• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,00 -3,89/-0,32%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 9:34:59 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,00   -3,89/-0,32%  |   HNX-INDEX   223,57   -0,25/-0,11%  |   UPCOM-INDEX   91,78   -0,09/-0,10%  |   VN30   1.282,20   -4,45/-0,35%  |   HNX30   475,24   -1,36/-0,28%
15 Tháng Mười Một 2024 9:43:31 SA - Mở cửa
Quản lý chặt giá cước vận tải trước biến động của giá xăng dầu
Nguồn tin: Thời báo tài chính VN | 18/06/2022 1:40:00 CH
Nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí của hoạt động vận tải. Với biến động tăng của giá xăng dầu đã tác động làm tăng giá cước vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy. Do đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái- Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ có liên quan phải quản lý chặt giá cước vận tải.
 
Doanh nghiệp vận tải đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15% giá cước
 
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, đối với đường bộ, hiện khoảng 80%-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đều đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10% - 15% giá cước vận tải đề bù đắp chi phí nhiên liệu và tăng từ 7% - 10% đối với giá cước vận tải hàng hóa. Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng tại các đô thị bằng xe buýt hầu hết hiện nay đều được trợ giá, do đó giá vé vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn được giữ ổn định, tuy nhiên chi phí phát sinh do tăng giá nhiên liệu sẽ tăng chi phí trợ giá.
 
Đối với đường sắt, theo kế hoạch vận tải năm 2022 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%, tuy nhiên do tác động của việc tăng giá nhiên liệu, hiện nay tỷ lệ này đã lên đến 29% và làm tăng chi phí vận tải lên 15% - 20% so với kế hoạch ban đầu.
 
 
Giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Ảnh: TL.
 
Tuy nhiên, do hiện nay hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đang cạnh tranh về giá dịch vụ so với các phương thức vận tải khác, do đó giá cước vận tải hành khách của ngành đường sắt vẫn giữ ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu, nhằm thu hút hành khách đi tàu và góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của ngành. Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, do đặc thù về hiệu quả sử dụng nhiên liệu của ngành đường sắt so với các phương thức khác, do đó mức tăng giá cước vận tải hàng hóa chỉ từ 3% - 5%.
 
Đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu hiện nay đang chiếm khoảng 45% - 50% chi phí vận tải và 32% - 35% giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa. Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.
 
Hiện nay, giá cước vận tải biển quốc tế bắt đầu gia tăng trên toàn thế giới từ cuối năm 2020 do biến động của dịch bệnh Covid-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tuyến vận tải đi Châu Âu và Châu Mỹ.
 
Vận tải hàng hải, giá cước đạt đỉnh cao nhất vào tháng 9/2021 và giảm dần, đến nay mức giá giảm khoảng 20-25% so với thời kỳ đỉnh điểm. Trong những tháng đầu năm 2022, đến thời điểm hiện nay, hầu hết các hãng tàu chưa điều chỉnh tăng giá cước vận tải theo giá nhiên liệu, tuy nhiên có một số hãng tàu đã điều chỉnh tăng phụ thu giá nhiên liệu từ tháng 3/2022. Tuy nhiên giá nhiên liệu tăng cao và kéo dài có thể sẽ tác động đến giá cước vận tải biển trong thời gian tới.
 
Không để giá cước vận tải tăng bất hợp lý
 
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn tới tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các liên quan đến công tác quản lý giá thuộc thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
 
Phát biểu ý kiến trước đó, đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng lo ngại tác động tiêu cực do ảnh hưởng giá nhiên liệu, do đó đề nghị các Cục Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam và Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực.
 
Trong trường hợp cần giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển; lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Cục khẩn trương đánh giá tình hình, tác động của việc giảm mức phí, lệ phí đối với đối tượng nộp phí, lệ phí và ngân sách nhà nước.
 
Từ đó, đề xuất giảm mức thu từng khoản phí, lệ phí và thời gian giảm thu phí, lệ phí, báo cáo Bộ để gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành thông tư theo thẩm quyền.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, việc kiềm chế lạm phát trong bối cảnh "bão giá" trên toàn cầu là rất khó khăn. Nhiều nước có nền kinh tế phát triển, cũng như các nước trong khu vực cũng đang đối mặt với khó khăn này. Việc chúng ta kiểm soát được mặt bằng giá như thế này có thể coi là thành công. Tuy nhiên, dư địa để điều hành giá trong thời gian tới còn rất thấp, "nguy cơ lạm phát tăng cao là hiện hữu".
 
Riêng đối với giá cước vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, "công bố hàng tháng" để hỗ trợ doanh nghiệp…/.