Thủ tướng cho biết, ngay sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ và giải pháp để ổn định và phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”.
Thời gian qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu; quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng mạnh, góp phần huy động được nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh.
Quy mô tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, năm 2021 đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần năm 2015. Giá trị giao dịch hàng ngày tăng mạnh, bình quân từ đầu năm đến nay đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 35 năm thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của thị trường vốn - kênh dẫn vốn trung và dài hạn; cùng thị trường tiền tệ - kênh dẫn vốn ngắn hạn để cấu thành nên thị trường tài chính – đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận thị trường vốn còn những hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường... Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thao túng thị trường, làm giá và thao túng giá cổ phiếu; huy động trái phiếu sử dụng sai mục đích; vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường... Vấn đề này đã được các cơ quan chức năng tập trung điều tra, xử lý trong thời gian gần đây.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích, đánh giá, nhận định thực trạng tình hình thị trường, kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực
Thủ tướng nhấn mạnh, từ tình hình thực tiễn, chúng ta cần khẳng định: Những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật. Đây cũng là bước đi cần thiết làm trong sạch thị trường, để thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn, an toàn, bền vững hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, không chỉ thời gian gần đây mà từ nửa sau năm 2021. Trong đó, Thủ tướng đưa ra 3 quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán là:
Thứ nhất, khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, tuân thủ pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị
Thứ ba, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đây cũng chính là thông điệp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn chuyển tải một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc nhất đến các cơ quan quản lý, thành viên thị trường và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư qua Hội nghị này. Tinh thần đặt ra là: làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta hoàn toàn không chủ quan, mà có căn cứ vững chắc, tin tưởng vào sự phát triển của thị trường, xuất phát từ thực tiễn tình hình, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như quan điểm mà nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ, chuyên gia quốc tế, trong nước có uy tín đều khẳng định: Thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam có những yếu tố nền tảng vững chắc từ tiềm lực, triển vọng của nền kinh tế và sự năng động, hiệu quả của khu vực sản xuất kinh doanh để có thể vươn lên trở thành một trong những thị trường mới nổi thành công của khu vực và thế giới.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích, đánh giá, nhận định thực trạng tình hình thị trường, kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, khả thi, không chỉ ngắn hạn mà cho trung và dài hạn theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã khẳng định mục tiêu: để thị trường chứng khoán thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá thực trạng tình hình và xu thế vận động, phát triển của thị trường; nhận diện những vấn đề chính sách chủ yếu đặt ra; các biện pháp cụ thể khắc phục trong ngắn hạn và định hướng chiến lược, giải pháp trong trung hạn và dài hạn; môi trường vĩ mô cần làm gì? Thể chế cần làm gì? Hạ tầng, công nghệ cần làm gì? Đào tạo con người cần làm gì?... để thị trường phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả và bền vững.
Thủ tướng cho biết, ngay sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ và giải pháp để ổn định và phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Về cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, trong đó cần trả lời những câu hỏi: Tại sao vẫn còn và vẫn để xảy ra các trường hợp thao túng thị trường chứng khoán, vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp? Phải chăng do công tác kiểm tra, giám sát còn yếu, chưa nghiêm hay sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ? Hay do hành vi vi phạm quá tinh vi, phức tạp khó phát hiện? Giải pháp cụ thể là gì, thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào?
Về thông tin thị trường, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Vì sao các chủ thể tham gia thị trường vẫn chưa tuân thủ tốt các quy định về công bố, bảo đảm tính chính xác của thông tin? Trách nhiệm của cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm toán ở đâu? Nguyên nhân và giải pháp cụ thể là gì để khắc phục sớm được tình trạng này?
Cần có cơ chế, chính sách, biện pháp gì để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia thị trường?
Về công tác thông tin, truyền thông, Thủ tướng đặt câu hỏi "Chúng ta đã thực sự làm tốt công tác này chưa? Còn yếu kém ở khâu nào? Cấp nào? Ngành nào? Tại sao vẫn còn tình trạng tràn lan tin đồn sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp? Phương pháp tiếp cận, cách giải quyết vấn đề và giải pháp truyền thông hiệu quả là gì?".
Thủ tướng cho biết, ngay sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ và giải pháp để ổn định và phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan ghi chép đầy đủ, tổng hợp toàn diện, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện và trình ban hành sau Hội nghị này.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe báo cáo của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, ý kiến của các tổ chức quốc tế, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam và một số chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này./.