“Chỉ số định giá PE 2022 đang ở mức 10 lần, với tăng trưởng lợi nhuận 22,5%. Và kết quả kinh doanh quý 1/2022 cho thấy dự báo của chúng tôi là hợp lý, dựa trên đà phục hồi tích cực của nền kinh tế”, Dragon Capital cho biết.
Trong báo cáo vừa phát hành Dragon Capital đã có những đánh giá về thị trường chứng khoán tháng 5 và triển vọng thị trường thời gian tới.
Theo Dragon Capital, thị trường tiếp tục đi xuống trong tháng 5, giảm 6,1% về 1.293 điểm. Các vấn đề toàn cầu – Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, phong tỏa tại một số khu vực ở Trung Quốc và xung đột Nga – Ukraine, càng làm trầm trọng hơn những vấn đề nội tại liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ số có thời điểm đóng cửa tại mốc 1.172 điểm, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn lung lay. Trên sàn HOSE, thanh khoản giảm 32% xuống 659 triệu USD và trên cả 3 sàn, giảm 32% xuống 734 triệu USD.
Điểm tích cực trong tháng 5 là khối ngoại tiếp tục mua ròng 138 triệu USD, đưa giá trị bán ròng kể từ đầu năm giảm xuống còn 8 triệu USD, từ mức 422 triệu USD của giai đoạn giữa tháng 3.
Một số ngành đứng ngoài xu hướng giảm của thị trường như cổ phiếu năng lượng tăng 9% nhờ xu hướng đi lên của giá dầu. Một số ngành khác chỉ giảm 2-3%. Nhóm Tiện ích và Thực phẩm & Đồ uống ít bị ảnh hưởng vì hoạt động kinh doanh của nhóm này mang tính phòng thủ. Cổ phiếu nhóm xuất khẩu vẫn vững vàng nhờ giá sản phẩm tăng mạnh và nhu cầu ổn định. Cổ phiếu bán lẻ được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm vượt kỳ vọng, doanh thu tăng trưởng tốt và triển vọng nửa cuối năm tích cực so với mức nền thấp của nửa cuối năm 2021.
Tuy nhiên, cổ phiếu của một số ngành ít được nhà đầu tư quan tâm bị ảnh hưởng nặng nề. Cổ phiếu ngành thép giảm 14% khi giá bán thép giảm và chi phí đầu vào tăng mạnh. Nhóm chứng khoán giảm trung bình 10% trong bối cảnh thanh khoản giảm và hoạt động cho vay ký quỹ thu hẹp, đây vốn là 2 động lực tăng trưởng chính của cổ phiếu chứng khoán trong 18 tháng qua.
Và, các cổ phiếu Bất động sản vốn hóa trung bình giảm 8%, đây là đối tượng dễ bị tổn thương trước những diễn biến gần đây của thị trường trái phiếu, đồng thời cũng là các đơn vị phát hành lớn nhất năm 2021, và tình hình càng trở nên phức tạp khi tiến độ phê duyệt các dự án vẫn còn chậm trong khi lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu tăng.
Cũng theo Dragon Capital, những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nhiều hơn so với dự kiến, và khiến thị trường Việt Nam giảm mạnh hơn các thị trường trong khu vực.
Lượng trái phiếu phát hành mới đã giảm và triển vọng tái vay vốn trở nên kém khả quan hơn. Ngoài ra, có những lo ngại về việc các ngân hàng sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nếu phải mua lại các trái phiếu đã phân phối. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp chấn chỉnh thị trường để ngăn chặn bong bóng bất động sản. Dragon Capital cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô 51 tỷ USD nhưng chưa được giám sát chặt chẽ, với khoảng 45% giá trị trái phiếu được nắm giữ bởi nhà đầu tư cá nhân, có thể tạo ra rủi ro đáng kể nếu buông lỏng quản lý.
“Chính phủ có dư địa và công cụ để xử lý các bất ổn hiện nay, và nếu các giải pháp được triển khai, cổ phiếu tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, bất chấp các vấn đề toàn cầu. Chỉ số định giá P/E 2022 đang ở mức 10 lần, với tăng trưởng lợi nhuận 22,5%. Và kết quả kinh doanh quý 1/2022 cho thấy dự báo của chúng tôi là hợp lý, dựa trên đà phục hồi tích cực của nền kinh tế”, báo cáo của Dragon Capital nêu.
Lạm phát sẽ được duy trì quanh mức 4% trong năm nay
Đưa ra dự báo về lạm phát, Dragon Capital cho biết, nếu không có thêm rủi ro mới từ thị trường thế giới đẩy giá dầu Brent lên mức bình quân 130-140 USD/ thùng, lạm phát sẽ được duy trì quanh mức 4% trong năm nay.
Theo Dragon Capital, lạm phát tiếp tục ở trong mức kiểm soát, tăng 0,38% so với tháng trước và 2,9% từ đầu năm. Trong đó 64% mức tăng là do nhóm xăng dầu khi giá tăng 50% bình quân 5 tháng so với năm ngoái. Bộ Tài Chính, mới đây đã đề xuất việc giảm 8% thuế nhập khẩu xăng, tương đương với mức giảm 5,1% vào giá bán lẻ và đồng thời lên kế hoạch về việc nhập khẩu thêm 2,4 triệu mét khối dầu thô để phục vụ tiêu dùng trong nước. Đáng chú ý, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới nên không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực.
Cũng theo Dragon Capital, S&P gần đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm từ BB lên BB+, với triển vọng “ổn định” nhưng Việt Nam vẫn chưa thể hiện được tiềm năng tăng trưởng thực sự. Đầu tư công đạt 6,4 tỷ USD, tương đương 27,8% mục tiêu năm, trong khi gói hỗ trợ giải ngân chỉ 1 tỷ USD do các vấn đề về lựa chọn nhà thầu, tăng giá nguyên vật liệu và dịch Omicron trong Quý 1.
"Nếu có thể giải quyết các khó khăn cũng như tăng tốc độ triển khai và đẩy mạnh tốc độ giải ngân trong nửa cuối năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều dư địa để đạt được mức tăng trưởng GDP trên 7%", Dragon Capital dự báo.