• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
22 Tháng Mười Một 2024 3:26:57 CH - Mở cửa
Ngỡ ngàng cao su miền núi phía Bắc
Nguồn tin: Tạp Chí Cao su | 20/06/2022 7:30:00 SA
Nhiều năm trở lại các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB), chúng tôi đã cảm nhận được những thay đổi rõ rệt ở vùng có cao su của các đơn vị trực thuộc VRG đứng chân.
 
Không còn những lo lắng, hoài nghi về hiệu quả cây cao su trên vùng cao, mà thay vào đó là những niềm vui hiện rõ trên gương mặt của NLĐ, của bà con nông dân góp đất trồng cao su. Cây cao su có mủ, đem lại thu nhập tốt và cuộc sống ổn định hơn như tiếp thêm niềm tin yêu, gắn bó của NLĐ.
 
Cao su “được lòng” bà con
 
Chúng tôi “có hẹn” đi MNPB vào những ngày đầu tháng 6 để xem những đổi thay của cao su sau 15 năm định hình ở nơi này. Trong đoàn chỉ có một số thành viên đã đi ra các dự án cao su của VRG nhiều lần thì phần đa là đều những anh chị lần đầu đi Tây Bắc. Lần trở lại Bắc này của chúng tôi có nhiều cảm xúc đan xen, phần vì hào hứng mong gặp mặt các anh chị em đơn vị sau mấy năm, phần vì hồi hộp không biết rằng thêm ngần ấy thời gian nữa, liệu cao su có gì thay đổi không? Chúng tôi mang sự mong chờ và phấn khởi đó lên đường.
 
Các đây 5 năm, khi các đơn vị cao su MNPB tròn 10 tuổi, diện tích vườn cây cao su đưa vào khai thác còn ít, thu nhập còn chưa cao thì nay mọi thứ đều đã đổi khác. Thoáng phút chốc đến hôm nay, cây cao su tròn 15 tuổi và đã “làm được” nhiều điều trong lời cam kết của VRG khi ra đầu tư trồng cao su ở vùng cao.
 
 
Địa điểm mà chúng tôi ghé thăm đầu tiên là Cao su Sơn La, đơn vị đầu tiên được thành lập tại khu vực này. Năm 2007, những ha cao su đầu tiên được hình thành tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường Nhai, tỉnh Sơn La là tất cả những tâm tư, kỳ vọng và tin tưởng về một loại cây công nghiệp khi cho vào khai thác sẽ góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, giúp bà con đồng bào có việc làm ổn định.
 
Bà con góp đất trồng cao su và trở thành công nhân cao su trên chính mảnh đất của mình. Chắc hẳn ai cũng biết được rằng, địa hình, thời tiết của các tỉnh MNPB là một trong những khó khăn lớn của VRG khi triển khai trồng cao su tại đây. Nhưng những khó khăn, thách thức đó đã dần nhường chỗ cho sự quyết tâm, bản lĩnh của tập thể NLĐ của các đơn vị. Dần dần, qua mỗi năm, thêm nhiều đơn vị trực thuộc VRG được thành lập ở khu vực này và diện tích trồng cao su dần được mở rộng.
 
Những diện tích cao su xa tít trên đồi, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo sinh kế cho bà con, giữ vững an ninh quốc phòng, an ninh trật tự trên địa bàn. Phải nói để có được thành quả bước đầu như hôm nay là cả sự nỗ lực bền bỉ, kiên trì và tinh thần vượt khó của các anh chị những ngày đầu tình nguyện ra MNPB để phát triển cao su. Càng tận mắt chứng kiến những diện tích cao su của các đơn vị, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí đó.
 
Ghé thăm Nông trường Châu Thuận vào một buổi sáng trời vừa dứt cơn mưa đêm, đến đây chúng tôi có những trải nghiệm rất mới lạ đó là đi tham quan vườn cây cao su bằng xe máy do chính những anh chị công nhân của nông trường cầm lái. Địa hình đồi núi dốc, việc chạy xe máy những khi trời nắng chắc hẳn cũng là những thử thách không nhỏ đối với chúng tôi, huống hồ giờ nhìn đường đèo dốc, sình lầy sau cơn mưa đêm, chúng tôi có nhiều phần lo lắng. May thay, anh Mề Văn Mếng – Công nhân Tổ 1 cam kết rằng sẽ không để ngã xe thì tôi mới lấy hết can đảm để yên vị trên xe.
 
