Theo Chứng khoán ACBS, triển vọng dài hạn của thị trường vẫn tích cực dù trong ngắn hạn có thể tiếp tục có những biến động.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá chứng khoán Việt Nam đã trải qua đợt điều chỉnh trong những tuần gần đây do sự cộng hưởng của nhiều sự kiện từ cả trong nước và bên ngoài. Những lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu hậu Covid ngày càng tăng do những lo ngại về lạm phát và cách các ngân hàng trung ương hành động để chế ngự lạm phát, sự bùng nổ và kéo dài của cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm việc tăng giá hàng hóa cũng như chính sách zeroCOVID ở Trung Quốc dẫn đến tình trạng phong tỏa ở các thành phố quan trọng, làm gia tăng căng thẳng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về các vụ việc xử lý vi phạm, mặc dù các hành động của các cơ quan quản lý tại Việt Nam nhằm giải quyết một số sai phạm ảnh hưởng đôi chút tới tâm lý thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên việc tăng cường tính minh bạch và công bằng của sân chơi cho tất cả các nhà đầu tư sẽ là điềm báo tốt cho sự phát triển lâu dài của thị trường tài chính.
Tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã giảm 21,8% tính đến thời điểm đóng cửa ngày 16/5, trong khi ngành năng lượng và dịch vụ truyền thông đang chịu áp lực sụt giảm. Đợt điều chỉnh đưa VN-Index về mức định giá rẻ nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Chỉ số VN30, chiếm khoảng 2/3 tổng vốn hóa thị trường cũng đã giảm 20,9% so với đầu năm, cho thấy các blue-chip chỉ nhỉnh hơn một chút so với các cổ phiếu đầu cơ trong đợt điều chỉnh gần đây.
Khi thị trường điều chỉnh, thanh khoản cũng có xu hướng giảm với giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong bốn tháng đầu năm đã giảm khoảng 6,4% so với bốn tháng cuối năm 2021. Vào tháng 4, thanh khoản đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang giao dịch thận trọng trong bối cảnh biến động ngày càng gia tăng.
Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ chứng khoán trong dài hạn
Trái ngược với sự sụt giảm của thị trường, kết quả kinh doanh quý 1 ấn tượng được công bố gần đây với lợi nhuận toàn thị trường tăng 13,0% so với quý trước và 35,2% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là nguyên vật liệu (114%), năng lượng (84%), ngân hàng (44%) và bán lẻ (34%), tất cả đều đang giao dịch dưới mức P/E trung bình 3 năm. Trong cả năm, ACBS dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE tăng 25,7%, dẫn đến P/E kỳ vọng đạt 10,7 lần, đưa cổ phiếu Việt Nam về mức định giá hấp dẫn so với các thị trường ngang hàng trong khu vực.
Đội ngũ phân tích duy trì triển vọng vĩ mô Việt Nam tích cực bất chấp những khó khăn bên ngoài mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt. Sản xuất công nghiệp và dòng vốn giải ngân FDI tiếp tục tăng, trong khi doanh số bán lẻ trong nước tiếp tục phục hồi nhờ đại dịch được kiểm soát thành công và du lịch quốc tế đang bắt đầu phục hồi sau khi mở cửa biên giới hồi đầu năm. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu tiên của năm 2022 với mức tăng 5,04%, cao hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nền kinh tế Việt Nam phục hồi tốt.
Lạm phát ở Việt Nam hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát với mức tăng chỉ 2,1% trong bốn tháng đầu năm 2022 (dưới mục tiêu của Chính phủ là 4%), và tiền đồng tiếp tục được giữ ổn định trước áp lực tăng lãi suất của Mỹ và chỉ số Đô la mạnh lên ( 9,5%). Báo cáo phân tích ACBS duy trì quan điểm rằng lạm phát cả năm sẽ đạt khoảng 3,5% - 4% và vẫn trong giới hạn mục tiêu 4% của Chính phủ cho cả năm 2022. Theo đó, lãi suất ở Việt Nam sẽ không tăng mạnh như các nơi khác và dự kiến sẽ tăng khoảng 50 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2022.
"Sự điều chỉnh của thị trường kết hợp với thanh khoản sụt giảm khiến cho việc xác định thời điểm chạm đáy của thị trường là rất khó. Vì lý do đó, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn nên tuân theo cách tiếp cận thận trọng và có thể tận dụng cơ hội để cơ cấu lại danh mục đầu tư ưu tiên cho các công ty có thể đã bị bán quá mức trong thời gian thị trường sụt giảm. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, sự điều chỉnh này tạo cơ hội mua vào các công ty có cở bản tốt và có triển vọng tích cực với mức giá chiết khấu cho đến đầu năm 2022". chuyên gia phân tích ACBS nhận định.