2021 tiếp tục là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều kỷ lục được thiết lập cả về điểm số, thanh khoản lẫn số lượng tài khoản mở mới, trong đó sự gia nhập của các nhà đầu tư mới (hay còn gọi là nhà đầu tư F0) là một trong những lực đẩy chính. Với giới broker chứng khoán, lớp nhà đầu tư mới này cũng để lại nhiều “ấn tượng”.
Thích “đánh nhanh, thắng nhanh”
Chắc hẳn bạn đã thấy ở đâu đó hình ảnh một anh chạy Grab tranh thủ “lướt” bảng điện tử trong lúc đợi khách hàng, cô đồng nghiệp bên cạnh cứ một lúc lại quay ra xem bảng giá chứng khoán, hay ngồi cafe mà nghe nhóm thanh niên bàn bên cạnh rôm rả bàn luận về chứng khoán. Những câu chuyện như vậy giờ rất dễ gặp.
Nếu như 5 - 7 năm trước, đầu tư chứng khoán còn là khái niệm chưa quá phổ biến trong giới trẻ, thì nay đã là chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người bị mất việc làm, nghỉ ở nhà không có lương, lãi suất ngân hàng cũng giảm thấp nên kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn, bởi thế nhiều người tìm đến chứng khoán như là kênh sinh lời khả dĩ khi thị trường này đang trong xu hướng tăng mạnh. Những người mới tham gia thị trường chứng khoán có đủ các độ tuổi, nhưng nhiều nhất vẫn là các bạn trẻ.
Nguyễn Gia Khánh, chuyên viên tư vấn tài chính, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, chỉ trong khoảng 1 tháng qua, anh đã có thêm hơn 100 khách hàng mở mới tài khoản chứng khoán, độ tuổi chủ yếu từ 18 - 25, cho thấy các giới trẻ quan tâm tới việc gia tăng tài sản tích luỹ từ khá sớm, đặc biệt là từ kênh đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, nhiều người trong độ tuổi trung niên (40 - 65 tuổi) có xu hướng đầu tư khoản tiền nhàn rỗi vào thị trường chứng khoán, thay vì gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất như trước đây.
Đồng quan điểm, Nguyễn Đăng Bách, chuyên viên tư vấn tài chính, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPS) chia sẻ, nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau, từ hộ kinh doanh, dân văn phòng, sale bất động sản, cho đến sinh viên đại học, xe ôm công nghệ, trong đó phần lớn thuộc thế hệ 9x.
Vào cuối năm 2021, nhóm cổ phiếu penny đã tăng phi mã nhờ hút mạnh mẽ dòng tiền, đặc biệt từ các F0. Đặc điểm của nhóm cổ phiếu này là có mức độ biến động giá nhanh và mạnh, có thể “tăng trần, nằm sàn” ngay trong phiên giao dịch - phù hợp với tâm lý muốn “đánh nhanh, thắng nhanh” của đa số các nhà đầu tư mới.
Họ tham gia thị trường với kỳ vọng nhanh chóng kiếm được lợi nhuận cao, nhưng không phải lúc nào chiến lược này cũng thuận lợi. Bài học gần đây nhất là nhóm cổ phiếu họ FLC, sau những phiên tăng trần với khối lượng dư mua hàng chục triệu đơn vị, thì giờ đây cũng một lượng tương tự dư bán sàn mà không ai mua. Việc đột ngột mất thanh khoản khiến những người “trót” ôm nhóm cổ phiếu này như “ngồi trên lửa”.
Nguyễn Hoàng Dương, một broker khác của VPS cho hay, trong số khách hàng mới của mình, người theo trường phái đầu tư giá trị không nhiều, mà chủ yếu là “lướt sóng” kiếm lời ngắn hạn. Tuy nhiên, để lướt sóng thành công là không đơn giản, cần cả kiến thức vững vàng về tài chính - chứng khoán cũng như khả năng “đánh hơi” cơ hội trên thị trường, điều mà không phải F0 nào cũng hội tụ đủ, bởi thế cho nên lượng người bị kẹp hàng, “úp bô” rồi thua lỗ là không nhỏ.
“So với trước đây, lớp nhà đầu tư mới hiện nay có kiến thức và sự hiểu biết nhất định về thị trường, nhưng do còn thiếu kinh nghiệm nên dễ gặp rủi ro hơn”, broker này nói.
Cùng góc nhìn, broker Nguyễn Gia Khánh chia sẻ, đa số F0 đều muốn kiếm tiền nhanh nên có xu hướng ưa mạo hiểm, bởi rủi ro cao thường đi kèm với lợi nhuận cao. Theo Khánh, những nhà đầu tư này thường thích đầu tư vào những cổ phiếu “nóng” với hy vọng giá sẽ còn tăng tiếp. Tuy nhiên, với những cổ phiếu đã tăng mạnh, ngay cả khi tăng thêm thì lợi nhuận mang lại cũng không nhiều, còn nếu giảm thì rủi ro thua lỗ lớn là rất cao.
