Sự phát triển của thương mại điện tử những năm gần đây và nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng Việt Nam đã kéo theo cuộc đua nội lực của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh trong nước.
Mới đây, J&T Express đã khánh thành Trung tâm trung chuyển mới tại Củ Chi (TP.HCM), một trung tâm kho vận được số hoá và có thể xử lý lên tới hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại mỗi ngày. J&T Express tiếp tục làm nóng lên cuộc đua kho vận tại Việt Nam. Nhưng, có vẻ “miếng bánh” không của một người.
Từ chuyện J&T Express “cất nóc”…
Đây được coi là một mốc dấu cho 4 năm xây dựng và phát triển tại Việt Nam của “gã khổng lồ” chuyển phát nhanh J&T Express. Trung tâm này có diện tích gần 60.000 m2, nâng tổng diện tích toàn bộ 36 trung tâm của J&T Express lên 180.000 m2 với công suất xử lý lên đến 3.660.000 kiện hàng mỗi ngày. Trung tâm được ứng dụng công nghệ vào hầu hết các khâu, quy trình tiếp nhận hàng hóa, nhập dữ liệu thông tin và giao hàng đều được xử lý nhanh gọn, và tự động theo quy chuẩn hậu cần thông minh (Smart Logistics).
Trên thực tế, trung tâm Smart logistics là một trung tâm tích hợp để trung chuyển, lưu trữ, thu gom và phân phối hàng hóa. Trung tâm này đóng vai trò kết nối các hoạt động liên quan đến vận chuyển, tổ chức, tách, điều phối và phân phối hàng hóa cho các hoạt động vận chuyển quốc gia và quốc tế, trên cơ sở thương mại của các nhà khai thác khác nhau.
Theo một nghiên cứu khảo sát của PwC với hơn 1.600 nhà quản lý doanh nghiệp hậu cần từ 33 quốc gia thì hơn 50% những người được khảo sát đã tin rằng Smart logistics là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao hiệu quả chi phí. 59% dự định tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này trong tương lai.
… đến cuộc đua Smart logistics
Theo thông tin tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2022, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia. Trong quý I/2022, Việt Nam đã có tới hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với hơn 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Đáng chú ý, trong số đó tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử đang có xu hướng tăng cao, với 97% người tiêu dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% tiếp tục có ý định sử dụng trong tương lai.
Trong khi đó, theo một báo cáo từ E-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek & Bain, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế Internet phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á trong vòng 10 năm tới. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang được coi là một trung tâm đổi mới hấp dẫn với các nền tảng cơ bản tăng trưởng mạnh mẽ và một hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển, thúc đẩy bước đột phá của thương mại điện tử và kéo theo một cuộc “đua nội lực” của các công ty phụ trợ hậu cần trong nước.
Hiện tại, cuộc đua Smart logistics hay còn là toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán điện tử, đang rất nóng với hàng loạt “ông lớn” nhúng chân. Hàng trăm triệu USD vốn đầu tư đã được xuống tay như Tiki, Giao Hàng Nhanh hay là BEST.
Tuy nhiên, có một thách thức lớn đang chờ đón các doanh nghiệp trong cuộc đua này, bởi đây được coi là một lĩnh vực “đốt tiền” của các doanh nghiệp khi phải bỏ ra hàng triệu USD nhằm xây dựng cơ sở vật chất và chấp nhận bù lỗ lớn trong khoảng thời gian ban đầu để chuẩn bị cho một tương lai lâu dài. Và thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng vượt qua được những thách thức trên.