Qua các đợt "sát hạch" thường niên, Fed đánh giá tình hình bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sẽ giúp họ ứng phó ra sao với một đợt suy giảm kinh tế nghiêm trọng được giả định.
Chi nhánh tại Mỹ của các ngân hàng lớn châu Âu, như Deutsche Bank, Barclays và Credit Suisse, ngày 23/6 đã vượt qua bài kiểm tra sức chịu đựng (stress test) hàng năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho thấy họ đang năm giữ đủ vốn để đối phó với một cú sốc về kinh tế.
Với bảy chi nhánh của các ngân hàng châu Âu mà Fed đang giám sát với khối tài sản hơn 100 tỷ USD, tỷ lệ vốn trung bình, thước đo “bộ giảm xóc” mà một ngân hàng có để có thể chịu được các thiệt hại có thể xảy ra, đạt 15,2%, vẫn ở trên mức tối thiểu theo quy định là 4,5%, và cũng cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của 34 ngân hàng tham gia đợt kiểm tra lần này là 9,7%.
Chi nhánh ngân hàng Barclays tại thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong đó, chi nhánh tại Mỹ của Deutsche Bank có tỷ lệ này cao nhất, ở mức 22,8%, trong khi Credit Suisse xếp thứ ba với 20,1%, còn HSBC bị bỏ lại hẳn phía sau trong nhóm các ngân hàng nước ngoài với tỷ lệ 7,7%.
Ngoài ra, bốn ngân hàng châu Âu khác cũng tham gia đợt kiểm tra này là UBS America Holdings, Santander Holdings USA, và BNP Paribas USA.
Qua các đợt "sát hạch" thường niên được tổ chức sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009, Fed sẽ đánh giá tình hình bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sẽ giúp họ ứng phó ra sao với một đợt suy giảm kinh tế nghiêm trọng được giả định.
Kịch bản của năm nay đạt ra giả định nền kinh tế tăng trưởng âm 3,5%, một phần do sự sụt giảm giá trị bất động sản thương mại, và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10%.
Dù kịch bản này được tạo ra trước khi xảy ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và lạm phát tăng mạnh, nhưng các bài kiểm tra này sẽ trấn an các nhà hoạch định chính sách rằng các ngân hàng hàng đầu của châu Âu có đủ “sức đề kháng” để vượt qua một cuộc suy thoái kinh tế tiềm năng trong năm nay hoặc đầu năm 2023./.