• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.231,89 -14,15/-1,14%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.231,89   -14,15/-1,14%  |   HNX-INDEX   223,82   -2,39/-1,06%  |   UPCOM-INDEX   91,87   -0,48/-0,52%  |   VN30   1.286,65   -17,39/-1,33%  |   HNX30   476,60   -8,05/-1,66%
15 Tháng Mười Một 2024 5:55:55 SA - Mở cửa
Cơ hội M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Nguồn tin: Báo Đầu tư | 04/03/2022 4:40:00 CH
Bất chấp những khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên các chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh trong nước, chăm sóc sức khỏe vẫn đang là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn ở Việt Nam.
 
Năm 2021, lĩnh vực tài chính tín dụng tiêu dùng và thanh toán kỹ thuật số đứng đầu trong các xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A), với các thương vụ như Công ty tài chính SMBC mua lại 49% cổ phần của FE Credit với giá trị 1,4 tỷ USD; VNLife gọi vốn vòng Series B trị giá 250 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư do Dragoneer Investment Group và General Atlantic dẫn đầu, với sự tham gia của PayPal Ventures và EDBI.
 
Nếu như những năm trước đây, mỗi năm thường có ít nhất một đến hai thương vụ đáng chú ý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, như khoản đầu tư của GIC vào Vinmec, của VinaCapital vào Bệnh viện Thu Cúc (năm 2020), hay khoản đầu tư của Quadria Capital vào Bệnh viện FV (năm 2017), thì năm 2021 hoàn toàn thiếu vắng các thương vụ M&A đình đám trong lĩnh vực này.
 
Tuy nhiên, số lượng giao dịch M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hạn chế không có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài thiếu quan tâm đến lĩnh vực này, mà có thể do nhà đầu tư nước ngoài khó tìm được công ty mục tiêu phù hợp, hoặc gặp phải một số trở ngại trong quá trình thực hiện các thương vụ đầu tư.
 
Trên thực tế, chăm sóc sức khỏe vẫn đang là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn ở Việt Nam. Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người có xu hướng tăng trong dài hạn. Các vấn đề lớn về ngân sách và năng lực mà các bệnh viện công phải đối mặt vẫn còn, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe bằng cách tăng công suất giường bệnh của bệnh viện/phòng khám tư nhân cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
 
Ngoài ra, bất chấp những tác động nghiêm trọng do đại dịch gây ra, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP tích cực trong cả hai năm 2020 - 2021 và sẵn sàng phục hồi nhanh chóng nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cao và việc nới lỏng hạn chế về đi lại.
 
Đó là những tín hiệu tích cực, mang đến nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dù bên cạnh vẫn còn một số khó khăn, trở ngại.
 
Bệnh viện và phòng khám tư nhân
 
Các bệnh viện tư nhân có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng về tình trạng quá tải nghiêm trọng đối với các bệnh viện công tại các thành phố lớn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều giao dịch đầu tư nước ngoài vào các bệnh viện và phòng khám tư nhân, nhưng vẫn còn một số thách thức, rào cản thương mại và pháp lý có thể ngăn cản đầu tư nước ngoài vào khu vực này.
 
Một trong những thách thức lớn nhất là việc cấm sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp tham gia phân phối dược phẩm. Dù một số doanh nghiệp đang tích cực tìm cách phát triển mặt bằng bán lẻ dược phẩm, thì phần lớn hoạt động phân phối dược phẩm ở Việt Nam vẫn diễn ra trong các bệnh viện dưới hình thức các nhà thuốc nhỏ độc lập. Điều này dẫn đến việc bệnh viện tư nhân cần phải cơ cấu lại, hoặc tiến hành các bước khác để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh bệnh viện. Việc cơ cấu lại có thể tạo ra những vấn đề phức tạp không cần thiết cho hoạt động kinh doanh cũng như hàng loạt khó khăn khác.
 
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ nên xem xét nới lỏng các hạn chế đầu tư nước ngoài áp dụng cho ngành phân phối dược phẩm. Việc nới lỏng đó không chỉ giúp các thương vụ M&A vào bệnh viện tư nhân ít phức tạp hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn mang lại lợi ích cho ngành bán lẻ dược phẩm đang phát triển.
 
Giải pháp dành riêng cho các bệnh viện và phòng khám là Chính phủ có thể loại bỏ quy định cấm sở hữu nước ngoài đối với mảng phân phối dược phẩm được vận hành như một phần chức năng của bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân.
 
Một vấn đề tồn tại lâu dài khác đối với các bệnh viện và phòng khám tư nhân là khó khăn trong việc tuyển dụng, giữ chân các bác sỹ và nhân viên y tế có trình độ chuyên môn, đặc biệt là trong các chuyên khoa đặc thù.
 
