• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.229,12 +0,79/+0,06%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 10:25:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.229,12   +0,79/+0,06%  |   HNX-INDEX   221,44   -0,32/-0,14%  |   UPCOM-INDEX   91,38   -0,12/-0,14%  |   VN30   1.287,24   +0,57/+0,04%  |   HNX30   468,08   -1,73/-0,37%
22 Tháng Mười Một 2024 10:26:33 SA - Mở cửa
Chờ đợi cơ chế T+0
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 15/02/2022 4:11:57 CH
Cơ quan quản lý cho biết đang phấn đấu hoàn thành công tác thử nghiệm và nghiệm thu chức năng hệ thống công nghệ thông tin mới trong năm nay, từ đó sẽ cho phép triển khai thêm những sản phẩm mới, áp dụng cơ chế mua bán trong ngày T+0 hoặc các tiêu chí khác giúp thúc đẩy nâng hạng thị trường.

Tại Talkshow Phố Tài chính tối ngày 14/2, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc CTQL Quỹ SGI (SGI Capital) đã có những chia sẻ về các giải pháp giúp nâng hạng thị trường.
 
Dòng tiền vào thị trường đã tăng mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Trong đó, chiếm phần lớn là dòng tiền đến từ các nhà đầu tư trong nước và thiếu đi dòng tiền ngoại, ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?
 
Ông Dương Ngọc Tuấn: Thị trường chứng khoán năm 2021 là một năm bùng nổ, quy mô thanh khoản cũng liên tục có sự tăng trưởng, ghi nhận mức kỷ lục trung bình trên 26.500 tỷ/phiên. Những con số này nói lên sự thành công và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong năm qua đối với nhà đầu tư.
 
Năm 2021 cũng là một năm thu hút lượng nhà đầu tư mới vào thị trường. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã đạt trên 1,5 triệu tài khoản, kết thúc năm 2021, tổng số tài khoản là 4,2 triệu tài khoản. Sự tham gia năng động chủ yếu đến từ khối các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.
 
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Nếu so với thị trường chứng khoán Trung Quốc, cũng đã trên 13% quy mô dân số tham gia vào hoạt động đầu tư thị trường chứng khoán, Nhật Bản còn cao hơn rất nhiều là trên 30%. Những thị trường chứng khoán phát triển lâu đời như Anh, Canada, Mỹ… có quy mô dân số tham gia thị trường chứng khoán khoảng 50-60%, vậy nên khả năng cho việc mở rộng thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư trong nước nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ còn rất nhiều tiềm năng.
 
Ông Lê Chí Phúc: Sự thay đổi này đánh dấu một giai đoạn mới, thị trường chứng khoán thực sự trở thành một kênh đầu tư, một kênh tài sản, bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như gửi ngân hàng, kênh đầu tư bất động sản, những kênh mà trước đây đại đa số người Việt Nam hay để dành tiền của mình cho những kênh truyền thống như vậy.
 
Hai năm vừa rồi xảy ra COVID-19 và cùng với sự hỗ trợ của công nghệ mới đã kích hoạt một làn sóng tham gia đầu tư đông đảo vào thị trường chứng khoán. Đó là xu hướng mới, bắt đầu cho giai đoạn mới và chúng ta sẽ còn tiếp tục nhìn thấy sự tham gia vào thị trường chứng khoán của ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư trong nước vào các năm tới, khoảng 10-20% dân số sẽ có tài khoản chứng khoán như sự phát triển trước của Trung Quốc hay Thái Lan. 
 
 
Trước sự tham gia sôi động của nhiều nhà đầu tư trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần dòng tiền nội cũng đủ giúp thị trường phát triển, ông nghĩ sao về ý kiến này?
 
Ông Lê Chí Phúc: Chắc chắn chúng ta sẽ cần cả hai dòng vốn nước ngoài cũng như trong nước để phát triển thị trường chứng khoán cũng như phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần những công nghệ mới, kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ mang theo các chuẩn mực quốc tế ở mức cao, đồng thời tiếp nối các dòng vốn, cũng như các hoạt động mang tính quản trị về chuyên môn, kết nối Việt Nam với toàn cầu một cách toàn diện hơn.
 
Sự đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài cũng có những tính chất dẫn dắt trong 20 năm qua đối với thị trường tài chính trong nước và trong nhiều năm tới vai trò đấy vẫn rất cần thiết. Với phần đông các nhà đầu tư ở Việt Nam, kiến thức đối với kênh tài sản này còn tương đối hạn chế, dễ dẫn đến chuyện bị dẫn dắt vào những phần rủi ro trên thị trường chứng khoán. Vì thế tôi nghĩ sự dẫn dắt của những nhà đầu tư nước ngoài và những nhà đầu tư tổ chức trong nước đối với dòng vốn kể cả trong nước lẫn nước ngoài đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
 
Ông Dương Ngọc Tuấn: Sự bùng nổ của TTCK trong 2 năm vừa qua với vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư trong nước chứng minh một điều là tiềm năng, nội lực của TTCK Việt Nam còn rất lớn. Nếu biết khai thác được nội lực này, chúng ta có thể giúp TTCK phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không quan tâm đến dòng vốn ngoại, chúng ta phải xác định đây là dòng vốn hết sức quan trọng và thiết yếu với bất kì TTCK nào.
 
