Nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng trưởng trung bình khoảng 136,8% trong năm 2021 nhờ lợi nhuận ấn tượng. Tuy nhiên năm 2022 các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận sẽ kém thuận lợi hơn nhiều...
Cổ phiếu Chứng khoán tăng rực rỡ trong suốt năm 2021, trở thành ngành có mức tăng trưởng tốt nhất trong tất cả các ngành nhờ vào dòng tiền đổ cuồn cuộn vào thị trường, thanh khoản cao kỷ lục, doanh thu môi giới và cho vay margin tăng cao. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao đó đã qua.
MỘT NĂM HUY HOÀNG
Với mức tăng trưởng ấn tượng trung bình 136,8% từ đầu năm 2021, Chứng khoán như một ngọn lửa thần bùng lên rực rỡ, vượt qua tất cả các ngành còn lại trên thị trường. Vượt cả mức tăng trưởng của Vn-Index đâu đó khoảng 34% trong năm 2021.
Yếu tố giúp cổ phiếu nhóm chứng khoán thăng hoa chính là tiền rẻ khắp nơi đã đổ cuồn cuộn vào thị trường. Trong năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đã bùng nổ chưa từng có và đạt 26,6 nghìn tỷ đồng mỗi phiên tăng 260% so với năm ngoái cá biệt có những phiên giao dịch cán mốc 2 tỷ USD. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE đạt 21.834 tỷ đồng/phiên tăng 245,2% trong khi thanh khoản trên HNX và UPCoM cũng tăng lên tương ứng 3.138 tỷ đồng/phiên tăng 343,2% và 1.680 tỷ đồng/phiên tăng 307,2 %.
Đến cuối năm 2021, tổng số tài khoản đã đạt đến con số 4,3 triệu và tỉ lệ tài khoản cá nhân trên dân số Việt Nam đã đạt 4,5%, tỉ lệ này là 2,9% trong năm 2020.
Các công ty chứng khoán vì thế cũng đã có một năm bội thu. Theo tổng hợp kết quả kinh doanh của 25 công ty, chiếm 90% tổng doanh thu trong các năm 2019-2020, doanh thu sơ bộ của ngành ghi nhận khoảng 20,4 nghìn tỷ đồng tăng 92% trong quý 4 và khoảng 60,5 nghìn tỷ đồng tăng 109% trong cả năm 2021.
Song song với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh đạt 6,6 nghìn tỷ đồng tăng 88% trong quý 4 và 21,5 nghìn tỷ đồng tăng 115% trong năm 2021. Biên lợi nhuận thuần của ngành được duy trì ở mức 40%.
Về số tuyệt đối, VPS đứng ở vị trí thứ nhất với hơn 9,500 tỷ đồng doanh thu trong cả năm 2021, tiếp đến là SSI, VND, và TCBS. KIS, VPS, và VND có tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng với hơn 150%.
Trong đó, hoạt động môi giới và cho vay đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng doanh thu. Hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với năm 2020 ở hoạt động môi giới và cho vay margin. Theo dữ liệu từ KIS, tăng trưởng hoạt động cho vay toàn ngành đỉnh điểm tăng lên đến gần 200% vào quý 3/2022 so với thời điểm cùng kỳ của năm 20219. Tăng trưởng doanh thu môi giới thậm chí còn tăng gần 300% vào Quý 3/2021 so với thời điểm Quý 3/2019.
Hoạt động tự doanh cũng ghi nhận rực rỡ nhất trong năm 2021. Doanh thu từ Giá trị hợp lý ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đã tăng 76% trong cả năm 2021.
Với xu hướng tăng của VN-Index và mức doanh thu thấp ở năm 2020, lợi nhuận từ việc bán các tài sản tài chính đã tăng mạnh đạt 5.296 tỷ đồng tăng 331%. Trong cả năm 2021, bán các tài sản tài chính chiếm 63% doanh thu FVTPL và 41% lợi nhuận FVTPL. Một nguồn lợi nhuận khác trong FVTPL đến từ cổ tức từ việc nắm giữ các tài sản tài chính. Nguồn lợi nhuận này cũng đã tăng đến 50% đạt 4.642 tỷ đồng và chiếm 36% trong cơ cấu lợi nhuận FVTPL.
