VNM và nhóm Khu Công nghiệp là những điểm nhấn đáng kể nhất cho thị trường. Nhưng vẫn là quá khó để dòng tiền có thể quay sang các mã này khi còn phân tán cho các cổ phiếu Midcap và Penny khác trên sàn.
VNM vẫn nới được thêm biên đô giao dịch lên 6,17% khi kết phiên. Khối ngoại được xem là phe tham gia năng nổ khi đã mua ròng VNM hơn 200 tỷ đồng trong cả phiên. Tuy nhiên, cũng cần phải có cái "bắt tay" của tiền nội bởi giá trị tiền nội vẫn chiếm khoảng 75% tổng giá trị giao dịch của VNM.
Nếu như không có sự gia cố từ VNM, VN-Index hoàn toàn có thể đã đóng cửa trong sắc đỏ bởi đã có thời điểm chỉ số bị kéo giảm vào lúc 14h.
Các tác nhân gây hao hụt nhiều nhất bao gồm cả các mã VN30 như GAS (-1,6%), STB (-1,7%), MSN (-1,3%) lẫn các mã vốn hóa top sau như DIG (-2,6%), DPM (-1,91%), HSG (-3,58%)…
Điều này cho thấy, việc lựa chọn đúng cổ phiếu lớn không hề dễ dàng nếu nhà đầu tư muốn chuyển dịch từ nhóm Midcap và Penny.
Trong khi đó, khả năng tạo lợi nhuận của Midcap và Penny cho nhà đầu tư rõ ràng đang không thuận lợi sau các diễn biến gần đây. Biến động tăng giảm đang trở nên khó lường với các cổ phiếu OGC (+6,9%), HQC (-6,95%), SCR (-3,72%), HAG (-4,03%), DLG (-4,61%), LDG (-5%), NKG (-4,2%), HSG (-3,58%), trong đó các mã hầu hết đều ngả theo chiều giảm.
So với phiên sáng, độ rộng thị trường còn ghi nhận sự thu hẹp lại của sắc xanh xuống còn 35,8%. Sắc đỏ đã được mở rộng lên 52,2%. Điều này cũng kìm hãm đi đà tăng của nhóm cổ phiếu tích cực nhất là Khu Công nghiệp khi TIP (+7%) là mã duy nhất tăng trần trong khi LHG (+4,4%), D2D (+2,1%), KBC (+0,8%), SZC (+1,3%) đều hụt hơi về cuối phiên.
VN-Index chốt phiên vẫn giữ được sắc xanh, tăng 1,64 điểm lên 1.492,15 điểm (+0,11%). Thanh khoản đạt 684,54 triệu đơn vị, tương đương 21.803 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index lại không thể vượt qua được áp lực khi HUT (-9,8%), PVS (-2,8%), CEO (-2,9%), TNG (-3,2%) gia tăng gánh nặng. Chỉ số giảm 0,35% xuống 449,62 điểm. Giao dịch sàn đạt 3.346 tỷ đồng.
Với UPCoM-Index, áp lực của BSR (-2,2%) không lớn nên đã được QNS (+0,6%), VEA (+4,6%) triệt tiêu. Chỉ số cũng đảo chiều thành công như VN-Index, tăng 0,14% lên 117,04 điểm. Giá trị giao dịch đạt 4.057 tỷ đồng.
*****
Các cổ phiếu lớn tiếp tục duy trì sự hậu thuẫn cho sự hồi phục của thị trường. VNM, FPT, MWG trong vòng chưa đến 1 tuần đã có mức tăng từ 7% trở lên trong đó FPT đã tăng gần 13%.
Sự hiện diện của các cổ phiếu lớn là rất kịp thời trong vòng 1 tuần trở lại đây. So với Ngân hàng, thành tích của các mã VNM, FPT, MWG tỏ ra vượt trội và đóng góp rất nhiều vào việc giữ ổn định chỉ số.
Theo thống kê, trong vòng 3 phiên, cổ phiếu VNM đã tăng 7,2%, MWG tăng 9,3% trong 5 phiên còn FPT tăng tới 13% trong 4 phiên. Xét về thứ tự, sáng nay, VNM (+3,3%) đang là mã ảnh hưởng nhiều nhất tới chỉ số, kế đến là VRE (+3,1%) và FPT (+2%).
