Với 100% thành viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã thông qua nghị quyết về giờ làm thêm của người lao động. Theo đó, từ ngày 1/4/2022, người lao động được làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng đã nhận được hưởng ứng tích cực.
Tuy nhiên, nếu không được thanh tra, giám sát chặt sẽ là kẽ hở để chủ doanh nghiệp tăng ca tối đa và cắt giảm lao động.
“Tiếp sức” doanh nghiệp hậu COVID
Một trong những nguyên nhân dẫn đến đề xuất này là giải quyết “bài toán” nhân lực của doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh. Tại các nhà máy, nhiều công nhân F0 phải nghỉ cả chục ngày dẫn đến sản xuất đình trệ, năng suất giảm tới 50-70% khiến các đơn hàng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc nới trần giờ làm thêm được cho là cần thiết trong thời điểm hiện tại, tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sức và phục hồi sản xuất.
Chia sẻ với PV Nhadautu.vn, công ty dệt may của anh Trọng Tân đã hoạt động trở lại từ ngày 4/10/2021 với khoảng 80% lao động, số còn lại đã về quê hoặc vướng cách ly hiện chưa trở lại. Do công tác tuyển dụng gặp khó khăn, trong khi nhiều đơn hàng vẫn còn “nợ” và cần gấp nên từ ngày hoạt động trở lại, công ty liên tục tăng ca để kịp tiến độ, bình quân 14 giờ/tuần.
“Tôi cho rằng, việc tăng ca là tất yếu ở hầu hết các công ty may mặc do đặc thù đơn hàng được sản xuất theo mùa vụ. Dù thời gian làm thêm có tăng nhưng tôi nghĩ chỉ cần biết cách bố trí thời gian làm việc khoa học, hợp lý, bảo đảm tốt chế độ dinh dưỡng cho người lao động,... thì lợi ích của cả người lao động và doanh nghiệp vẫn được bảo đảm hài hòa”, anh Tân chia sẻ.
Tuy nhiên, một điều đáng quan ngại là nếu việc nới “trần” giờ làm thêm không đi kèm chế tài trả lương tương xứng với công sức của người lao động thì sẽ phát sinh kẽ hở. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tận dụng tối đa chủ trương này để tăng ca “kịch trần” nhằm cắt giảm người lao động, đặc biệt là các lao động tuổi ngoài 40 nhằm giảm bớt chi phí trả lương và bảo hiểm xã hội.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thiếu hụt nhân sự giữa “bão” COVID
“Ăn mừng” vì “được” tăng ca
“Mới đây đọc báo thấy được tăng ca 60h/tháng, công nhân công ty tôi ai cũng vui mừng vì sẽ có thêm tiền”, chị Thanh Thủy phấn khởi nói.
Vợ chồng chị Thủy và hai con rời quê An Giang vào Bình Dương sinh sống và làm việc đã 11 năm nay. Cả hai vợ chồng chị đều làm công nhân tại một doanh nghiệp dệt may tại Bình Dương với thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng, tính luôn tiền tăng ca của cả hai vợ chồng mỗi ngày 2 tiếng. Với tổng thu nhập đó, tính hết tiền nhà, tiền học của hai con nhỏ và tiền ăn uống, chi tiêu của cả gia đình thì phải dè xẻn lắm nhà chị mới dư ra được vài trăm.
Giai đoạn TP.HCM và các tỉnh lân cận giãn cách, vợ chồng chị thất nghiệp nên số tiền tiết kiệm ít ỏi cũng đã chi tiêu hết để chi trả cho các nhu cầu cơ bản. Bây giờ đi làm lại chị rất mong cuộc sống sớm được ổn định trở lại. Nhưng thời gian gần đây, vật giá đồng loạt leo thang theo giá xăng, với thu nhập chừng đó nhà chị không đủ sống nên làm thêm giờ để tăng thu nhập là nhu cầu cấp bách hiện tại và vợ chồng chị thì không ngần ngại việc tăng ca.
Cách phòng trọ chị Thủy không xa, chị Hạnh quê ở Bạc Liêu cũng đồng tình, chị tâm sự: “Thực ra làm công nhân ai cũng mong muốn được tăng ca để có thêm tiền, nay nghe tin tăng giờ làm thêm tôi thấy rất mừng vì như thế cuộc sống sẽ thoải mái hơn, sẽ có thêm tiền lo cho các con. Đời mình đã khổ không được ăn học thì mình phải cố gắng lo cho con ăn học tới nơi tới chốn để sau này nó không khổ như mình”.
“Hết thời” làm việc 5 ngày/tuần, Việt Nam có đang đi ngược lại xu thế?
Dĩ nhiên xu hướng tiến bộ của nhân loại khi năng suất cao hơn, của cải làm ra nhiều hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại hơn,… thì thời gian làm việc hoặc làm thêm sẽ cải thiện để phù hợp với thực tiễn.
Mô hình làm việc 4 ngày/ tuần đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới
Phong trào rút ngắn giờ làm việc mỗi tuần xuống còn 4 ngày đang dần trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng do trình độ của người lao động Việt Nam còn hạn chế, doanh nghiệp lại gia công, chế biến theo đơn hàng xuất khẩu nên bị sức ép về thời gian, kéo theo đó là phải tăng ca, làm thêm giờ.
Tuy nhiên, đây chỉ nên là giải pháp tình thế hơn là “kế sách” lâu dài, vì theo xu hướng chung của quốc tế muốn phát triển bền vững là giảm giờ làm việc, tăng năng suất. Một xã hội sẽ không thể phát triển khi phần lớn lao động là công nhân tại các nhà máy đang ngày đêm miệt mài tăng ca, không có cơ hội giải trí, chăm sóc bản thân, giáo dục con cái,... Sự kiệt quệ về thể xác và tinh thần của lực lượng lao động chính trong một đất nước có thể mang lại hệ lụy lớn hơn chúng ta có thể hình dung.
Hơn nữa, tăng giờ làm thêm có thể khiến doanh nghiệp không có nhu cầu thuê thêm công nhân ngay cả khi cần mở rộng sản xuất, từ đó dẫn đến thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, thời gian làm thêm kéo dài có thể khiến năng suất lao động giảm sút. Về lâu dài, Việt Nam sẽ ngày càng khó thoát khỏi hình ảnh của một đất nước có năng suất lao động và trình độ lao động thấp.
Mục tiêu cần hướng tới là làm sao để người lao động làm việc ít thời gian hơn nhưng năng suất trên mỗi giờ làm việc cao hơn. Bản thân lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ trên cơ sở đảm bảo máy móc, thiết bị, kỹ thuật. Khống chế thời gian lao động là một cách để đảm bảo quyền lợi người lao động và thúc đẩy doanh nghiệp phải phát triển.