Giải pháp cho vấn đề này là thúc đẩy đào tạo và phát triển đội ngũ bác sỹ Việt Nam và những người hành nghề khám chữa bệnh khác. Đồng thời, giảm bớt các yêu cầu đối với những người hành nghề khám chữa bệnh là người nước ngoài, ví dụ: bỏ yêu cầu phải thông thạo tiếng Việt, cho phép bệnh nhân Việt Nam sử dụng ngoại ngữ khi khám bác sỹ người nước ngoài; kết hợp việc sử dụng các phiên dịch viên y tế có chứng chỉ. Điều này sẽ giúp các bác sỹ nước ngoài có tay nghề cao có thể hành nghề tại Việt Nam dễ dàng hơn.
 
Ngoài ra, Việt Nam hiện có rất ít các chuỗi nhượng quyền thương hiệu bệnh viện tư nhân trong nước với các cơ sở tại các tỉnh, thành phố. Đây là một rào cản thương mại đối với một số loại hình đầu tư nước ngoài, bởi từ góc độ tăng trưởng, một tài sản là bệnh viện đơn lẻ có thể không hấp dẫn bằng một chuỗi cơ sở khắp cả nước và có khả năng mở rộng. Các nhà điều hành bệnh viện và phòng khám tư nhân trong nước, nếu đang cân nhắc hợp tác hoặc bán cho một nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nên cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược tăng trưởng trên cơ sở mở rộng.
 
Phòng khám tư nhân chuyên khoa
 
Bên cạnh bệnh viện và phòng khám tư nhân, các phòng khám tư nhân chuyên khoa cũng đang rất hấp dẫn đầu tư. Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến một số khoản đầu tư tài chính và đầu tư chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài vào loại hình kinh doanh này.
 
Các phòng khám tư nhân chuyên khoa cũng gặp phải một số vấn đề tương tự bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, do sự khác biệt về quy mô, các phòng khám tư nhân chuyên khoa thường ít thâm dụng vốn hơn, có thể dễ dàng mở rộng quy mô thành chuỗi trong nước và có thể mang lại lợi ích xã hội thông qua việc tăng khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao bên ngoài các thành phố lớn.
 
Chẩn đoán lâm sàng/ phòng xét nghiệm
 
Các công ty chẩn đoán/xét nghiệm có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam nhiều năm qua. Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này có khả năng thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài
 
Các yêu cầu hiện hành về cơ sở vật chất và giấy phép đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chẩn đoán lâm sàng/phòng xét nghiệm thường khó tuân thủ và không cần thiết đối với dịch vụ yêu cầu tính tin cậy cao. Giống như một số ngành khác ở Việt Nam vốn còn khá manh mún, lĩnh vực chẩn đoán/xét nghiệm đang bị xem là loại hình kinh doanh có khối lượng thấp/chất lượng thấp. Ngoài ra, kiểm soát chất lượng cũng là một vấn đề.
 
Liệu lĩnh vực này có trở thành mục tiêu khả thi, hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài trên quy mô lớn hơn so với trước đây hay không, cần thời gian để xem xét thêm. Tuy nhiên, nếu dựa theo mô hình tại các quốc gia khác ở châu Á, lĩnh vực này chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu khả thi, hấp dẫn nhờ vào các quy định phù hợp và hiệu quả, khuyến khích sự đổi mới và phát triển. Đặc biệt, lĩnh vực chẩn đoán/xét nghiệm cũng mang đến một số cơ hội hấp dẫn để đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
 
Công nghệ y tế và y học từ xa
 
Các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo liên quan đến chăm sóc sức khỏe có nhiều khả năng phát triển ở Việt Nam vì một số vấn đề đối với hệ thống hiện tại có thể được giải quyết bằng cách tăng cường số hóa và đổi mới. Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng doanh nghiệp kỹ thuật số trong hàng loạt lĩnh vực, trong đó có một số công ty công nghệ thực sự tạo dấu ấn. Không có lý do gì mà lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lại không được hưởng lợi từ sự đổi mới này.
 
Chính phủ đã đưa ra các chính sách khuyến khích số hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả việc thúc đẩy số hóa hồ sơ y tế. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ y tế trong tương lai. Những nỗ lực đó cần được tiếp tục như một phần của quá trình thúc đẩy rộng rãi hơn nữa quá trình số hóa nền kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.
 
Ngoài ra, bất kỳ sự phát triển nào nhằm giảm tần suất đến bệnh viện, đồng thời cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn và hiệu quả như nền tảng khám bệnh từ xa có thể giúp giảm bớt gánh nặng quá tải mà các bệnh viện lớn trong nước đang phải đối mặt.
 
Không giống như một số quốc gia khác ở châu Á, cho đến nay, Việt Nam chưa có hoạt động đầu tư nước ngoài đáng kể nào vào các doanh nghiệp công nghệ y tế. Nguyên nhân có thể do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa đủ lớn để thu hút đầu tư nước ngoài. Một yếu tố khác ảnh hưởng đến một số lĩnh vực có nền tảng công nghệ ở Việt Nam là thiếu quy định pháp lý rõ ràng nhằm đảm bảo hoạt động ổn định cho các doanh nghiệp cũng như tính an toàn cho người tiêu dùng của họ.
 
Trên đây là một số điểm mà Chính phủ có thể cân nhắc để xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư chăm sóc sức khỏe để thu hút đầu tư nước ngoài.