Nhiều doanh nghiệp xi măng đã tăng giá bán trước áp lực nguyên liệu đầu vào tăng.
Giá xi măng đồng loạt tăng
Trong tháng 6/2022, Công ty Cổ phần Kinh doanh Xi măng miền Bắc tăng giá bán sản phẩm xi măng Norcem Yên Bình và Xi măng Norcem Mai Sơn sản xuất tại Yên Bình thêm 70 nghìn đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với các chủng loại xi măng bao, rời và bao jumbo.
Giá xi măng tăng cao
Bên cạnh đó, Công ty TNHH TM Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung và Công ty CP Xi măng Tân Quang - VVMI cũng tăng giá 50.000-140.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) tùy chủng loại.
Công ty Xi măng Long Sơn cũng tăng 60.000 đồng/tấn đối với tất cả nhãn hiệu xi măng rời; Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch tăng từ 50.000-80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với xi măng PCB40 bao, rời đa dụng và công nghiệp; Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn tăng thêm 70 nghìn đồng/tấn (đã bao gồm VAT)…
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) và Hiệp hội Xi măng Việt Nam trong tháng 5/2022, giá bán xi măng trong nước tăng khoảng 40.000-80.000 đồng/tấn, tùy từng loại xi măng (PCB30, PCB40…) và thương hiệu xi măng, do than và xăng dầu tăng giá rất lớn; giá xuất khẩu tương đối ổn định.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Trong đó, 66% lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng.
Trong khi giá xi măng tăng, giá thép lại tiếp tục được điều chỉnh hạ. Gần đây, Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức... thông báo hạ giá thép 300.000-500.000 đồng/tấn. Trong hơn một tháng qua, giá thép đã hạ 6 lần với tổng mức giảm hơn 2,5 triệu đồng mỗi tấn, tùy theo thương hiệu và chủng loại. Thép và xi măng có mối tương quan khi cả hai đều là đầu vào quan trọng cho ngành xây dựng.
Nhiều giải pháp cần thiết bình ổn giá vật liệu xây dựng
Dù nhận định giá xi măng tăng theo quy luật thị trường, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần kiểm soát được giá các mặt hàng này. Tức là, phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thanh tra... để biết mức độ tăng giá có hợp lý không. “Là sản phẩm quan trọng thì phải có dự báo cung - cầu. Từ đó có sự điều tiết thương mại, sẽ giảm được cú sốc giá”, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Trước đó để có giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022 của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu các bộ ngành và địa phương vào cuộc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.
Trong đó, Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để "hạ nhiệt" chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đề nghị Quốc hội cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chuyển hướng tìm các nguồn nguyên liệu mới có giá thành rẻ hơn hoặc chuyển sang mua chung nguyên vật liệu để bớt đi các chi phí.
Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia kinh tế cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do chúng ta đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu là “phao cứu sinh” giải quyết tình trạng dư cung ngành giai đoạn 2017-2021.
Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và thiếu điện sản xuất, Chính phủ Trung Quốc đã buộc nhiều nhà máy xi măng phải dừng sản xuất từ năm 2017. Kết quả, Trung Quốc từ nước xuất khẩu clinker số một thế giới trong năm 2016, đến cuối năm 2017 lại trở thành nước nhập khẩu. Hưởng lợi từ xu hướng trên, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã liên tục tăng đạt 45,7 triệu tấn trong năm 2021, tăng 20,2% so với 2020 và gấp 3 lần so với năm 2016.
Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam ở cả sản lượng (24,6 triệu tấn, chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu) và giá trị (918 triệu USD, tương đương 52%) trong năm 2021. Việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm kích thích nền kinh tế sau dịch bệnh đã giúp nhu cầu xi măng và clinker tại quốc gia tỷ dân tăng cao trong năm vừa qua.
Trước áp lực dư cung lớn, xuất khẩu là kênh tiêu thụ quan trọng giúp ngành xi măng Việt Nam giảm áp lực hàng tồn kho và cạnh tranh trong thị trường nội địa.