Phiên sáng 21/2, chỉ số Nikkei 225 giảm 196,06 điểm, xuống 26.926,01 điểm, chỉ số Hang Seng giảm 218,12 điểm, xuống 24.109,59 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 2,35 điểm, xuống 3.488,41 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á đã hạn chế đà giảm sau khi sụt mạnh vào đầu phiên 21/2, khi đã có hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, dù vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á (trừ Nhật Bản) giảm 0,4%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 196,06 điểm, hay 0,72%, xuống 26.926,01 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 218,12 điểm, hay 0,9%, xuống 24.109,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 2,35 điểm, hay 0,07%, xuống 3.488,41 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 13,35 điểm, hay 0,49%, xuống 2.731,17 điểm.
Đà giảm trên thị trường chứng khoán thu hẹp phiên sáng 21/2. Ảnh: TTXVN phát
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí trên nguyên tắc về một hội nghị thượng đỉnh về cuộc khủng hoảng Ukraine, với điều kiện Nga không tấn công Ukraine.
Một yếu tố khác cũng đang gây sức ép lên các thị trường là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát. Chỉ số lạm phát lõi của nước này trong tháng Một sẽ được công bố trong tuần này và được cho là sẽ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1980.
Nhà kinh tế trưởng của JPMorgan, Bruce Kasman, nhận định Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong 9 cuộc họp sắp tới, đưa lãi suất về mức bình thường vào đầu năm 2023.
Ít nhất sáu quan chức Fed có thể sẽ có phát biểu trong tuần này và các thị trường sẽ đặc biệt nhạy cảm trước các quan điểm về khả năng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng Ba.
Tại thị trường Việt Nam sáng 21/2, chỉ số VN-Index giảm 1,04 điểm (0,07%) xuống 1.503,91 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 4,01 điểm (0,92%) lên 435,61 điểm./.