Vừa đi, vừa giới thiệu vườn cây cao su, anh Mếng chia sẻ: “Mình vào làm công nhân được 4 năm rồi, đường đi này cũng bình thường, yên tâm sẽ không sao đâu, công nhân cao su ở đây đều là tay lái lụa”.
 
Anh Mếng trước đây làm nhiều công việc, đã từng đi làm công nhân xí nghiệp, làm nương rẫy nhưng rồi thu nhập không được mấy. Khi công ty đưa thêm diện tích vào khai thác, qua quá trình tham khảo bạn bè trong bản đang làm ở công ty, anh hồ hởi xin vào làm công nhân cao su, đến nay đã được 4 năm, với mức thu nhập hàng tháng dao động từ 7 – 8 triệu đồng.
 
Anh nói: “Đi làm công nhân cao su lương tính theo phần việc và sản phẩm, mình làm nhiều thì thu nhập nhiều. Ngoài ra, mình có thêm thời gian rảnh rỗi để làm việc khác nữa, do đó cũng có đồng ra đồng vào, làm nương và chăn nuôi phục vụ cho gia đình, còn thu nhập từ công nhân cao su thì sắm sửa, làm nhà cửa và nuôi con ăn học”.
 
Rời Châu Thuận, chúng tôi đến Nhà máy chế biển mủ cao su của công ty tại xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu. Đây là nhà máy chế biến mủ đầu tiên của MNPB, có công suất chế biến 6.000 tấn mủ cao su/ năm. Ngoài việc chế biến mủ cho đơn vị thì nhà máy còn gia công cho các đơn vị bạn ở trong khu vực, do đó đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động là người đồng bào. Hiện nay, nhà máy sản xuất vượt công suất chế biến, mỗi ngày có 3 ca làm việc.
 
Ông Trương Minh Tuấn – TGĐ Cao su Sơn La cho biết: “Năm 2021, công ty hoạt động SXKD có hiệu quả, bà con rất phấn khởi, ngoài thu nhập hàng tháng, các ngày lễ, Tết công ty đều nỗ lực có thưởng để động viên NLĐ. Cứ đến ngày 20 hàng tháng là công ty phát lương cho NLĐ. Hiện nay, bà con đã thấy được hiệu quả của cây cao su nên có rất nhiều người xin vào làm công nhân tại đơn vị”.
 
Khi nghe anh Tuấn chia sẻ như vậy, chúng tôi biết được rằng, cây và người cao su đã làm được việc lớn, đó là giúp bà con thay đổi nếp làm, nếp nghĩ. Cây cao su “bén rễ” và có một vị trí nhất định đối với bà con MNPB. Việc làm nào khó cũng sẽ dễ thực hiện được nếu đã “được lòng” người. Chúng tôi tin rằng, với những dấu hiệu tích cực này, với đà phát triển hiện có, Cao su Sơn La sẽ gặt hái được nhiều thành tích tốt trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
 
 
Nhà ở khang trang của vợ chồng ông Lò Văn Một và bà Quàng Thị Ding ở bản Tin Tốc. Hai vợ chồng ông bà đều là công nhân của Cao su Điện Biên. Ảnh: Đình Phú
 
Công nhân “thạo” cao su, bản làng thay áo mới
 
Cũng như Cao su Sơn La, năm 2022 này Cao su Điện Biên vừa tròn 15 tuổi. Tổng kết chặng đường đã qua, Cao su Điện Biên đã gặt hái được những kết quả toàn diện về hoạt động SXKD, năng lực vườn cây, chăm lo tốt đời sống NLĐ và thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp đối với địa phương. Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây cũng là lúc công ty đang tiến hành chi trả 10% sản phẩm cho bà con góp đất trồng cao su. Năm 2021, tổng chi ở nội dung này hơn 9 tỷ đồng, công ty sẽ hoàn tất việc chi trả cho bà con trong tháng 6.
 
Anh Nguyễn Công Tám – Phó TGĐ phụ trách Cao su Điện Biên cho biết: “Đến giờ phút này, sau 15 năm hiện diện ở tỉnh Điện Biên thì khẳng định cây cao su đã có hiệu quả tốt. Tôi cho rằng để có kết quả này đó là nhờ sự đoàn kết, thống nhất một lòng của tập thể CB.CNVC – LĐ công ty và sự phối hợp tốt với địa phương trong mọi hoạt động.
 