“Có những nhà đầu tư sau khi mua đuổi vẫn có lãi, nhưng đa số vì lòng tham lại không bán ra, mà tiếp tục ôm với hy vọng giá sẽ tăng cao hơn mà không dựa trên cơ sở nào, kết quả là bị kẹp hàng, âm vốn khi cổ phiếu quay đầu giảm. ‘Kiểm soát lòng tham’ là bài học sẽ theo nhà đầu tư trong suốt quá trình đi cùng thị trường”, Khánh nhấn mạnh.
Broker Nguyễn Đăng Bách chia sẻ thêm, những nhà đầu tư F0 muốn làm giàu nhanh thường bỏ qua các nguyên tắc đầu tư cơ bản, không cần phân tích doanh nghiệp quá nhiều mà thích mã nào là mua mã đó, kế hoạch đầu tư cũng không rõ ràng nên dễ gặp rủi ro.
“Những F0 kiểu này thường xuyên lên các hội nhóm, diễn đàn chứng khoán nghe ngóng thông tin để xem cổ phiếu nào ‘hot’, nhóm ngành nào đang vào ‘trend’ để ‘bơi theo’. Họ cũng thường mắc lỗi hoặc cùng một lúc đầu tư vào quá nhiều cổ phiếu, hoặc chơi ‘tất tay’ vào 1 - 2 mã, mà không cần quan tâm đến phân bổ rủi ro, nên dễ dẫn đến thua lỗ”, Bách kể.
Tâm lý FOMO và nỗi sợ cắt lỗ
Một hạn chế nữa của các F0 được chỉ ra, đó là tâm lý nóng vội, sợ mất cơ hội (tâm lý FOMO) và rất ngại cắt lỗ. Theo broker Nguyễn Hoàng Dương, khi nhà đầu tư đang “say sóng”, rất khó để tư vấn họ cắt lỗ bởi luôn tin rằng cổ phiếu sẽ tăng trở lại, tuy nhiên, với những cổ phiếu đầu cơ, một khi đã giảm thường giảm rất mạnh và khó tăng trở lại.
“Đầu tư trên thị trường thì kiến thức rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là sự nhanh nhạy và quyết đoán, đặc biệt trong việc cắt lỗ, bởi trong thị trường giá xuống, việc lỗ ít đã là thành công, song đây lại là điều mà hầu hết F0 đều đang thiếu”, Dương chia sẻ.
Theo broker Nguyễn Đăng Bách, nhà đầu tư mới tham gia thị trường đến từ nhiều ngành nghề với nhiều trình độ khác nhau, nhưng một điểm chung là đa phần còn thiếu kiến thức về đầu tư tài chính - chứng khoán, nên gặp khó khăn trong việc đọc báo cáo tài chính, nắm bắt các chỉ số kỹ thuật… Bách cho biết, trước khi đưa ra tư vấn về chiến lược đầu tư cho khách hàng, anh phải chuẩn bị rất công phu, bởi nếu qua loa thì nhà đầu tư khó xác định được cổ phiếu nào tốt, công ty nào có tiềm năng tăng trưởng.
Còn broker Nguyễn Gia Khánh cho hay, việc khó khăn nhất trong quá trình tư vấn, trợ giúp các F0 là giúp họ kiểm soát được cảm xúc, kiểm soát sự hưng phấn quá đà khi thị trường tăng nóng, hay sự sợ hãi khi thị trường lao dốc. “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi” là triết lý đầu tư ngược của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, hay hiểu nôm na là phải biết nhìn thấy cơ hội trong rủi ro, nhà đầu tư nào kiểm soát được cảm xúc để bình tĩnh tìm kiếm cơ hội sẽ là người chiến thắng.
“Đối với tôi, xây dựng được tầm nhìn đối với một cổ phiếu cho khách hàng là việc cần nhiều sự tỉ mỉ và để giúp được nhà đầu tư giữ được cái đầu lạnh ở những nhịp thị trường rung lắc cũng cần nhiều tâm sức. Tuy nhiên, cũng có không ít lần chính các nhà đầu tư lại cho tôi những tư vấn chuyên sâu hơn về các nhóm ngành, lĩnh vực bởi đó chuyên môn của họ. Khi đó, cả tôi và khách hàng cùng nâng cao được tầm nhìn và khả năng định giá cho mỗi cổ phiếu”, Khánh chia sẻ thêm.
Cũng theo broker này, thực tế, nhà đầu tư mới thường để cảm xúc lấn át, nhất là khi cổ phiếu giảm. Trong trường hợp này, nhà đầu tư cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân tại sao cổ phiếu giảm, chẳng hạn do thị trường chung hay do yếu tố cơ bản của cổ phiếu đã thay đổi, cổ phiếu âm ấy là cổ phiếu đầu cơ lướt sóng hay cổ phiếu đầu tư trung - dài hạn..., từ đó tìm ra giải pháp phù hợp, tránh việc hoảng loạn bán tháo.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 12/2021 tiếp tục tăng, đạt 226.580 tài khoản - một kỷ lục mới. Như vậy, 10 tháng liên tiếp số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới duy trì trên 100.000 đơn vị mỗi tháng và là tháng thứ 2 ở mức trên 200.000 đơn vị mỗi tháng. Tính cả năm 2021, có tổng cộng hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới, tăng gần 4 lần năm 2020 và gần 50% tổng số tài khoản cá nhân mở mới giai đoạn 2017-2020 (đạt 1,04 triệu tài khoản).