"Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về một trong những định hướng phát triển quy hoạch vùng ĐBSCL.
Là không gian kinh tế đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được kỳ vọng sẽ là bước ngoặc để kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL được kích hoạt, đánh thức những tiềm năng của từng địa phương trong vùng trên tinh thần như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quán triệt tại hội nghị "quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương".
Chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) điểm du lịch hấp dẫn của ĐBSCL. Ảnh: Nguyễn Hữu Thành/Báo Đầu tư
Ưu tiên hạ tầng chiến lược
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 diễn ra sáng 21/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra con số lớn về nguồn lực để thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.
Và nếu tính cả số ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) thì tổng ngân sách đầu tư dự kiến cho ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 lên tới 460 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý phần lớn số vốn trên sẽ được bố trí hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ; cảng hàng không...
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Ảnh: VGP
Cũng tại hội nghị, nhìn nhận về hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho rằng, giao thông vận tải của vùng hiện nay đang là điểm nghẽn rất lớn.
Do đó, trong quy hoạch giao thông vùng ĐBSCL nhiệm kỳ 2021-2025, Bộ GTVT đã xác định một số điểm đột phá. Trước hết là đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đến với TP.Cần Thơ và một số cảng hiện nay, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của ĐBSCL, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động khu vực này.
Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, người đứng đầu ngành giao thông cho biết đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay, trong đó nếu cần thiết sẽ nghiên cứu thêm đường băng cho sân bay Phú Quốc. Đồng thời, sân bay Cà Mau và Rạch Giá cũng đang trong kế hoạch nâng cấp để đảm bảo tàu bay A320 có thể đỗ được ở đây.
Về đường bộ, Bộ GTVT xác định có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, cả vùng đồng bằng mới có 90 km đường cao tốc và đang triển khai 30 km nữa. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ này, Bộ GTVT bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP.HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau. Tuyến cao tốc quan trọng nữa là An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá.
"Nếu chúng ta đạt kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này có thể đạt 400 km đường cao tốc, cộng với khoảng 130 km hiện nay đang triển khai thì tổng cộng sẽ có 500 km đường cao tốc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Bộ trưởng Giao thông cho biết thêm, Bộ cũng xác định cao tốc phải kết nối với phát triển kinh tế, do đó điểm cuối của hệ thống cao tốc này kết nối với cảng Trần Đề. Từ Cảng Trần Đề, tàu 100.000 tấn chỉ cách TP.Cần Thơ 60 km.
"Với hệ thống đường cao tốc cùng cảng Trần Đề, sân bay quốc tế Cần Thơ, chúng tôi tin chắc sau nhiệm kỳ này, khu vực ĐBSCL sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đặc biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể đến đây, hình thành các khu công nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và tin tưởng sau nhiệm kỳ này, chắc chắn ĐBSCL sẽ có tiềm năng và thế mạnh để phát triển đột phá.
Liên kết vùng không phải là "phép cộng công thức" đơn thuần
Bên cạnh giao thông, định hướng cho phát triển nông nghiệp khu vực ĐBSCL cũng là một vấn đề thu hút sự quan tâm tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, quy hoạch nông nghiệp ĐBSCL cần hướng đến tính tổng thể, chiến lược, chứ không chỉ là "phép cộng công thức" đơn thuần.
Theo đó, quy hoạch có tính "mở", tính linh hoạt tương đối, để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng, với những câu hỏi kinh tế học từ trăm năm nay "sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?". Bên cạnh đó, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng. "Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt", ông nói và nhấn mạnh "chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL".
Bộ trưởng nhắc lại liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố, mà đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa "Nhà nước - Thị trường - Xã hội", kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới.
Ông cho biết, gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã triển khai những dự án quy mô có tính liên tỉnh, hứa hẹn sẽ kích hoạt tiềm năng cùng lúc cho nhiều địa phương. Đây là những tín hiệu lạc quan minh chứng cho sự sáng tạo, năng động và sức sống của vùng.
"Vấn đề là chúng ta cần nối kết, lan toả những giá trị đó. Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung. ĐBSCL sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động", Bộ trưởng NN&PTNT kỳ vọng.
Trong khi đó, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) TP.HCM, ông Hirai Shinji cho rằng, quy hoạch tổng thể cũng quan trọng như la bàn của con tàu.
"Nếu một tỉnh ở ĐBSCL tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình dưới danh nghĩa tự lực cánh sinh, chuyển ruộng lúa thành công nghiệp thì thu nhập của tỉnh có thể tăng lên trong thời gian ngắn, nhưng đây không phải là giải pháp bền vững. Bởi vì cách thức theo đuổi lợi nhuận phần nào liều lĩnh và hơi "ích kỷ này" mà không có sự quản lý chung và hướng tới mục tiêu chung sẽ khiến sự tự cường của Việt Nam gặp trở ngại", ông nói.
"Tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng"
Đánh giá ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, vùng cũng chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; phần đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy hoạch phải đi trước một bước - Ảnh: VGP
Theo người đứng đầu Chính phủ, những năm qua, để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, nhiều giải pháp đã được triển khai. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo để bàn về ĐBSCL. Cũng trong nhiệm kỳ này, tổng ngân sách đầu tư cho ĐBSCL được ưu tiên cao nhất và điều này là "hoàn toàn xứng đáng".
Tuy nhiên, để khu vực ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng cho rằng cần phải quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Cùng với đó, công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đặc biệt coi trọng việc thích ứng với tự nhiên. Kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu thì phải chắc đến đó, việc nào phải xong việc đó.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức và hành động với phương châm suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông bởi nếu "tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng". Bên cạnh đó, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả.
Trong triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.
"Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn tới, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng ĐBSCL.