Đối với NLĐ, chúng tôi thực hiện việc chi trả lương, các chế độ chính sách và chi trả lợi tức cho bà con góp đất một cách công khai, minh bạch. Đối với NLĐ trong đơn vị, trước đây cao su rất xa lạ với bà con nên để thay đổi nếp nghĩ, nếp làm là cả một hành trình. Do đó, anh chị em trong đơn vị phải tận tâm, hướng dẫn kỹ càng, “cầm tay chỉ việc” để NLĐ nhanh chóng nắm bắt nội dung công việc. Dần dần, NLĐ cũng quen việc, “thạo” cao su hơn”.
 
Bên cạnh hoạt động SXKD có hiệu quả, công ty còn thực hiện đầy đủ các chế độ cho NLĐ. Chị Cà Thị Phương, hiện là công nhân Nông trường Điện Biên. Chị vào công ty từ năm 2009. Chị chia sẻ: “Công việc trên vườn cây thì không có gì vất vả, khó khăn cả, khi vào làm công nhân cao su thì mình cần thay đổi cách làm việc khoa học hơn, tuân thủ các quy định của đơn vị. Công ty đảm bảo chi trả lương đều đặn hàng tháng và đều có bảng dán công khai mức lương của công nhân ở nhà tổ, bà con có thắc mắc gì cũng được giải đáp thấu tình đạt lý, do đó chúng mình yên tâm làm việc cho công ty cao su. Thu nhập mỗi tháng của mình bình quân là 6 triệu đồng”.
 
Tính từ khi thành lập đến nay, công ty xây dựng được 22 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho NLĐ với tổng kinh phí hơn 816 triệu đồng. Năm 2009, công ty hỗ trợ xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh huyện Mường Nhé. Tiếp đó xây dựng trường và trang bị đồ dùng học tập cho một trường mẫu giáo ở xã Mường Toong với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
 
Không khó để nhận ra những thay đổi của bản làng khi nhiều nhà mới, khang trang, mái ngói mới được mọc lên, trong gia đình những công nhân cao su đều có đồ dùng hiện đại như tivi, tủ lạnh, máy giặt được sắm sanh phục vụ cho đời sống hàng ngày.
 
 
NLĐ Nông trường Châu Thuận, Cao su Sơn La được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các quy trình khai thác.
 
Ông Chá A Tà – Phó Chủ tịch xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “Ở xã có hơn 505 ha cao su của Cao su Điện Biên và có 8/11 bản có người dân làm công nhân cao su. Trước đây bà con chủ yếu làm chăn nuôi, trồng trọt. Khi cao su đến, bà con được công ty hỗ trợ phối hợp với xã tiến hành đo đạc đất đai được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Bà con vào làm công nhân đời sống được nâng lên, kinh tế xã hội của xã nhờ đó cũng phát triển hơn so với trước”.
 
Bản Tin Tốc là bản nghèo nhất của xã Mường Pồn trước đây, nhưng giờ là bản giàu nhất xã, 53/64 hộ làm công nhân cao su. Nhờ thu nhập ổn định từ tiền lương và tiền chia lợi tức góp đất trồng cao su nên điều kiện kinh tế nhiều gia đình đã cải thiện, xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố.
 
Khó khăn đã lùi xa, hiện tại hôm nay cao su ở MNPB như một khúc hát hoan ca nơi vùng cao. Cao su chinh phục bao khó khăn, trở ngại vùng cao để vươn mình phát triển như trong bài hát Cây cao su về bản em đã khẳng định “Cao su mỡ màng vươn đồi cao”. Ngày đầu mang những cây cao su ra trồng vùng cao, lãnh đạo VRG cũng như những người thực hiện không kỳ vọng quá nhiều đến lợi nhuận mà đặt mục tiêu cùng với Chính phủ thực hiện chương trình nông thôn mới, giúp đời sống của bà con không phải lo từng bữa ăn, mùa đông không thiếu áo rét, các em ai cũng được đến trường. Vậy là, một chặng đường 15 năm nay nhìn lại, thành quả chưa to lớn nhưng bước đầu cơ bản đã thành công.