Chuỗi thuốc Long Châu được dự đoán phải đến năm 2023 mới có lãi nhưng dịch COVID-19 ập đến và mọi chuyện đã khác.
Năm 2021, chuỗi thuốc Long Châu của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã
FRT) đã mở thêm tới 200 cửa hàng, nâng tổng số nhà thuốc lên con số 400 và bất ngờ báo lãi thay vì thua lỗ như năm 2020. Doanh thu năm 2021 của chuỗi thuốc Long Châu đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Nhờ đó, công ty mẹ là
FRT cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tới 444 tỷ đồng, tăng gấp 44 lần so với năm 2020.
Đối thủ của
FRT trong ngành bán lẻ điện tử, CTCP Thế Giới Di Động (mã
MWG) dù chậm chân hơn đôi chút, vào đầu tháng 11/2021,
MWG đã mua 1,294 triệu cổ phiếu của An Khang sở hữu 100% cổ phần tại An Khang. Điều này cho thấy,
MWG đã kết thúc giai đoạn thăm dò và chuyển sang giai đoạn đầu tư mạnh mẽ cho chuỗi thuốc An Khang.
Từng có quá khứ kinh doanh "nhạt nhoà"
Được IBM dự đoán quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%/năm nhưng việc đầu tư vào các chuỗi bán lẻ dược phẩm lại không hề "dễ ăn" do thói quen mua thuốc tại các cửa hàng truyền thống của người dân.
Với 2 ông lớn là
FRT và
MWG, thương vụ đầu tư vào chuỗi thuốc trong giai đoạn 2017-2019 cho kết quả không khả quan.
Ban đầu,
MWG từng có kế hoạch mua 100% cổ phần An Khang thay vì mất 2-3 năm tìm hiểu và phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm. Tuy nhiên, sau khi thăm dò một thời gian bằng việc đầu tư 49% cổ phần, tình hình kinh doanh không mấy khả quan của chuỗi thuốc An Khang đã khiến
MWG dừng lại.
Lợi nhuận của chuỗi thuốc An Khang giai đoạn 2019-2021
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, Chủ tịch HĐQT
MWG Nguyễn Đức Tài chính thức tuyên bố dừng kế hoạch này lại nhằm đánh giá rủi ro, cũng như chưa phải thời điểm thích hợp để đẩy mạnh mảng mới.
Tính đến hết quý 3/2021,
MWG đã lỗ lũy kế 16,9 tỷ đồng tại An Khang, khoản đầu tư ban đầu trị giá 62 tỷ đồng chỉ còn lại 45,1 tỷ đồng. Đến quý 4/2021, do đã mua 100% cổ phần, An Khang sẽ là công ty con và được hạch toán chung vào BCTC của
MWG.
Tương tự,
FRT cũng ghi nhận lỗ tại khoản đầu tư vào Long Châu trong thời gian dài. "Do FPT Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng chuỗi dẫn đến chi phí tăng", ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FPT Retail lý giải.
Được biết, chi phí mở 1 nhà thuốc Long Châu dao động từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng. Công ty này cũng dự kiến phải đến hết năm 2022, Long Châu mới có thể hoà vốn, nhưng COVID-19 ập đến đã làm thay đổi tất cả.
COVID-19 làm thay đổi tất cả...
Bước sang năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về dược phẩm và các sản phẩm y tế của người dân tăng đột biến. Chuỗi thuốc Long Châu của
FRT lập tức ghi nhận doanh thu tăng cao.
Năm 2021, chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt doanh thu 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm trước và đã có lãi, sớm hơn 2 năm so với dự đoán ban đầu.
Do mở rộng mạng lưới cửa hàng trong năm 2021 nên tài sản ngắn hạn của
FRT tăng từ 4.960 tỷ đồng trong năm 2020 lên 10.221 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng 2,7 lần từ 1.826 tỷ đồng lên 4.930 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn cũng tăng từ 4.162 tỷ đồng năm 2020 lên mức 9.106 tỷ đồng trong năm 2021. Nợ ngắn hạn phải trả người lao động tăng từ 1,57 tỷ đồng trong năm 2020 lên đến 408,6 tỷ đồng năm 2021, tăng 260 lần.
Số cửa hàng của chuỗi thuốc Long Châu theo từng năm
Với chuỗi thuốc An Khang, doanh thu mỗi nhà thuốc trên tháng đạt khoảng hơn 500 triệu đồng, bắt đầu chạm ngưỡng hòa vốn.
MWG cũng tiết giảm chi phí bằng cách xây dựng một số mô hình cửa hàng thuốc An Khang nằm trong cửa hàng Bách Hoá Xanh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị
MWG Nguyễn Đức Tài cho biết, doanh nghiệp nâng tỷ lệ sở hữu tại An Khang lên 100% để chuẩn bị tăng tốc trong tương lai khi ngành thuốc đang có các cơ hội phát triển tích cực sau đại dịch.
Theo ông Tài, ngành thuốc đang chuyển dịch từ thuốc chữa bệnh sang các sản phẩm phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe như vitamin, thuốc bổ. Đây là giai đoạn phù hợp để mô hình nhà thuốc tăng trưởng.
Dự báo trong năm 2022, thị trường bán lẻ dược phẩm tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng mạnh cũng như tâm lý đề cao các vấn đề về y tế sau đại dịch COVID-19.