Tại cuộc họp về tình hình ngành năng lượng ngày 14/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố kế hoạch nhằm nâng cao thị phần thanh toán của nội tệ rúp (ruble) trong thương mại quốc tế
Đồng rúp dạng tiền giấy và tiền xu. Ảnh: THX/TTXVN
Nhật báo kinh tế tiếng Nga Vedomosti đưa tin cũng trong cuộc họp, ông Putin đã chỉ đạo thị trường ngoại hối của Nga nên chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch trên, đồng thời đảm bảo rằng bất kỳ ngoại tệ nào cũng được trao đổi tự do và tương ứng đối với đồng rúp.
Theo ông, việc từ chối sử dụng các đồng tiền không đáng tin cậy là rất quan trọng đối với sự ổn định kinh tế và tài chính của nước Nga.
Theo bà Oksana Lukicheva, nhà phân tích thị trường hàng hóa tại hãng đầu tư Otkritie Investments, chuyển đổi giao dịch trong ngành xuất khẩu nguyên liệu thô từ ngoại tệ sang đồng rúp luôn là mục tiêu chiến lược của nhà lãnh đạo Nga.
Ví dụ, theo bà Lukichenva, Sở giao dịch hàng hoá Nga (SPIMEX) từ lâu đã sẵn sàng bán dầu Urals bằng đồng rúp. Nhưng thị trường vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện bước đi này. Và rõ ràng, đã đến lúc cả hệ thống phải chuyển đổi đồng bộ.
Nhà kinh tế cao cấp về Nga tại VTB Capital Alexander Isakov nói với tờ Vedomosti rằng đồng rúp đã trở thành một loại tiền tệ thanh toán quốc tế. Trong năm qua, gần 65% hàng hóa xuất khẩu từ Nga sang Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) được thanh toán bằng đồng rúp. Đối với nhóm các nước có nền kinh tế đang nổi lên BRICS, tỷ lệ này đạt khoảng 14% và đặc biệt là hơn 50% với Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trên, sự phát triển của thị trường đồng rúp quốc tế hiện nay là điều không khả thi, vì tỷ giá đồng rúp phải có tính dự đoán và ổn định. Nền kinh tế Nga nên cung cấp một thị trường tài chính thanh khoản, một tỷ giá hối đoái của đồng ruble tự do và dễ đoán định.
Trong khi đó, các nước G7 dẫn đầu nền kinh tế thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đã lên án động thái thay đổi chính sách thanh toán trên của Nga. Cho đến nay, mới chỉ có Hungary chính thức tuyên bố sẵn sàng trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.