Sự tham gia của những nhà đầu tư quốc tế lớn, đặc biệt là đầu tư tổ chức, có những ý nghĩa hết sức to lớn trong việc dẫn dắt xu hướng đầu tư. Đồng thời, họ đem lại nhiều kinh nghiệm, những thông lệ quốc tế để cho thị trường sôi động hơn, lành mạnh hơn. Thậm chí họ có những tác động đến khía cạnh quản trị cho những doanh nghiệp Việt Nam mà họ tham gia vào. Thế nên về mặt dài hạn, chúng ta cần coi trọng và phát triển cả hai dòng vốn nội và ngoại.
 
Trong các giải pháp giúp thúc đẩy dòng tiền ngoại và nội vào thị trường thì nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến giải pháp mua bán trong ngày T+0 đang được cơ quan quản lý hoàn thiện, các giải pháp về sản phẩm mới và nâng hạng thị trường. Theo ông, những giải pháp này đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy dòng tiền vào một thị trường?
 
Ông Lê Chí Phúc: Thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù chưa chính thức trở thành thị trường mới nổi nhưng đã có rất nhiều tiêu chí chúng ta đạt được để vươn lên top những thị trường mới nổi rồi. Ví dụ như năm 2021 thanh khoản giao dịch trung bình thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua nhiều thị trường mới nổi. Trong khu vực ASEAN chúng ta chỉ đứng thứ hai sau thị trường Thái Lan, đã vượt qua Philippines, Malaysia, Singapore…
 
Có khá nhiều các quỹ lớn trên thế giới chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi đã bắt đầu đặt chân vào Việt Nam, mặc dù Việt Nam chưa chính thức được xếp hạng là thị trường mới nổi. Và hiện nay, nếu hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch của chúng ta tiếp tục xử lý được một vài những vấn đề tồn đọng lại như hệ thống công nghệ thông tin mới được áp dụng, từ đó triển khai T+0 hay vấn đề nâng hạng thị trường sẽ có một số thay đổi lớn sẽ xảy ra đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
Ví dụ như thị trường Thái Lan hay Hàn Quốc trước đây, khi họ chuyển từ giao dịch T+ sang thành T+0 giao dịch trong ngày thì thanh khoản thị trường đã tăng đột biến lên gấp hai lần. Và trên nền đó, khá nhiều sản phẩm khác nhau được các công ty chứng khoán, các tổ chức đầu tư triển khai cho nhà đầu tư và vì thế mà thị trường trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. 
 
Ông Dương Ngọc Tuấn: Thực tế, có thể kể đến thế hệ luật mới, sau đó các văn bản pháp lý dưới luật cũng được triển khai đồng bộ và căn bản cũng đã được hoàn thiện. Còn những giải pháp về mặt kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị, đặc biệt là các thành viên thị trường cũng đã được đầu tư rất lớn, từ đó giúp cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào thị trường trở nên rất thuận lợi và dễ dàng hơn. 
 
Đối với công tác nâng hạng thị trường, đến nay những tiêu chí để những tổ chức nâng hạng thị trường họ có thể xem xét đưa chúng ta vào danh sách thị trường mới nổi cũng đã được rút bớt nhiều. Một số vấn đề còn lại chỉ mang tính kỹ thuật, sẽ tiếp tục được hoàn thiện, những khía cạnh về mặt công nghệ thông tin cũng sẽ giải quyết được. 
 
Trong năm Nhâm Dần, theo ông đâu sẽ là những giải giáp thu hút dòng tiền cả nội lẫn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam một cách hiệu quả?
 
Ông Lê Chí Phúc: Sự ổn định của hệ thống giao dịch là điều cốt yếu và hệ thống giao dịch mới KRX rất cần được đưa vào sớm để tất cả thành viên trong thị trường có thể chủ động đưa ra kế hoạch của mình trong việc phát triển sản phẩm cũng như thu hút khách hàng mới. Khi hệ thống này được chính thức đưa vào, sẽ có nhiều tổ chức quốc tế đánh giá lại Việt Nam để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Còn những giải pháp khác như việc tiếp tục duy trì nâng cao hơn nữa chất lượng tài sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam…thực hiện được điều đó thì sức hấp dẫn, sự uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam càng ngày càng tăng.
 
Ông Dương Ngọc Tuấn: Chắc chắn rằng trong những năm tới thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các cơ quan quản lý, cơ quan vận hành của thị trường trong đó có Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cũng rất lớn. Với sự gia tăng về quy mô giao dịch, số lượng nhà đầu tư, số lượng các tổ chức phát hành, chúng tôi vẫn phải đảm bảo hoạt động của thị trường, hoạt động đăng ký lưu ký và thanh toán bù trừ phải được vận hành suôn sẻ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
 
Chúng tôi tin rằng trong năm nay khi hệ thống công nghệ thông tin mới hoàn thành công tác thử nghiệm và nghiệm thu chức năng sẽ cho phép triển khai thêm những sản phẩm mới đặc biệt là đối với những sản phẩm của thị trường phái sinh. 
 
Ngoài ra, hiện nay cơ quan quản lý cũng có kế hoạch lớn trình Chính phủ thông qua đề án chiến lược phát triển thị trường giai đoạn 2021-2030. Trong đó đặt ra những lộ trình cho việc phát triển thị trường ở tất cả khía cạnh, giúp cho hoạt động thị trường trở nên sôi động và bền vững hơn.