Nếu nhìn rộng ra trong vòng 5 phiên, FPT và MWG là 2 cổ phiếu cống hiến nhất cho thị trường. Còn Ngân hàng chỉ có đóng góp đáng kể nhất của VIB và MBB. 2 cổ phiếu này trong sáng nay chủ yếu giao dịch lừng khừng.
Nhờ các Bluechips, thị trường đáp ứng được sự kỳ vọng cân bằng khi khoảng cách giữa số mã tăng/giảm đã không còn sự chênh lệch.
Nhóm Khu Công nghiệp vẫn tiếp tục là nhóm vượt trội hơn so với mặt bằng chung trong khi các mã khác chỉ giao dịch trong biên độ hẹp.
VN-Index tới cuối phiên sáng đang tăng 4,11 điểm (+0,28%) lên 1.494 điểm. Giá trị giao dịch của sàn đạt 11.987 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tỏ ra vất vả hơn khi còn phải vấp phải áp lực của CEO (-0,8%), TNG (-2%), HUT (-7,2%). Cổ phiếu IDC (+5,9%) phải gồng mình giúp chỉ số này giữ được sắc xanh sau pha rung lắc. Tới cuối phiên sáng, HNX-Index tăng 0,18% lên 452 điểm. Giá trị giao dịch đạt 2.074 tỷ đồng.
*****
Sau một phiên giao dịch không hòa thuận giữa các cổ phiếu lớn và nhóm vốn hóa thấp hơn, thị trường đã cho thấy sự cân bằng hơn. Các mã VRE, VNM, FPT, MWG đang lấp vào vị trí của Ngân hàng để kéo chỉ số hồi phục.
Ngân hàng sau phiên trấn an tâm lý đã giúp cho chỉ số không đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn. Tất nhiên, hiệu quả lên các mã Midcap và Penny hôm qua chưa được ghi nhận khi hoạt động tháo chạy vẫn kéo nhiều cổ phiếu Bất động sản, Phân bón giảm sàn.
Cho đến sáng nay, tâm lý đã ổn định hơn với biên độ giảm của nhiều cổ phiếu Bất động sản chỉ còn dưới 1% như CTD (-0,2%), PDR (-1%), LDG (-0,3%) trong khi các mã DXG, SJS, CII, AGG, VCG, DIG, NLG đã tăng lại trên 1%.
Bất ngờ nhất là nhóm Khu Công nghiệp đang xuất hiện một loạt mã như TIP (+7%), VGC (+7%), LHG (+6,2%), SZC (+3,7%), D2D (+3,7%), BCM (+2,5%), KBC (+2,5%), GVR (+1,5%) cùng tăng giá. Điều này có lẽ không hoàn toàn là kì lạ bởi ngoài Ngân hàng, cổ phiếu Khu Công nghiệp đôi lúc cũng được dòng tiền kích hoạt khi "bí" các ý tưởng giao dịch.
Trước đó, các cổ phiếu Khu Công nghiệp cũng điều chỉnh và tích lũy khá tích cực.
Ở rổ VN30, hiện FPT (+3,4%), VRE (+3,2%), VNM (+2,9%), MWG (+1,8%), GVR (+1,3%), PNJ (+1%) đang làm khá tốt nhiệm vụ chèo lái cho chỉ số. Đây là sự tiếp sức khá hợp lý khi Ngân hàng khó đảm bảo được vận động tăng giá một cách liên tục.
Tính đến 10h30, VN-Index đã áp sát 1.500 điểm, tăng lên 1.498 điểm. Thanh khoản có phần hụt đi khi chỉ đạt 7.500 tỷ đồng.
Còn HNX-Index đang giảm xuống 452 điểm, giá trị giao dịch đang đạt trên 1.500 tỷ đồng. Cổ phiếu IDC (+6,53%) cũng là một ông lớn nhóm Khu Công nghiệp đang trong vai trò trụ cột gánh vác cho chỉ số đại diện của HNX. Riêng giá trị giao dịch của IDC đã đạt hơn 600 tỷ đồng.