Tháng 5 và 5 tháng đầu năm, công nghiệp và thương mại tỉnh Bình Định có nhiều nét nổi bật, tạo bước đột phá sau thời gian dài ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, nhờ tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều ngành sản xuất công nghiệp nhanh chóng hồi phục. Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) tháng 5/2022 so với cùng kỳ tăng cao nhờ một số sản phẩm có sản lượng lớn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng như: sản lượng điện sản xuất tăng 36,84% nhờ các dự án điện gió, điện mặt trời đã đi vào hoạt động ổn định.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 tăng 5,59% so với tháng trước và tăng 9,41% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 27,38%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,23%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 22,14%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,33%. Tính chung, trong 5 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 7,08% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp, thương mại có nhiều nét nổi bật trong 5 tháng đầu năm 2022 (ảnh: Thành phố Quy Nhơn- Tỉnh Bình Định)
Trong khi đó, đối với lĩnh vực thương mại, nhờ việc chính thức mở cửa du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, lưu thông thông suốt.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 5/2022 ước đạt 7.450,1 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ kéo dài (3-4 ngày) như: ngày Giải phòng Miền Nam 30/4 và quốc tế lao động 01/5, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng đã thúc đẩy thị trường trong tỉnh sôi động, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng sốt giá, khan hiếm hàng hóa. Các hoạt động thương mại và dịch vụ đã khởi sắc trở lại, đặc biệt dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí diễn ra khá nhộn nhịp.
Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của hầu hết các mặt hàng nhất thiết yếu, nhất là hàng công nghệ phẩm.
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục có mức tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2022 ước thực hiện 131,1 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản ước đạt 15,9 triệu USD, tăng 130,5%; sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 4,2 triệu USD, tăng 283,5%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 160,9 triệu USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ (đạt 173 triệu USD) và đạt 35% so với kế hoạch năm 2022.
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục có mức tăng trưởng cao, tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Đình Kha- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, trong thời gian tới Sở đã có văn bản trình Bộ Công Thương về việc triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định năm 2022; hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Bình Định trên các sàn thương mại điện tử; tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định năm 2022. Đồng thời, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương triển khai xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định năm 2022.
Ngoài ra, báo cáo với UBND tỉnh về công tác xây dựng báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”