Giá vàng thế giới hôm nay (13/5) quay đầu giảm sâu xuống mức “báo động đỏ” 1.821,5 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD tăng “đột biến”. Ngược chiều, giá vàng trong nước tiếp đà đi lên, kéo giãn khoảng cách với giá vàng thế giới hơn 19 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 13/5 (giờ Việt Nam), vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.821,5 USD/ounce; giảm 31,9 USD/ounce so với rạng sáng ngày trước đó. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex chạm mức thấp 1.820,4 USD/ounce và giao dịch lần cuối ở mức 1.822,3 USD/ounce; giảm 1,7% trong ngày.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hơn 19 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Int)
Đồng USD tăng vọt trở lại, gây bất lợi cho giá vàng, khiến giá vàng thế giới hôm nay đảo chiều đi xuống.
Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng 13/5, chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng vọt lên 104,8 điểm - mức cao nhất trong 20 năm qua. Chỉ số đồng USD tăng lên gây áp lực mạnh mẽ lên vàng khi nó làm cho kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Giới phân tích đánh giá, thị trường vàng đang ở rơi vào “báo động đỏ” khi giá đang lùi gần gần hơn tới mốc hỗ trợ vững chắc 1.800 USD/ounce. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không giữ được mốc này, thị trường kim loại quý có thể sẽ chứng kiến một đợt bán tháo mạnh.
“Vàng sẽ không thể thu hút bất kỳ sự chú ý nào cho đến khi động thái tăng giá của đồng USD kết thúc. Nếu kim loại quý phá vỡ dưới mức 1.800 USD/ounce, đợt bán tháo kỹ thuật có thể đẩy vàng xuống mức 1.750 USD/ounce”, nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA dự báo.
Hiện tại, giới đầu tư đang quan tâm đến việc liệu Cục dự trữ liên ban Mỹ (Fed) có thể đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái hay không.
Theo một lối đi riêng, giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (13/5) ngược chiều thế giới, tiếp đà đi lên khi các cơ sở kinh doanh đồng loạt điều chỉnh tăng.
Cụ thể, Tập đoàn Phú Quý niêm yết 69,55 - 70,15 triệu đồng/lượng; tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày trước đó.
Tương tự, Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán. Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch ở mức 69,7 - 70,32 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI tại khu vực TP Hồ Chí Minh giao dịch ở mức 69,5 - 70,2 triệu đồng/lượng; tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Tại Hà Nội, giá vàng niêm yết 69,6 - 70,3 triệu đồng/lượng; tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán.
Bất chấp cú lao dốc kinh hoàng của giá vàng thế giới trong phiên chiều qua, giá vàng SJC vẫn “mặc kệ”, tiếp tục đi lên. Theo quan sát, từ khi lập đỉnh 74 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 3 vừa qua, hiện tại giá vàng trong nước vẫn luôn trụ vững quanh mức 70 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, trong những phiên gần đây, giá vàng trong nước dường như “thờ ơ” xu hướng giảm mạnh liên tục của thế giới, vì vậy khoảng cách với giá vàng thế giới ngày càng lớn. Tính đến phiên giao dịch ngày 13/5, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương 50,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 19,4 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia nhận định, giá vàng miếng trong nước từ đầu năm 2009 cho đến nay đã trải qua nhiều biến động với các đỉnh cao kỷ lục về giá. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của tổng hợp nhiều yếu tố gồm: giá vàng thế giới; tỷ giá USD/VND; lạm phát; chỉ số chứng khoán; thị trường bất động sản; tâm lý người dân và các chính sách của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá vàng thế giới, tuy nhiên, vàng khai thác trong nước không đủ đáp ứng khiến nhu cầu nhập khẩu khá lớn, nhưng nguồn cung lại hạn hẹp.