Trong thông tin gửi báo chí về thị trường bất động sản tháng 5, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã có nhận định đáng chú ý liên quan đến tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp..
“Chính sách “khóa van” tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung bất động sản”, văn bản của VARS nhấn mạnh. Sở dĩ, Hội Môi giới bất động sản đưa ra cảnh báo này là bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết họ đang gặp khó khăn “kép” về nguồn vốn khi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đồng loạt siết chặt. Việc chặn dòng vốn vào bất động sản một cách cực đoan và đột ngột khiến nhiều dự án không thể triển khai, nhiều dự án dở dang cũng phải ngừng hoạt động… càng làm hạn chế nguồn cung nhà ở vốn đang khan hiếm. Từ đó đẩy giá nhà đất tăng cao.
70% VỐN ĐẦU TƯ LÀ VAY TỪ NGÂN HÀNG
Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), thị trường bất động sản Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển được trên 10 năm nay. Quy mô thị trường chưa phải là lớn so với các nước khác trong khu vực, nhưng điều đáng chú ý là có tới 70% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng; 65% tài sản đảm bảo vốn vay là bất động sản. Đến nay, sau thời kỳ cho vay ồ ạt, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang cẩn trọng hơn với các dự án bất động sản.
Bên cạnh nguồn vốn vay ngân hàng, trong thời gian gần đây, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trên thị trường tài chính của không ít doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia nên đang bị kiểm soát gắt gao.
Cũng bàn tới thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, phân tích rõ: Về tín dụng ngân hàng, tính đến hết quý 1/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,24% so với đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng trên 5% dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế. Tốc độ tăng dự nợ tín dụng bất động sản đã chậm lại sau nhiều năm, là kết quả của việc kiểm soát, thắt chặt nguồn tiền đổ vào bất động sản.
Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tài trợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản hiện tại chỉ chiếm khoảng 35%, tương đương 0,78 triệu tỷ đồng, phần lớn là các khoản cho vay mua và sửa chữa nhà ở. Như vậy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng dành cho kinh doanh bất động sản (đầu tư các dự án) không chỉ giảm tốc, mà còn giảm cả về tỷ trọng. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn duy trì tốc độ tăng trưởng bình thường, buộc phải tìm các nguồn vốn khác.
Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp - lựa chọn ưu tiên đứng thứ hai sau nguồn tín dụng ngân hàng thì từ vài sự vụ gần đây, cả cơ quan chức năng lẫn công chúng đang dần trở nên e ngại với hình thức huy động vốn này. Việc không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu trong tháng 4 có thể là hậu quả đầu tiên của những e ngại đó.
“Các doanh nghiệp bất động sản sẽ không còn tự do phát hành trái phiếu như trước, bởi sự can thiệp hủy bỏ kết quả phát hành là điều khó dự đoán. Đồng thời, mục đích phát hành đang được các cơ quan chức năng kiểm soát gắt gao, tránh những hệ lụy có thể ảnh hưởng đến nhà đầu tư cá nhân - những người chưa thực sự hiểu về tình trạng trái phiếu cũng như khả năng thanh toán/vỡ nợ của các tổ chức phát hành”, ông Đính nhận định.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản cũng cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ vận hành lành mạnh và hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân sau những động thái kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, nhu cầu bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở đang không ngừng tăng, với động lực chính đến từ cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ.
Nguồn cung bất động sản từ trước đến nay chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng nhu cầu, do những ách tắc trong các thủ tục cấp phép dự án…Trong tình hình giá nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng mạnh do bất ổn địa chính trị, việc tăng trưởng nguồn cung có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách “khóa van” tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
ĐẨY GIÁ TĂNG CAO MỘT CÁCH PHI LÝ
“Chặn những nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), trong khi việc thu hút nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài) cần nhiều thời gian để có thể vận hành ổn thỏa, khiến nguồn cung bất động sản bị thắt chặt, đẩy mức giá tăng lên một cách không hợp lý. Giá bất động sản tăng lên bất thường cũng đẩy chi phí sản xuất các ngành liên quan (bán lẻ, sản xuất công nghiệp…) tăng lên. Từ đó có thể gây tổn hại đến nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay”, ông Đính nhìn nhận.
Đồng quan điểm, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát mới đây của Vietnam Report cho rằng bên cạnh những lực đẩy hỗ trợ, ngành bất động sản trong năm 2022 cũng gặp nhiều thách thức, chướng ngại khi việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ phục hồi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh áp lực lạm phát. Cùng với đó là những bất ổn chung về địa chính trị, nguồn cung trên thị trường chưa có nhiều cải thiện do những vướng mắc về mặt pháp lý và nguồn vốn.
Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại nếu lạm phát vượt mức mục tiêu, lãi suất cho vay tăng lên có thể gây tác động ngược, thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng trầm lắng nhưng mức giá sẽ không giảm như giai đoạn 2011-2013 do thiếu nguồn cung. Doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro khi mà dự án khó triển khai đúng kế hoạch do thiếu vốn.
Hiện tại các thông tin về quy hoạch, hạ tầng vẫn mang nặng tính đồn đoán và việc thổi giá bất động sản bằng các chiêu thức thiếu lành mạnh vẫn chưa được xử lý triệt để
Dự báo diễn biến thị trường trong năm 2022, các chuyên gia nhận định, tình trạng sốt đất có thể sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng với xác suất thấp hơn 2021. Nguyên nhân là bởi hiện tại các thông tin về quy hoạch, hạ tầng vẫn mang nặng tính đồn đoán và việc thổi giá bất động sản bằng các chiêu thức thiếu lành mạnh vẫn chưa được xử lý triệt để. Tuy nhiên, sốt đất không chỉ do những nguyên nhân trên, mà có thể là kết quả của những chính sách vĩ mô, quy hoạch tổng thể chính thức từ chính quyền.
“Về mặt chính sách, việc các cơ quan chức năng có những quyết sách cụ thể tiếp theo ra sao với việc siết tín dụng bất động sản sẽ có tác động quan trọng bậc nhất với những diễn biến của phân khúc căn hộ, nhà liền thổ và bất động sản nghỉ dưỡng. Các chính sách nhằm điều tiết dòng vốn “chảy” nhiều hơn vào các ngành sản xuất và hướng đến những người có nhu cầu ở thực nhằm giúp họ có được chốn an cư là hết sức quan trọng và cần thiết. Những chính sách như vậy sẽ từng bước khiến cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế nói chung phát triển ổn định và bền vững hơn. Việc đảm bảo sự cân bằng giữa việc duy trì sự năng động của thị trường, ngăn chặn nguy cơ hình thành “bong bóng” bất động sản và đáp ứng nhu cầu thực có ý nghĩa lớn trong việc ổn định thị trường vĩ mô để tiếp tục hướng đến các mục tiêu chung cho toàn xã hội”, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nêu quan điểm.
Hội Môi giới bất động sản cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, cần có những chính sách bảo vệ chính các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính. Nguồn vốn cần được khơi thông cho mọi ngành nghề trong nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Ngoài ra, đã đến lúc các cơ quan chức năng đề xuất những quy định cởi mở hơn để các doanh nghiệp thu hút vốn nước ngoài, cũng như các sản phẩm đầu tư hiệu quả như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), chứng khoán hóa bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở…