Để Việt Nam có thể hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, quốc gia cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải thiện rõ rệt năng lực của Chính phủ trong phối hợp và triển khai những cải cách chính sách kinh tế và đầu tư công, theo báo cáo mới công bố của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).
Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia của Nhóm WB “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả” vừa được công bố ngày 18/5/2022, đã chỉ ra rằng mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch COVID-19, toàn cầu hóa chững lại, và nguy cơ quốc gia ngày càng dễ tổn thương đối với những cú sốc bên ngoài, đặc biệt với rủi ro khí hậu.
Sau khi xác định một loạt những ứng phó chính sách và ưu tiên cải cách, phần nhiều trong đó không phải là mới, báo cáo nhận định rằng thể chế hiện đại, có tính thích ứng sẽ là chìa khóa để đảm bảo thành công.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, cho biết “Cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu”.
Trình bày những điểm chính của báo cáo, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB, khẳng định thể chế hiện đại là điều kiện cần để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.
Sau khi đạt được thành tựu là một trong những quốc gia chuyển đổi kinh tế thành công nhất trên thế giới trong 25 năm qua, thể chế của Việt Nam cần được hiện đại hóa theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội mới được thông qua tại Đại hội Đảng vào tháng 2/2021.
“Thể chế có thể sẽ trở thành trở ngại lớn để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Một trong những ví dụ rõ nét được Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra tháng 44/2022 là mới chỉ có 7 trong số 111 quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng và tỉnh) được phê duyệt kể từ khi ban hành Luật Quy hoạch vào cuối năm 2017.
Lời kêu gọi đẩy nhanh đổi mới hệ thống quy hoạch quốc gia của Thủ tướng là khá tương đồng với kinh nghiệm lịch sử của Hàn Quốc, quốc gia đã tiến hành những cải cách thể chế lớn khi bước vào cùng giai đoạn phát triển kinh tế như Việt Nam ngày nay”, ông Jacques Morisset nói.
Chất lượng thể chế và phát triển kinh tế có quan hệ tương quan chặt chẽ. Vai trò quan trọng của hệ thống thể chế có tính thích ứng trong quá trình phát triển đã được nhiều học giả nổi tiếng thế giới ghi nhận, bao gồm Douglass North, người đã nhận Giải Nobel Kinh tế học vào năm 2003.
Cách tiếp cận cụ thể về cải cách thể chế, dựa trên mô hình phương pháp luận ba bước đơn giản nhưng trực quan, bao gồm kết quả thực thi, các yếu tố mang tính quyết định đến thực thi, cải cách thể chế.
Về kết quả thực thi, bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia Quản trị cao cấp tại WB, cho biết, kết quả thực thi cải cách của Việt Nam được xác định và đo lường thông qua sự khác biệt giữa mục tiêu và thực tế triển khai. Phân tích cho thấy kết quả thực thi chưa đồng đều trên các lĩnh vực trong thập kỷ vừa qua.
“Việt Nam đã triển khai thực hiện rất hiệu quả những ưu tiên về mở cửa thương mại, chuyển đổi số và hòa nhập xã hội, nhưng Việt Nam chưa đạt được tiến triển nhiều trong triển khai những ưu tiên khác như tăng trưởng xanh, ổn định tài chính và tài chính toàn diện, nâng cấp hạ tầng”, bà Trần Thị Lan Hương lưu ý.
Phân tích của báo cáo “Để Việt Nam tươi đào sắc xuân” cũng chỉ ra rằng nỗ lực triển khai thực hiện tổng thể cần được nâng lên gấp ba lần so với những gì đã làm trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, qua đó khẳng định con đường từ thu nhập trung bình lên ngưỡng thu nhập cao khó khăn hơn nhiều so với chuyển đổi từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình ngưỡng thấp.
Có năm cải cách thể chế quan trọng cần triển khai để cải thiện kết quả thực thi của Việt Nam. Việt Nam cần tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể; hài hòa các quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân; thực thi hiệu lực các quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và công bằng; áp dụng các quy trình có sự tham gia để đảm bảo nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Nhờ triển khai đồng bộ năm cải cách thể chế trên, Việt Nam đã chuyển đổi từ một trong những nền kinh tế đóng cửa nhất thế giới thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới trong thập kỷ 1990 và 2000.
Nhưng lộ trình từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao sẽ có nhiều thách thức hơn trước. Qua triển khai một cách có hệ thống năm cải cách thể chế nêu trên, Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực để triển khai những chiến lược của quốc gia, nâng cao động lực để đem lại kết quả cao hơn trong một số lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tài chính toàn diện, an sinh xã hội và nâng cấp hạ tầng, qua đó giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình.
“Hiện đại hóa thể chế là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công trong tương lai. Việt Nam cần tiếp tục cải cách với quy mô và tốc độ như từng được triển khai trong thời kỳ Đổi mới của thập kỷ 1980 và như triển khai mở cửa thương mại trong hai thập kỷ qua.
Hi vọng rằng mô hình cải cách đề xuất trong báo cáo Đánh giá Quốc gia cập nhật sẽ giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trong con đường gập ghềnh để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045”, ông Đỗ Việt Dũng, Chuyên gia Chương trình cao cấp tại WB kết lại thông điệp của báo cáo.