có quy mô vốn nhỏ sẽ chịu áp lực nhiều hơn khi nguồn thu chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp, bất động sản nhưng NHNN, Bộ Tài chính lại đang siết cấp tín dụng, phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp loại này; cùng với đó là câu chuyện nợ xấu, trích lập dự phòng. Có thể nói, nhóm ngân hàng quy mô vốn nhỏ sẽ rủi ro hơn trong năm 2022.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital cũng dự báo, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30% trong năm 2022, nhờ tăng trưởng tín dụng ước đạt 14% và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn.
Các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng (nhất là các ngân hàng quốc doanh) vì sẽ không phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế (như không phải giảm thêm lãi suất hay tăng mạnh trích lập dự phòng).
Ngoài ra, có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến cả lợi nhuận và giá cổ phiếu của các ngân hàng, bao gồm các giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường phát sinh các khoản trả trước khá lớn) và các câu chuyện về tài trợ quay vòng/tái cơ cấu.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích của VNDirect cho rằng, năm 2022, các mã ngân hàng sẽ có sự phân hóa khá rõ ràng. Đơn vị nào có khả năng tăng trưởng mạnh tín dụng và thu nhập ngoài lãi, có chất lượng tài sản tốt thì triển vọng sẽ tốt hơn.
Điểm chú ý khác là tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) của các ngân hàng trong năm 2021 đã có xu hướng giảm khá mạnh, chỉ 30-35%, thậm chí dưới 30%, giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí, nới rộng biên lợi nhuận. Điều này cho thấy, những ngân hàng có sự đầu tư số hóa, hạ tầng từ những năm trước thì năm nay bắt đầu gặt hái kết quả.