CƠ HỘI KINH DOANH KHÔNG CÒN DỄ DÃI?
Thứ nhất, nếu như năm 2021 thanh khoản kỷ lục thúc đẩy hoạt động môi giới thì năm 2022 thanh khoản có khả năng không tăng trưởng thêm sẽ gây áp lực lên doanh thu mảng môi giới của các công ty chứng khoán.
Thanh khoản thị trường đã sụt giảm đáng kể. Thống kê cho thấy, tháng 11/2021, thanh khoản toàn thị trường trung bình 40.000 tỷ đồng/phiên, tháng 12/2021 giảm mạnh 17% còn đâu đó khoảng 33.000 tỷ đồng/phiên. Bước sang tháng 1/2022, thanh khoản chỉ còn 19.400 tỷ đồng/phiên. Trung bình 10 phiên trở lại đây, thanh khoản hồi phục ở mức 20.600 tỷ đồng nhưng đây là mức khá thấp, bằng với thời điểm của Quý 1/2021.
Chưa kể, dòng tiền trên thị trường chứng khoán còn chịu nhiều áp lực bởi lạm phát gia tăng, Fed nâng lãi suất, căng thẳng Nga với Ukraine hay cả với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng Chính phủ vừa công bố, các kênh đầu cơ khác cũng hấp dẫn không kém như đất, vàng, tiền ảo. Dự báo thanh khoản trong kịch bản tích cực giữ ở mức thấp 22.000 tỷ đồng và kịch bản tiêu cực hơn sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên.
Thứ hai, ở hoạt động cho vay margin. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng quý trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 15% và 19%. Kết quả là, dư nợ margin hiện tại đang ở mức cao nhất lịch sử với xấp xỉ 170 nghìn tỷ đồng tăng 98,7%. Nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn để có thể cải thiện năng lực cho vay margin.
Dư nợ cho vay margin tăng trưởng đều đặn theo quý nhưng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại trong quý 4/2021, theo thống kê từ KIS.
Trong khi đó, Số tài khoản cá nhân mở mới sau khi lập kỷ lục cũng bắt đầu giảm. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 1/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 195.068 tài khoản chứng khoán, giảm 31.512 tài khoản so với thời điểm kỷ lục mở tài khoản trong tháng 12/2021. Con số này cũng giảm mạnh so với thời điểm tháng 11/2022 là 220.000 tài khoản.
Thực tế cho thấy, doanh thu lợi nhuận hai mảng môi giới và cho vay margin cũng đã quay đầu giảm vào Quý 4/2022 sau khi bật tăng mạnh trong nửa đầu năm.
Thứ ba, hoạt động tự doanh vốn dĩ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các công ty chứng khoán lại được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong năm 2022 do chứng khoán không còn hấp dẫn như năm 2021. Hầu hết các dự báo đều cho rằng, Vn-Index khả năng sinh lời rơi vào khoảng 20% trong năm 2022, giảm đáng kể so với mức 34% trong năm 2021. Nguồn doanh thu FVTPL có thể sẽ không giữ được mức sinh lời ấn tượng ở năm 2022F", Chứng khoán KIS cũng thể hiện quan điểm.
Doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán vì thế dự báo sẽ không tăng trưởng bứt phá trong năm 2022 đặc biệt khi so với nền cao của năm 2021. Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, SSI Research cũng thừa nhận rằng năm Nhâm Dần 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng với thị trường chứng khoán và công ty chứng khoán này đưa quan điểm trung lập, không khuyến nghị mua hay bán với cổ phiếu nhóm chứng khoán.
Chứng khoán KIS cho rằng cũng không quá đáng lo ngại so với các công ty chứng khoán trong nửa đầu năm 2022. Kết quả kinh doanh trong 1Q22F được bảo đảm. Tuy nhiên, với nửa sau của năm 2022, KIS lại cho rằng sẽ cần theo dõi diễn biến của thị trường để có thể ước tính hiệu quả kinh doanh của các công ty chứng khoán.