Việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC bị bắt để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán đã khiến thị trường chao đảo. Không chỉ cổ phiếu “họ FLC” trong tình trạng “trắng bên mua”, mà các cổ phiếu đầu cơ khác cũng bị vạ lây, giảm sàn hàng loạt. Những cổ đông đang nắm giữ những cổ phiếu này cay mắt nhìn tài khoản "bốc hơi" trong phút chốc.
Chốt phiên ngày 30/3, sắc đỏ bao trùm toàn thị trường. Trong đó, các cổ phiếu “họ
FLC” tiếp tục là tâm điểm thị trường khi ngay từ đầu phiên, nhà đầu tư tháo chạy, chất lệnh bán sàn hàng loạt, khiến cơ hội “thoát hàng” đối với nhà đầu tư lướt sóng là rất hạn chế.
Khó “thoát hàng”
Trắng bên mua, khối lượng khớp lệnh thành công như "muối bỏ bể”, trong khi lượng cổ phiếu dư bán sàn chất đống là những gì để nói về nhóm cổ phiếu “họ
FLC” ở thời điểm hiện tại. Phiên 30/3 cũng là phiên thứ 3 liên tiếp, nhóm cổ phiếu này đều giảm hết biên độ.
Vụ việc Chủ tịch FLC bị bắt đã ảnh hưởng mạnh đến diễn biến thị trường chứng khoán (Ảnh: Int)
Cụ thể, tính riêng cổ phiếu
FLC, lượng dư bán sàn có thời điểm vượt trăm triệu cổ phiếu, một số lệnh bán được huỷ nên đến cuối phiên chỉ còn 96,6 triệu cổ phiếu giá sàn chưa được khớp. Số lượng cổ phiếu giao dịch thành công trong phiên gần 886.000 đơn vị, trong đó riêng khối ngoại mua vào 30%.
Tính chung các cổ phiếu thuộc “họ
FLC” gồm ROS (
FLC Faros), AMD (Đầu tư và Khoáng sản
FLC Stone),
ART (Chứng khoán BOS), KLF (Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS), HAI (Nông dược H.A.I)…, tổng lượng đặt bán giá sàn và ATC đến cuối phiên xấp xỉ 200 triệu đơn vị.
Không chỉ vậy, hàng loạt cổ phiếu thuộc dạng đầu cơ khác cũng “lao dốc”, đặc biệt là nhóm bất động sản. Các mã bị bán mạnh là: FCN (CTCP FECON), NDN (Phát triển nhà Đà Nẵng), TCD (Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải), VGC (Tổng công ty Viglacera – CTCP), CEO (CTCP Tập đoàn C.E.O),
ITA (Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo)... Nhiều mã thậm chí giảm kịch sàn như
HQC (Địa ốc Hoàng Quân),
LDG (Đầu tư
LDG),
SCR (Địa ốc Sài Gòn Thương Tín), HAR (Bất động sản An Dương Thảo Điền), UDC (Xây dựng và phát triển Đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu)... Trong đó, HQG là cổ phiếu nổi trội nhất khi mất 7% về 9.350 đồng/cp và là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn với gần 47,5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và vẫn còn hơn 400.000 cổ phiếu khác chất bán sàn.
Sau nhiều phiên gây sự chú ý khi tăng kịch trần liên tiếp, nhóm cổ phiếu “họ
DNP” cũng bất ngờ “quay xe” như
HUT (Tasco) và VC9 (Xây dựng số 9) giảm hết biên độ,
DNP (Nhựa Đồng Nai) mất 3,9%. Cùng chung số phận, nhóm cổ phiếu họ Louis như
TGG (Louis Capital) và BII (Louis Land) cũng phủ màu “xanh lơ”.
Có thể thấy, những cổ phiếu trên đều là những mã từng gây ấn tượng trên thị trường, nhiều cổ phiếu còn có chuỗi tăng trần liên tiếp được gọi bằng cái tên mỹ miều “món quà thượng đế”, giúp nhiều nhà đầu tư "ăn bằng lần", "x2 x3 tài khoản".
Tuy nhiên, trước những biến động hiện tại, có lẽ những cổ đông đang nắm giữ những cổ phiếu “hàng nóng” trên như đang “ngồi trên đống lửa”, nhìn tài khoản bay hơi trong phút chốc. Thậm chí, những cổ đông của nhóm cổ phiếu “họ
FLC” có thể còn chịu cảnh “nhốt sàn” như thời điểm xảy ra vụ việc “bán chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết.
Liên quan đến vụ việc “bán chui” cổ phiếu của ông Quyết đã từng khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Cuối giờ chiều ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc CTCP Tập đoàn
FLC, CTCP Chứng khoán BOS cùng các công ty liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo
Cũng ngay tối 29/3, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi thông cáo đến các nhà đầu tư về vụ việc này, trong đó khuyến nghị nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích các yếu tố vĩ mô, hoạt động của doanh nghiệp để ra quyết định. Bởi đây không phải lần đầu thị trường chứng khoán đối diện với thông tin các nhân vật có ảnh hưởng lớn bị bắt như bầu Kiên, ông Hà Văn Thắm, ông Trầm Bê, ông Đinh La Thăng và ông Trần Bắc Hà.
Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, CEO CTCP Tư vấn Đầu tư S-Talk, nhà đầu tư cần tuyệt đối tránh việc bắt đáy cổ phiếu trong thời điểm cổ phiếu đang trong đà lao dốc. Việc quan trọng nhất là nhà đầu tư cần tỉnh táo, bình tĩnh và phân tích kỹ lưỡng để tìm ra cho mình phương hướng xử lý.
Đối với những nhà đầu tư đang trong tình trạng bị kẹp hàng cổ phiếu “nóng”, ông Điệp đưa ra hai lời khuyên.
Trước hết, nhà đầu tư không nên cố giữ cổ phiếu cho đến khi thanh khoản quay lại. Phương pháp này chỉ dành cho những cổ phiếu có nội tại tốt, còn đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ lên nhanh và xuống cũng nhanh. Nếu nhà đầu tư bị "kẹp hàng" trên mức giá đỉnh hãy kiên nhẫn chờ đợi cơ hội và luôn đặt sẵn lệnh để thoát cổ phiếu.
Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp bình quân giá là việc nhà đầu tư tuyệt đối không nên sử dụng. Vốn dĩ phương pháp này chỉ dành cho những cổ phiếu tốt và vẫn còn tiềm năng tăng giá. Còn đối với những cổ phiếu đầu cơ, đà giảm sâu giảm sốc hoàn toàn có thể tiếp diễn, việc vội vã mua trong thời điểm này sẽ khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh “lỗ chồng lỗ”.
Như vậy, phải chăng tham gia vào cổ phiếu đầu cơ là không nên. Hoặc nếu muốn tham gia, nhà đầu tư nên có chiến lược ra sao?
Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận mức lợi nhuận mà cổ phiếu đầu cơ tạo ra, mang nhiều cung bậc cảm xúc cho nhà đầu tư. Nếu xác định đầu tư vào cổ phiếu đầu cơ, nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nên “tất tay”, chỉ nên “chơi" một tỷ trọng nhỏ. Đặc biệt, nhà đầu tư nên nhớ 2 nguyên tắc. Đó là quan sát dòng chảy của cả nhóm cổ phiếu đầu cơ và tuyệt đối không "tắm 2 lần trên 1 dòng sông".