Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 5 tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD).
Báo cáo tổng quan đánh giá tình hình thị trường vốn năm 2021, các tháng đầu năm 2022 và định hướng phát triển để huy động vốn cho nền kinh tế, vừa được Bộ Tài chính gửi đến hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững", tổ chức chiều 22/4, cho biết thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần, gồm: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Cả nước có 4,3 triệu tài khoản chứng khoán
Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021. Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 14,2% GDP).
Thị trường hiện có trên 1.800 công ty đại chúng, 750 công ty niêm yết. Quá trình tái cấu trúc tổ chức thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán được đẩy mạnh với số lượng công ty chứng khoán giảm 18% so với năm 2015, hiện còn 82 công ty chứng khoán.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2021, chỉ số VN-Index có sự tăng trưởng tốt. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP vào cuối tháng 3/2022, tăng 3,37% so với cuối 2021 với 1.651 chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.800 tỷ đồng/phiên. Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục diễn ra sôi động. Tính chung năm 2021, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tăng 21% so với năm trước.
Trong năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ được Bộ Tài chính điều hành phù hợp với công tác quản lý ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu vốn cho ngân sách với tổng khối lượng phát hành đạt trên 318.000 tỷ đồng. Huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt trên 143.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 636.000 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng là 31.000 tỷ đồng.
Trong quý I/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105.500 tỷ đồng; đồng thời các doanh nghiệp đã chào bán trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 36,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,26% tổng khối lượng phát hành.
Quy mô tổng tài sản của các công ty niêm yết năm 2021 đạt 12.300 nghìn tỷ đồng, tăng 15.5% so với năm 2020. Lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 35,1% so với năm 2020. Tỷ suất sinh lời cũng được cải thiện so với năm trước (tăng từ 13,1% năm 2020 lên 14,6% năm 2021).
Thủ tướng chủ trì hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch.
Năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận quy mô nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng nhanh. Tính đến hết năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán trên 4,3 triệu tài khoản. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng với tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2021 đạt 54,9 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020. Trong 5 tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD).
Thị trường phát sinh những rủi ro tiềm ẩn
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn.
Cụ thể, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi; nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đ ng với thông tin đã công bố.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực; một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.
Bộ Tài chính đánh giá các hiện tượng rủi ro trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên cạnh các yếu tố khách quan từ ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động thị trường tài chính trong nước và quốc tế; thị trường vốn, trị trường trái phiếu đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên còn nhiều biến động; những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan.
Cụ thể, thị trường chứng khoán phát triển quá nhanh, mặc dù công tác thanh tra, giám sát đã được triển khai trong thời gian gần đây song chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; tình hình chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao; một số tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán như tổ chức kiểm toán, kế toán, thẩm định giá... không đáp ứng yêu cầu chất lượng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp; còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Tài chính đưa ra 5 giải pháp, gồm: tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý; tích cực triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường; cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững; nâng cao hiệu quả công tác giám sát; tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và hoạt động hợp tác quốc tế.