Nhiều nước ngưng xuất khẩu lương thực - thực phẩm những tưởng mở ra cơ hội cho nông sản Việt, thế nhưng thực tế, một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như gạo, cà phê, tiêu... của chúng ta lại đang giảm giá.
Đáng nói, tại thị trường nội địa, nông sản trong nước cũng đang chịu áp lực rất lớn trước một lượng hàng hóa lớn từ Campuchia đổ vào như lúa gạo, hồ tiêu, cao su…
Áp lực cạnh tranh lớn
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới (FFPI) tháng 5.2022 đạt trung bình 157,4 điểm, giảm 0,9 điểm (0,6%) so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này giảm dù vẫn tăng 29,2 điểm (22,8%) so với tháng 5.2021. Riêng chỉ số giá ngũ cốc và thịt tăng.
Gạo thơm Campuchia có giá 25.000 đồng/kg được bán khắp các chợ ở TP.HCM và ĐBSCL
Trái ngược với thị trường thế giới, giá lúa gạo nội địa trong tuần đầu tháng 6 đồng loạt giảm. Số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết mức giảm trung bình từ 20 - 50 đồng/kg tùy loại ở tất cả sản phẩm, ngoại trừ mặt hàng cám gạo tăng 21 đồng/kg và ở mức cao kỷ lục 8.800 đồng/kg. Tuy nhiên giá gạo xuất khẩu của VN hiện vẫn duy trì mức 423 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giao dịch ở mức 447 USD/tấn, giảm khoảng 10 USD/tấn so với cuối tháng 5. Trong khi đó, gạo của Pakistan tăng nhẹ khoảng 5 USD lên mức 378 USD/tấn.
Nhiều loại nông sản khác của VN như cà phê, hồ tiêu, hạt điều cũng rớt giá dù sản lượng giảm và chi phí đầu vào tăng. Trong đó, mặt hàng cà phê của VN trong tháng 5.2022 xuất khẩu khoảng 142.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 325 triệu USD, giảm 9,6% về khối lượng và giảm 10,5% về giá trị so với tháng trước đó. Mặt hàng hạt điều của VN cũng có nguy cơ mất ngôi vương ở nhiều thị trường như Pháp, Trung Quốc.
Thị phần hạt điều của VN trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 96,5% trong 4 tháng đầu năm 2021 xuống 82,1% cùng kỳ năm nay. Theo Trung tâm thương mại thế giới (ITP), đối thủ cạnh tranh thị phần hạt điều của VN đến từ Myanmar, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà… Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu đang tăng vài tháng trước nhưng gần đây lại có dấu hiệu giảm nhiệt. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có kinh nghiệm ở ĐBSCL phân tích: Về cầu, một trong những thị trường lớn là Trung Quốc chưa giao dịch tích cực trở lại do chính sách “Zero Covid”. Về nguồn cung, mới đây Ấn Độ tuyên bố không hạn chế xuất khẩu lương thực, trong đó có gạo. Sản phẩm gạo của Ấn Độ có giá rất cạnh tranh và một số nước châu Phi chuyển sang mua gạo Ấn Độ. Cả cung và cầu đều bị có yếu tố bất lợi nên không chỉ VN mà giá gạo Thái Lan cũng bị ảnh hưởng. Giá gạo Thái Lan tăng mạnh trong tháng 5 nhờ trúng các hợp đồng từ các nước Trung Đông. Nhưng thời điểm này các hợp đồng đã hoàn tất cùng với sự mở cửa trở lại của Ấn Độ khiến nguồn cung dồi dào đã kéo giá gạo Thái giảm theo. VN cũng không ngoại lệ.
Quan trọng là nông sản xuất khẩu cao có phân bổ lại cho nông dân hay không?
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Huệ “Hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu phân phối của doanh nghiệp trong nước. Nông sản VN sang nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán ở trong nước còn thấp. Vì vậy thu nhập của nông dân chưa được cải thiện. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?” chiều 7.6, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: Chúng ta hay đặt vấn đề vải thiều xuất qua Nhật mấy trăm nghìn một cân, xoài qua Mỹ giá cao thế, nhưng tại sao thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá thấp thế? Thực tế để đưa nông sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên nông dân không nên quá háo hức. Quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao có phân bổ lại cho nông dân hay không nếu so với bán nội địa.