Các doanh nghiệp hàng không hiện vẫn phải đối mặt với nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, cạn dòng tiền vẫn cận kề do ảnh hưởng của của đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng và hụt nguồn thu quốc tế.
Đà hồi phục của các hãng hàng không Việt Nam đang bị "đe dọa" do những thách thức về “sức khỏe tài chính”. Từ đó, các kịch bản cho sự phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch liên tục bị đảo lộn.
Đôi cánh bay thêm phần "trĩu nặng"
Khẳng định chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không nên việc giá nhiên liệu tăng cao gây ảnh hưởng lớn, lãnh đạo hãng hàng không Vietnam Airlines thừa nhận đây là điều bất lợi cho toàn ngành giao thông vận tải nói chung khi đang trên đà phục hồi sau dịch COVID-19.
“Nếu giá nhiên liệu tiếp tục duy trì hoặc tăng lên thì doanh thu của hãng cũng như các hãng hàng không khác sẽ không bù đắp được chi phí nhiên liệu bay, chưa nói đến các định phí khác. Điều này sẽ một lần nữa làm nặng thêm đôi cánh bay của các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế trong giai đoạn ngành du lịch và hàng không chỉ vừa chuẩn bị các bước tiến phục hồi chậm chạp đầu năm 2022”, lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá.
Các hãng hàng không Việt đã và đang nghiên cứu, triển khai các phương án để vừa có thể tiết kiệm chi phí, mặt khác giảm thiểu rủi ro, bảo toàn vốn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Lo ngại này là có cơ sở khi vừa qua, Vietnam Airlines đã đưa ra một kịch bản tính toán sơ bộ cho thấy nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022 thì chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng; nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.
Còn theo đại diện Bamboo Airways, tỷ trọng chi phí nhiên liệu bình quân của hãng tại thời điểm tháng 12/2021 là 34% tổng chi phí khai thác một chuyến bay nhưng đến tháng 3/2022 đã tăng vọt lên mức 50%.
“Giá nhiên liệu chiếm tới 30-40% tổng chi phí của các hãng hàng không và nếu tiếp tục ‘leo đỉnh’ trong thời gian tới sẽ đẩy các hãng hàng không vào tình trạng đặc biệt khó khăn khi lợi nhuận không bù đắp được chi phí,” đại diện Bamboo Airways cho hay.
Mặt khác, chiến sự căng thẳng tại Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn cũng gây ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực tới kinh tế, trong đó có ngành hàng không khi nhiều hãng bay phải thay đổi lộ trình tránh không phận 2 nước này để đảm bảo an toàn khai thác, làm tốn thêm khoảng cách, thời gian và tiền bạc.
Cụ thể, theo tính toán từ Cục Hàng không Việt Nam, các chuyến bay đi/đến châu Âu phải thay đổi đường bay tránh Nga qua Trung Quốc, Kazakhstan hoặc qua Bắc Phi. Thời gian bay dự kiến tăng thêm từ 60 phút chuyến bay đến 120 phút/chuyến bay, kéo theo chi phí phát sinh từ khoảng 10.600 USD/chuyến bay đến 21.200 USD/chuyến bay. Các chuyến bay đi/đến Mỹ phải điều chỉnh đường bay tránh không phận Nga kéo dài thời gian bay từ 20-30 phút/chuyến bay, phát sinh thêm từ 5.000-10.000 USD/chuyến tùy theo từng giai đoạn.
Chưa kể, một lượng lớn khách du lịch từ thị trường Nga hay châu Âu, Mỹ đến Việt Nam cũng bị sụt giảm do các chi phí nội tại trong nước bị đẩy giá, đã ảnh hưởng tới “túi tiền” và làm đảo lộn kế hoạch “xê dịch” đến nước ta.
Kiến nghị hỗ trợ tín dụng, giảm thuế và phí
Theo dự kiến của Cục Hàng không Việt Nam, đến hết năm 2022, thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế giảm 72-80% so với năm 2019.
Từ đó, Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không trong năm 2022 vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, cạn dòng tiền vẫn cận kề do tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không chủ yếu đến từ thị trường vận chuyển quốc tế.
Để giảm thiểu thiệt hại, các hãng hàng không Việt đã và đang nghiên cứu, triển khai các phương án khai thác linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế để vừa có thể tiết kiệm chi phí, mặt khác giảm thiểu rủi ro, bảo toàn nguồn vốn.
Bên cạnh đó, các hãng bay đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm; miến thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường; điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (hiện nay 7%); hỗ trợ giá dịch vụ hàng không...
Mặt khác, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ban hành chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 nhằm tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, các hãng hàng không vẫn đang nỗ lực tái cơ cấu, chủ động triển khai đồng bộ nhiều các giải pháp trong quản trị, điều hành để ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng, hụt thu từ thị trường quốc tế nhằm bảo đảm thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục./.