Sau 10 năm vận hành thị trường điện cạnh tranh, thị trường điện đã từng bước nâng cao tính công bằng, minh bạch, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Sau 10 năm vận hành thị trường điện cạnh tranh (bao gồm thị trường phát điện cạnh tranh – VCGM, từ 2012 - 2019 và thị trường bán buôn cạnh tranh -VWEM, từ 2019 đến nay), thị trường điện đã từng bước nâng cao tính công bằng, minh bạch, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và chủ động hơn. Đặc biệt, thị trường điện đang từng bước phát triển theo cả chất và lượng với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp và nguồn năng lượng.
Đa dạng các bên tham gia
Thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được vận hành từ 1/7/2012; thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành từ 1/1/2019.
Nếu như ở thời điểm bắt đầu chính thức vận hành thị trường VCGM, mới chỉ có 31 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá với tổng công suất 9.212 MW (chiếm 38% tổng công suất đặt hệ thống), thì đến hết năm 2021, số lượng nhà máy trực tiếp tham gia đã tăng 3,35 lần lên 104 nhà máy, với tổng công suất tăng hơn 3 lần, lên 27.900 MW (chiếm 36,83% tổng công suất đặt hệ thống). Bình quân mỗi năm tăng 13,36% lượng công suất của các nhà máy trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung – Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC), thông qua thị trường, các nhà máy đã hoạt động hiệu quả hơn, sản lượng giao dịch trên thị trường ngày càng lớn và đội ngũ tham gia thị trường điện ngày càng chuyên nghiệp.
“Việc vận hành thị trường điện đã nâng cao tính minh bạch trong công tác huy động các nhà máy điện; tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tính chủ động của các đơn vị tham gia thị trường trong công tác vận hành; đồng thời, thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - ông Nguyễn Quốc Trung khẳng định.
Theo số liệu thống kê của EVNNLDC, kể từ khi thị trường điện bắt đầu vận hành, giá trần thị trường điện (SMPcap) mới chỉ ở mức 846.3 đ/kWh. Đến năm 2022, giá trần thị trường đã tăng lên gấp 1.9 lần, ở mức 1602.3 đ/kWh. Nhìn chung, giá trần thị trường điện đã phản ánh cân bằng cung - cầu, tăng trưởng của phụ tải, đồng thời có diễn biến phụ thuộc vào yếu tố mùa và tình hình hệ thống điện. Trong thời gian tới, với việc đưa vào vận hành nhiều loại hình nguồn mới trong thị trường như các nguồn tuabin khí sử dụng nhiên liệu LNG, giá trần thị trường giao ngay có thể tăng cao hơn nữa, hứa hẹn tăng tính thu hút của thị trường.
Đặc biệt, các nguồn điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường rất đa dạng về loại hình doanh nghiệp, từ các nhà máy do tư nhân đầu tư đến các nhà máy theo hình thức vốn góp, cổ phần, liên doanh. Tính tới hết năm 2021, số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường điện là 52 nhà máy điện, chiếm 50% tổng số các đơn vị tham gia thị trường điện. Điều này đã khẳng định sự đa dạng, minh bạch và công bằng đối với các loại hình doanh nghiệp mà thị trường điện cạnh tranh mang lại.
Phòng Điều hành giao dịch thị trường điện - Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia
Không những thế, trong những năm gần đây, với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cũng tích cực nghiên cứu, đề xuất các đề án đưa các loại hình nguồn như thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện BOT, năng lượng tái tạo (cơ chế DPPA và các cơ chế mới khác...) tham gia thị trường, qua đó đa đạng về loại hình, tăng thị phần cũng như hiệu quả, linh hoạt hơn trong vận hành thị trường điện tại Việt Nam.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Một thành công lớn mà thị trường điện cạnh tranh mang lại cho các bên tham gia thị trường đó là thị trường đã thúc đẩy các đơn vị thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua công tác quản trị, chào giá, dự báo diễn biến thị trường...
Để phục vụ công tác vận hành thị trường, EVN đã đầu tư và hoàn thành Dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vào năm 2011 tại EVNNLDC và liên tục được nâng cấp để đảm bảo cùng với sự vận hành an toàn của hệ thống, thị trường điện Việt Nam đã vận hành liên tục, không gián đoạn vì lý do kỹ thuật một chu kỳ nào trong suốt gần 10 năm qua.
Đặc biệt, để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường, nâng cao tính chính xác trong công tác vận hành, EVNNLDC đã rút ngắn chu kỳ khớp lệnh của thị trường điện từ 1 giờ xuống 30 phút kể từ ngày 1/9/2020. “Hiện chúng tôi đang thực hiện triển khai giai đoạn 2 (2020-2022) nhằm phục vụ VWEM và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6/2022, khi hoàn thành sẽ đảm bảo vận hành thị trường điện an toàn khi chưa có hệ thống MMS (Market Management System) mới” - ông Nguyễn Quốc Trung cho biết.
Ngoài ra, để phục vụ việc vận hành VWEM dài hạn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường điện và nâng cấp khả năng xử lý và đồng bộ dữ liệu, đảm bảo độ chính xác và đưa chu kỳ giao dịch thị trường điện nhỏ hơn 30 phút. Hiện tại EVNNLDC đang phối hợp với Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công nghệ EVN (EVNCTI) thực hiện đấu thầu quốc tế để trang bị hệ thống MMS mới. Dự kiến hệ thống mới sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2024-2025, đồng bộ theo các hạ tầng khác về đo đếm, mạng Wan TTD, SCADA/EMS mới, hạ tầng cho NLTT…
Bên cạnh đó, EVNNLDC cũng luôn kịp thời nâng cấp các hệ thống phần mềm tính toán và cập nhật cho các đơn vị phù hợp với các quy trình, quy định theo từng giai đoạn, đồng thời được các đơn vị kiểm toán độc lập, uy tín kiểm toán hàng năm bảo đảm vận hành theo đúng quy định đề ra.
Hệ thống hạ tầng cơ sở CNTT do EVNNLDC quản lý và xây dựng đáp ứng tốt nhu cầu vận hành an toàn, liên tục, tin cậy, công khai và minh bạch cho công tác điều hành thị trường điện. Hệ thống thu thập và xử lý số liệu đo đếm tại EVNNLDC hoạt động ổn định và đạt hiệu suất cao từ 99 - 100%, mạng thông tin kết nối nội bộ thị trường điện không có gián đoạn làm ảnh hưởng đến thị trường điện.