Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hoá ghi nhận tăng trưởng khá khả quan. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao đang là những thách thức không nhỏ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm.
Động lực từ các FTA
Sụt giảm trong tháng 5/2022, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm nay, XK hàng hoá vẫn thu về 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, khu vực DN trong nước tăng cao (tăng 21,2%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,8%). “Điều này tiếp tục cho thấy nỗ lực của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ở góc độ ngành hàng, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 5 tháng đầu năm tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động XK với kim ngạch ước đạt 131,39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch XK chung.
Dệt may là một trong những ngành hàng công nghiệp chế biến XK điển hình ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong những tháng đầu năm với lượng đơn hàng dồi dào. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi, mới nhất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, chính là động lực để các DN cơ cấu lại cũng như mở rộng thị trường XK. “Ở góc độ nhất định, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid” cũng tạo thuận lợi cho dệt may Việt Nam có thêm nhiều đơn hàng khi đón nhận sự chuyển dịch đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Giang nói.
Bên cạnh dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ cũng là ngành hàng khá điển hình gặt hái không ít “trái ngọt” trong những tháng đầu năm. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin, 5 tháng đầu năm 2022, XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, khả năng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
“Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa có hồi kết, cùng với tình hình dịch bệnh khó lường, các DN ngành gỗ đã khá linh hoạt, sáng tạo giải quyết khó khăn. Bên cạnh đó, động lực từ các FTA thế hệ mới đã hỗ trợ ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh XK ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có FTA”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.
Thách thức với chi phí tăng cao
Bộ Công Thương nhận định, thời gian tới, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTA của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản sẽ là thuận lợi lớn cho sản xuất, XK của Việt Nam. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động XNK.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức bủa vây XK hàng hoá nửa cuối năm không hề nhỏ khi xu hướng bảo hộ vẫn đang tiếp diễn. Việc dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc cùng chính sách “Zero-Covid” ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hoá và cả hoạt động XK hàng hoá qua biên giới của Việt Nam. Ngoài ra, giá cước vận tải đang ở mức cao, giá năng lượng và các mặt hàng nguyên vật liệu đang gia tăng mạnh; xung đột Nga-Ukraine cũng tác động nhiều đến hoạt động XNK của nước ta.
Từ góc độ DN cụ thể, trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: vào quý 4/2021, DN nhận định thị trường dệt may năm 2022 sẽ phục hồi quay trở lại, thậm chí tốt hơn thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay Tổng công ty May 10 phải thay đổi nhận định thị trường của quý 3 và quý 4/2022 năm nay. Nhà máy có thể rơi vào vòng luẩn quẩn là giá cả đầu vào tăng cao dẫn tới không dám sản xuất, không sản xuất nghĩa là đình trệ, DN gặp khó khăn nhưng nếu sản xuất trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng thì lại lỗ. “Nhìn chung, có thể hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty May 10 trong nửa đầu năm vẫn tốt nhưng nửa cuối năm sẽ đối mặt khó khăn”, ông Việt nói.
Tương tự, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) chia sẻ, mặc dù đến thời điểm này nhiều DN trong ngành gỗ đã kín đơn hàng đến hết quý 3/2022 nhưng gỗ không giống như các mặt hàng khác, con số đơn hàng này chỉ mang tính tương đối. Vị này nhấn mạnh: “Lạm phát tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Chi phí vận chuyển đang rất cao đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận của DN. Có những mặt hàng đồ gỗ XK vào thị trường Hoa Kỳ giá trị sản phẩm nằm trong container thấp hơn nhiều so với giá vận chuyển. XK ngành gỗ đang nằm trong nhóm tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, năm nay tỷ trọng tăng trưởng so với những năm trước sẽ thấp hơn. Dự báo tăng trưởng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ năm nay chỉ đạt con số 5%-7% chứ khó đạt con số 19% như năm 2021”, ông Nguyễn Liêm nhận định.
Theo một số chuyên gia kinh tế, riêng ở khía cạnh các FTA, cơ hội đem lại cho DN rất lớn, song do một số hạn chế, các DN chưa tận dụng hết các cơ hội. Trong đó, năng lực tự chủ về logistics được coi là một trong những rào cản khá lớn. Vì vậy, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu XNK, không phụ thuộc vào đội tàu của các DN nước ngoài như hiện nay. “Bên cạnh đó, các DN cần cải thiện các mô hình kinh doanh, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ, tái sắp xếp chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan từ các FTA và thâm nhập vào thị trường mới”, ông Đỗ Xuân Lập nói.