• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.265,05 +5,42/+0,43%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.265,05   +5,42/+0,43%  |   HNX-INDEX   223,01   +0,34/+0,15%  |   UPCOM-INDEX   94,30   +0,42/+0,45%  |   VN30   1.337,59   +5,05/+0,38%  |   HNX30   463,85   -0,44/-0,09%
25 Tháng Giêng 2025 12:41:23 SA - Mở cửa
LTG: Dài cổ chờ “lộc chuyển sàn"
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán | 12/04/2022 7:48:53 SA
Kế hoạch chuyển sàn sang HOSE của Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) lần lữa nhiều năm nay và theo công bố mới nhất thì có thể phải đợi thêm 3 năm nữa.
 
Chờ tới năm 2025
 
Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (dự kiến tổ chức vào ngày 14/4 tới) của Tập đoàn Lộc Trời có một nội dung đáng chú ý, đó là dời thời gian niêm yết cổ phiếu trên HOSE sang năm 2025, lùi 3 năm so với kế hoạch đã được cổ đông thông qua.
 
Theo lý giải của Lộc Trời, “điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam hiện nay và hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE”.
 
Nội dung này gây chú ý không chỉ vì kế hoạch lên niêm yết của cổ phiếu Lộc Trời tiếp tục kéo dài, mà còn ở lý do mà Công ty viện dẫn.
 
Bởi lẽ, kể từ khi đại dịch diễn ra, Lộc Trời là một trong số ít doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp. Năm 2020, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 10,1%, còn năm 2021 tăng trưởng 13,3%, lần lượt đạt 369 tỷ đồng và 418 tỷ đồng.
 
 
Kết quả kinh doanh của LTG giai đoạn 2018 - 2021.
 
Báo cáo phân tích của Chứng khoán Mirae Asset, Lộc Trời đang có 14 công ty con và 2 công ty liên kết, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 49% doanh thu năm 2021); sản xuất, thương mại lương thực và gạo (chiếm 39% doanh thu năm 2021); và các lĩnh vực khác như giống cây trồng, bao bì, xây dựng… Hiện tại, Lộc Trời đang dẫn đầu mảng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam với thị phần khoảng 20%.
 
Về bối cảnh kinh doanh năm 2022, thế giới đang vào giai đoạn khó khăn về lương thực do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine - hai quốc gia vốn đóng góp 28% nguồn cung lúa mì và 15% nguồn cung ngô trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.
 
Giá hàng loạt mặt hàng lương thực đã tăng mạnh và được dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như Lộc Trời, nhất là khi Công ty đang đẩy mạnh mảng sản xuất lúa gạo.
 
Thực tế, việc chậm niêm yết/giao dịch cổ phiếu đã là câu chuyện gây tranh cãi ở Lộc Trời nhiều năm nay. Được cổ phần hóa vào năm 2014 nhưng mãi tới năm 2017, doanh nghiệp mới đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM sau nhiều “thúc giục” của cổ đông nước ngoài.
 
Và dù được xem là doanh nghiệp quy mô lớn, có yếu tố cơ bản tốt, đủ tiêu chuẩn để đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE, song Lộc Trời vẫn cứ “yên vị” ở chiếu dưới, với tiêu chuẩn về minh bạch thông tin cũng như hiệu quả kinh doanh thấp hơn.
 
Có thể thấy, ban lãnh đạo Lộc Trời đã có lịch sử chậm đưa cổ phiếu lên sàn và hiện tại tiếp tục kéo dài thời gian chuyển sàn sang HOSE.
 
Trong báo cáo thường niên gần nhất năm 2022, cơ cấu cổ đông lớn của LTG gồm Marina Viet Pte. Ltd. sở hữu 25,21% vốn, UBND tỉnh An Giang sở hữu 24,15%, Augusta Viet Pte. Ltd sở hữu 5,71%, còn lại 44,93% thuộc về nhóm cổ đông khác.
 
Như vậy, các nhóm cổ đông lớn và người đại diện và trực tiếp điều hành quản lý công ty vẫn đang nắm quyền chi phối doanh nghiệp. Nếu các nhóm này đồng thuận, cổ đông thiểu số và thị trường còn phải mòn mỏi chờ thêm ít nhất 3 năm nữa cổ phiếu LTG mới lên sàn HOSE. Bởi chẳng biết rồi đây, lời hứa chuyển sàn vào năm 2025 có tiếp tục bị “treo” hay không.
 
Lãnh đạo đặt kế hoạch thấp để được thưởng cao?
 
Bên cạnh việc xin lùi thời gian chuyển sàn thêm tối thiểu 3 năm, Công ty cũng dự kiến trình kế hoạch lợi nhuận năm 2022 là 400 tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm ngoái.
 
Công ty cũng dự kiến trình phương án thưởng cho Hội đồng quản trị, Ban điều hành. Theo đó, nếu lợi nhuận tăng từ 0 - 10%, thưởng 10% chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ; nếu lợi nhuận tăng từ 10 - 20%, thưởng tỷ lệ lên tới 15% chênh lệch giữa lợi nhuận kiếm được so với cùng kỳ; nếu lợi nhuận tăng từ 20% trở lên, mức thưởng lên tới 20%.
 
Ngoài ra, thù lao của Hội đồng quản trị Công ty cũng được lên kế hoạch là 1% của lợi nhuận trước thuế, Ban Kiểm soát là 0,1% của lợi nhuận trước thuế. Như vậy, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát dự kiến sẽ được chia tổng cộng 1,1% lợi nhuận trước thuế theo tình hình kinh doanh thực tế của Công ty. Với mức này, khoản thưởng vào khoảng 5 tỷ đồng.
 
Năm ngoái, Lộc Trời cũng thông qua kế hoạch thù lao 1,1% tổng lợi nhuận trước thuế cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.
 
Duy trì chính sách lương thưởng cao cho lãnh đạo doanh nghiệp, song Lộc Trời chưa đề cập tới chính sách cổ tức năm 2021. Trước đó, Công ty thực hiện cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, năm 2020 là 15% bằng tiền mặt. Được biết, mức cổ tức giai đoạn 2019 - 2020 đang thấp hơn giai đoạn trước, năm 2017 40% (20% tiền mặt và 20% cổ phiếu) và năm 2018 là 16%.
 
Có thể thấy, cổ đông đang nhận mức cổ tức suy giảm theo thời gian. Ngược lại, khi tình hình kinh doanh khả quan, Ban lãnh đạo nhận thưởng lớn hơn.
 
Lý do thực sự của việc chậm lên niêm yết của Lộc Trời vẫn đang là dấu hỏi. Nhưng với cổ đông nhỏ, rõ ràng đây là thiệt thòi lớn. Bởi lẽ, khi với tiêu chuẩn niêm yết cao hơn, các cổ phiếu trên sàn HOSE sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều hơn, thanh khoản và thị giá đều có thể tích cực hơn so với việc giao dịch trên UPCoM.
 
Đó là chưa kể, các yêu cầu khắt khe hơn về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
 
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp như Vinamilk (mã VNM), Petrolimex (mã PLX), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR)… đều cho thấy bức tranh tài chính tích cực hơn sau khi niêm yết trên HOSE. Đặc biệt là các doanh nghiệp này đều cải thiện được biên lợi nhuận nhờ tiết giảm chi phí.