Các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp cần nghiên cứu các giải pháp phát triển đô thị xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đồng thời Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét vấn đề này trong quá trình lập và thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060...
Việc nghiên cứu, phát triển đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH, PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ SÂN BAY
Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa phát đi văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi về định hướng quy hoạch phát triển đô thị khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân các quận và sở, ban ngành, nghiên cứu kết quả của hội thảo liên quan đến vấn đề này vào cuối năm 2021. Từ đó, xem xét các định hướng phát triển dài hạn đối với khu vực quanh sân bay trong quá trình tổ chức lập và thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Hiện nay, kết nối giao thông tích hợp giữa đường bộ, đường sắt, metro và đường hàng không tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chưa phát triển đồng bộ.
Mới đây, ngày 22/4/2022, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố tổng kết hội thảo “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế - Áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình” vào cuối tháng 12/2021.
Công văn nêu rõ, để sử dụng hiệu quả cơ hội sân bay Tân Sơn Nhất đem lại cho khu vực xung quanh, ngành chức năng cần có các giải pháp chủ động hướng tới phát triển hiệu quả khu vực đô thị xung quanh sân bay. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo nêu trên.
Thứ hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao Uỷ ban nhân dân các quận Tân Bình, Gò Vấp và Tân Phú xem xét giải pháp phát triển đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất để nghiên cứu trong quá trình lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn quận. Các quận cũng được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất mô hình phát triển thương mại dịch vụ phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế trên địa bàn, nhằm khôi phục phát triển kinh tế địa phương hậu Covid-19.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, hiện nay kết nối giao thông tích hợp giữa đường bộ, đường sắt, metro và đường hàng không tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chưa phát triển đồng bộ, chưa đem lại hiệu quả đáp ứng công suất hoạt động trong tương lai của sân bay.
Các khu vực này nói chung, và riêng quận Tân Bình, tập trung chủ yếu là khu dân cư, các công trình công cộng hiện hữu, chưa hình thành các cụm thương mại dịch vụ đa dạng và có sức thu hút đáp ứng nhu cầu cho hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất.
PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH ĐÔ THỊ SÂN BAY
Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, tại hội thảo “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế - Áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình”, các chuyên gia cho rằng, trong khi các sân bay quốc tế trên thế giới đa phần là phát triển theo mô hình đô thị sân bay thì sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang chỉ đơn thuần là nơi đưa đón khách.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện chỉ đơn thuần là nơi đưa đón khách...
Các chuyên gia đã phân tích thực trạng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đồng thời khuyến cáo, cần phải đưa đô thị sân bay vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Tại hội thảo này, đại diện Viện Quy hoạch xây dựng đã cho biết, trong nhiều lần điều chỉnh định hướng quy hoạch phát triển đô thị chung TP.HCM, tiềm năng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chưa được quan tâm và khai thác đúng mức.
Theo Viện Quy hoạch xây dựng, hiện quỹ đất lớn nhất của quận Tân Bình và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu là đất phục vụ sân bay và đất quân sự. Quỹ đất này cũng đã được chuyển đổi một phần sang đất dân dụng, nhưng cũng chỉ mang yếu tố sự vụ, dự án đơn lẻ, chưa thể hiện được tầm nhìn chiến lược tổng thể.
Nhiều chuyên gia cùng có cùng quan điểm khi cho rằng, việc phát triển mô hình đô thị sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn cơ hội cuối cùng khi gắn với dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng nhà ga số 3 (nhà ga T3).
TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn về Giao thông đô thị TP.HCM, nhận định: Nếu chỉ làm nhà ga T3 với quy mô 16 ha thì TP.HCM tiếp tục bỏ lỡ cơ hội để phát triển đô thị sân bay. Cần phải đưa vấn đề này vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM để làm cơ sở thực hiện.
Cũng tại hội thảo, lãnh đạo quận Tân Bình cho biết vấn đề nào, công việc nào có thể làm ngay và trong thẩm quyền thì quận sẽ tiến hành áp dụng triển khai ngay. Đây là cơ hội đặc thù, là động lực để quận Tân Bình xây dựng quản lý đô thị, quy hoạch mô hình đô thị sân bay quốc tế.