• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.264,90 0,00/0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 8:55:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.264,90   0,00/0,00%  |   HNX-INDEX   232,95   0,00/0,00%  |   UPCOM-INDEX   93,47   0,00/0,00%  |   VN30   1.310,94   0,00/0,00%  |   HNX30   506,51   0,00/0,00%
19 Tháng Chín 2024 8:56:38 SA - Mở cửa
Hà Nam: Những dự án nghìn tỷ còn “chậm” đến bao giờ?
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 21/06/2022 7:25:00 SA
Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay cả 2 đều chậm tiến độ, bỏ hoang gây lãng phí tài sản công. Dự án Khu đô thị phía Nam Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cũng trở thành nỗi ám ảnh khi những bất cập tại đây nhiều năm chưa được xử lý.
 
 
Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đang bị hoang hóa.
 
Những bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang
 
Được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2014 và qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, nhưng hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến nay vẫn bị hoang hóa trước nỗi xót xa của hàng triệu người dân.
 
Theo tìm hiểu được biết, mỗi dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ. Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 có quy mô 125.000m2 với 1 tầng hầm và 9 tầng nổi, bao gồm 1.000 giường bệnh nội trú, đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám bệnh/ngày.
 
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được dựng trên 123.000m2 với 1 tầng hầm và 6 tầng nổi gồm 1.000 giường bệnh nội trú, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám bệnh/ngày.
 
Thời gian thực hiện dự án khoảng 2014 - 2016, với mục tiêu đầu tư xây dựng được biết là góp phần giải quyết cơ bản tình trạng quá tải cho các bệnh viện cơ sở 1 tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay dù đã gần 8 năm, dự án đã hoàn thiện cơ bản nhưng lại bị hoang hóa một cách lãng phí.
 
Tháng 10/2018, khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 khánh thành trong niềm vui hân hoan của ngành Y tế và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thay vì đón các bệnh nhân đến khám chữa bệnh, hiện nay bệnh viện lại bị hoang hóa, không một bóng người qua lại. Quan sát cho thấy, nhiều hạng mục đã xuống cấp, gỉ sét và chỉ duy nhất có bộ phận bảo vệ hoạt động để trông coi.
 
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 khả quan hơn khi phòng khám bệnh đa khoa của bệnh viện được khánh thành và đón tiếp bệnh nhân vào đầu năm 2019 nhưng không hiểu vì lý do gì, đến đầu năm 2020, nơi đây lại dừng tiếp nhận bệnh nhân.
 
“Vừa qua, trong đợt dịch Covid-19, bệnh viện được sử dụng làm bệnh viện dã chiến. Nhưng từ ngày đỡ dịch, bệnh viện lại đóng cửa, tôi cũng không rõ khi nào sẽ hoạt động trở lại ”, một nhân viên bảo vệ tại cổng bệnh viện cho hay.
 
Là người dân sống tại phường Liêm Chính (Phủ Lý – Hà Nam), bà Trang không khỏi xót xa: “Tiền của Nhà nước bỏ ra nhiều như thế mà nay bệnh viện lại bỏ hoang. Dân mỗi khi có bệnh cứ phải lên Hà Nội, trong khi bệnh viện gần như xây xong rồi lại để không”.
 
Khu đô thị “ngủ quên”?
 
Bên cạnh các dự án Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2, một dự án khu đô thị nằm hơn 10 thập kỷ cũng cho thấy, nhiều tồn tại chưa được xử lý tại Phủ Lý, Hà Nam, đó là Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo. Dự án được xây dựng từ năm 2004 do Công ty Cổ phần Hưng Hòa là chủ đầu tư nhưng sau đó được phát hiện còn nhiều tồn tại. Cụ thể, hồ sơ thiết kế được phê duyệt sử dụng điện cáp ngầm, nhưng chủ đầu tư lắp đặt điện cáp treo trên cột bê tông cốt thép; trên một số tuyến đường nội bộ theo thiết kế dải lớp bê tông nhựa hạt mịn dày 5cm và lắp đặt hệ thống cống bê tông cốt thép có chiều cao 1,2m, chiều rộng 1,2m ở phía đường Lê Duẩn nhưng chưa xây dựng.
 
Chủ đầu tư cũng tự ý điều chỉnh, thi công một số hạng mục không theo thiết kế đã được duyệt, theo đó, giảm chiều dày lớp cấp phối đá dăm từ 450mm xuống còn 400mm ở một số tuyến đường nội bộ…
 
Theo Kết luận Thanh tra năm 2012 của UBND tỉnh Hà Nam đối với Công ty Hưng Hòa, công ty có hợp đồng chuyển nhượng 9 thửa đất cho 7 cá nhân khi chưa giải phóng mặt bằng và chưa làm thủ tục với cơ quan Nhà nước. Đối với phần đất xây dựng dịch vụ thể thao (nằm trong dự án), Công ty được UBND tỉnh cho thuê 2.873m2 đất tại Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 19/9/2011, với thời hạn sử dụng đất 50 năm; đơn vị chưa k‎ý hợp đồng thuê đất theo quy định.
 
Để tìm hiểu những tồn tại nêu trên đã được xử lý hay chưa, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nam nhưng được đại diện đơn vị cho hay: “Hiện dự án có nhều vấn đề “nhạy cảm” nên Sở sẽ trả lời bằng văn bản”.
 
Theo báo cáo Sở Xây dựng trước đó, dù công trình chưa hoàn thành, nhưng UBND thành phố Phủ Lý đã nhận bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật từ năm 2007. Sở cũng đề nghị UBND tỉnh giao UBND thành phố Phủ Lý đôn đốc, khắc phục.
 
 
Dự án Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo (ảnh: TL).
 
Hiện Đảng bộ và nhân dân thành phố Phủ Lý đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025, theo đó xây dựng và phát triển Phủ Lý trở thành trung tâm của khu vực về thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục; đô thị thông minh vào năm 2025.
 
Với những bất cập nêu trên, UBND tỉnh Hà Nam, thành phố Phủ Lý và các Sở, ngành cần có những giải pháp cấp bách nhằm giải quyết vướng mắc, tránh để những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến mục tiêu chung của thành phố, gây tác động xấu đến bộ mặt đô thị của Hà Nam.