Tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành vào chiều 30/5, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình nhiều nội dung.
Tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành vào chiều 30/5, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình nhiều nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phải có sự phối hợp trong công tác quy hoạch
Đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc lựa chọn chuyên đề giám sát này rất phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tính cấp bách của thực tiễn hiện nay.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ và được Quốc hội thông qua quy hoạch về sử dụng đất đai - một trong ba quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.
Tiếp thu những ý kiến xác đáng của các đại biểu, Bộ trưởng cho biết, bất cập đầu tiên trong công tác quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra một quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp.
Là Bộ cung cấp dữ liệu thông tin địa lý quốc gia, làm cơ sở tích hợp các quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng, việc này chưa thể thực hiện được.
Theo Bộ trưởng, quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác thực tế đều là các quy hoạch tích hợp.
Trong đó, tích hợp phải có lựa chọn để đưa được các nội hàm quy hoạch một cách hợp lý, trong quy hoạch có phần ổn định và có phần có thể thay đổi, tức là có phần “tĩnh” và có phần “động.”
“Tĩnh” là những vấn đề mang tính chất bảo tồn, giữ các di sản thiên nhiên hoặc những dự án có thể khẳng định là có giá trị lâu dài và mang tính bền vững. Ngoài ra là phần “động.” Khi đưa vào “động” nghĩa là vừa bảo đảm yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác là phải theo cơ chế thị trường.
Nếu đưa tất cả mục tiêu và các dự án phát triển lên một quy hoạch tích hợp, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là đang đi ngược lại với việc bảo đảm tính sáng tạo, phát triển của các vùng, địa phương và doanh nghiệp thể hiện qua các quy hoạch ngành.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng nếu không làm tốt công tác quy hoạch thì đến một thời điểm việc điều chỉnh quy hoạch cấp dưới so với quy hoạch cấp trên sẽ là vấn đề hết sức khó khăn, Bộ trưởng nhấn mạnh, khi đã đầu tư thì phải xét đến vấn đề sau này ai sẽ chịu trách nhiệm và đền bù các dự án đã được triển khai ở quy hoạch dưới? Quy hoạch phải có sự phối hợp lên-xuống. Không phải hướng đến một quy hoạch tích hợp là cả nước chỉ có một quy hoạch.
Mỗi ngành, mỗi cấp đều có thể có quy hoạch, đó là phát huy tính sáng tạo nhưng trong hệ thống đó cần đưa ra những quy định để bảo đảm từ khâu xây dựng có sự phối hợp, làm rõ cấp nào xây dựng quy hoạch thì cấp đó mới điều chỉnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần có sự quản lý chặt chẽ và hợp lý các quy hoạch, đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và thống nhất giữa các quy hoạch.
Hoàn thành khối lượng lớn các loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị
Giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng.
Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng hệ thống quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về xây dựng và đô thị đến nay được triển khai thực hiện ổn định, về cơ bản không có vướng mắc và ngày càng được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm hơn. Đến nay, đã hoàn thành khối lượng lớn các loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Về quy hoạch xây dựng các khu chức năng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ, hiện nay, các khu kinh tế ven biển, các khu kinh tế cửa khẩu hay các khu chức năng khác như các khu du lịch, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu giáo dục-đào tạo sau khi được thành lập được đều được phê duyệt quy hoạch xây dựng theo quy định.
"Có thể nói, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực, các loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành xây dựng và đô thị đã và vẫn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, là cơ sở đầu tiên cho việc lọc các dự án đầu tư, định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội ở các vùng, các địa phương," Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Về ý kiến quy hoạch chung đô thị lập theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh lập cho các thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch năm 2017 có sự trùng lắp, chồng chéo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng không gian, các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Mối quan hệ giữa quy hoạch chung đô thị và quy hoạch tỉnh đã được quy định cụ thể. Theo đó, nội dung quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là cụ thể hóa quy hoạch tỉnh đã được lập về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở.
Theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, nội dung đồ án quy hoạch chung đô thị thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: xác định mô hình phát triển, cấu trúc phát triển không gian nội thị, khu vực ngoại thị, kể cả không gian ngầm, định hướng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung như: giao thông, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc..., xác định nguyên tắc, yêu cầu, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan, không gian cây xanh, mặt nước...
Luật Quy hoạch năm 2017 quy định rõ, nội hàm quy hoạch tỉnh không bao gồm nội dung trên. Như vậy, kết quả nghiên cứu, sản phẩm đầu ra của quy hoạch chung đô thị là cụ thể hơn, khác biệt so với quy hoạch tỉnh được lập cho các thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết Bộ sẽ tiếp thu và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, Luật Xây dựng cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Khẩn trương quy hoạch vùng sinh thái
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận chiều 30/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ trong điều kiện bất định và khó lường hiện tại, cần thiết phải xác định lại những thuật ngữ, khái niệm, nội hàm trong quy định pháp luật, từ quy hoạch tích hợp, điều chỉnh quy hoạch từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Theo Bộ trưởng, đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, thị trường, không thể có quy hoạch phủ hết toàn bộ, mà cần có hai phần: phần cứng do Nhà nước can thiệp và phần còn lại là dung lượng do thị trường điều chỉnh, qua đó có không gian linh hoạt thích ứng với sự thay đổi…
Liên quan đến các quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, việc bỏ quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến lớn.
Trong điều kiện thị trường ngày càng mở và bất định, đặc biệt với những diễn biến khó lường như trong dịch COVID-19 vừa qua, khó có được đầy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định quy hoạch hoặc đề ra các chỉ số, chỉ tiêu một cách cứng nhắc.
Ngoài ra, Bộ trưởng kiến nghị cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm ra thị trường; khẩn trương quy hoạch từng vùng sinh thái để định hình được chiến lược đầu tư, hỗ trợ tạo ra một hệ sinh thái của ngành hàng.