• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.244,82 -5,50/-0,44%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.244,82   -5,50/-0,44%  |   HNX-INDEX   226,69   -0,17/-0,07%  |   UPCOM-INDEX   92,39   -0,01/-0,01%  |   VN30   1.301,95   -8,51/-0,65%  |   HNX30   486,55   -1,02/-0,21%
13 Tháng Mười Một 2024 8:18:54 SA - Mở cửa
Chiến tranh, khủng hoảng năng lượng và hơn thế nữa…
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp | 04/06/2022 9:05:00 SA
 
Vào ngày 22 tháng 2, nước Đức đã phê duyệt đường ống dẫn khí đốt mới được xây dựng từ Nga và có kế hoạch nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nước như Qatar và Hoa Kỳ. Bỉ cũng xem xét lại việc rút khỏi năng lượng hạt nhân, trong khi Ý, Hà Lan và Vương quốc Anh đều đang tăng tốc nỗ lực lắp đặt năng lượng gió. Các nhà máy sản xuất phân bón trên khắp châu Âu đã thông báo họ sẽ mở rộng quy mô sản xuất và 31 quốc gia trên thế giới đã đồng ý giải phóng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của họ.
 
 
Nhưng, cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã làm chao đảo thị trường và địa chính trị năng lượng, đẩy giá dầu và khí đốt lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ và buộc nhiều nước phải xem xét lại nguồn cung cấp năng lượng của họ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới sang các thị trường toàn cầu, và khí đốt tự nhiên của nước này cung cấp năng lượng cho nền kinh tế châu Âu. 
 
Ngay lập tức, Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, và đã công bố kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của quốc gia đó. Nhưng, ngay cả khi những quả bom của Nga dội xuống Ukraine, dầu và khí đốt của nước này vẫn tiếp tục chảy sang các quốc gia phương Tây, những người đã lên án cuộc chiến.
 
Cuộc chiến đã khiến các nhà lãnh đạo chính trị phải suy nghĩ lại về các kế hoạch năng lượng của họ, vốn có thể có tác động sâu sắc đến một loạt vấn đề, từ cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng đến những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế khí thải nhà kính. Ở đây, một số lựa chọn mà thế giới phải đối mặt, cũng như những tác động tiềm ẩn có thể xảy ra trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ, tương tự như tác động của “cú sốc” dầu mỏ năm 1973.
 
 
Trong những năm 1950 và 1960, Mỹ kiểm soát tới 90% tổng lượng dầu xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Đến năm 1969, sản lượng dầu nội địa của Mỹ đã đạt đỉnh và không thể theo kịp với nhu cầu ngày càng tăng từ các phương tiện giao thông. Mỹ đã phải nhập khẩu 350 triệu thùng mỗi năm vào cuối những năm 1950, chủ yếu từ Venezuela và Canada. Do chi phí vận chuyển và thuế quan, họ không bao giờ mua nhiều dầu từ Trung Đông. Từ năm 1970-1973, nhập khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng gần gấp đôi, đạt 6,2 triệu thùng/ngày vào năm 1973, Trung Đông chiếm tới 66% nguồn cung dầu.
 
Các nước Ả Rập sản xuất dầu đã cố gắng sử dụng dầu làm đòn bẩy để tác động lên các sự kiện chính trị. Lần đầu tiên là Cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 khi Anh, Pháp và Israel xâm lược Ai Cập. Cuộc xung đột đó, người Syria đã phá hoại cả đường ống xuyên Ả Rập và đường ống Iraq - Baniyas, và làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu cho Tây Âu. Lần thứ hai là vào năm 1967, khi chiến tranh giữa Ai Cập và Israel nổ ra, tuy nhiên lần này lệnh cấm vận chỉ kéo dài vài tháng.
 
Mặc dù một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ Ả Rập (OAPEC) ủng hộ việc sử dụng dầu mỏ làm vũ khí để tác động đến kết quả chính trị của cuộc xung đột giữa thế giới Arab và Israel, Ả Rập Xê-Út từ trước đến nay vẫn ủng hộ mạnh mẽ việc tách dầu khỏi chính trị. Người Ả Rập Xê-Út đã cảnh giác với chiến thuật này do nguồn dầu sẵn có từ các nước sản xuất dầu không thuộc thế giới Arab, và các chế độ quân chủ bảo thủ trong khu vực đã phụ thuộc vào sự hỗ trợ của phương Tây để đảm bảo sự tồn tại của họ.
 
Ngày 6/10/1973, Ai Cập tấn công phòng tuyến Bar Lev ở Bán đảo Sinai và Syria tiến hành một cuộc tấn công ở Cao nguyên Golan, cả hai đều đã bị Israel chiếm đóng trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Ngày 12/10/1973, Tổng thống Mỹ Nixon cho phép triển khai Chiến dịch Nickel Grass, một cuộc không vận chiến lược để chuyển vũ khí và vật tư cho Israel nhằm bổ sung những tổn thất về vật chất, sau khi Liên Xô bắt đầu gửi vũ khí tới Syria và Ai Cập. Để trừng phạt việc cung cấp vũ khí cho Israel, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để ngừng cung cấp dầu cho Mỹ và Châu Âu.
 
Ngày 17/10/1973, các nhà sản xuất dầu Ả Rập cắt giảm sản lượng 5% và thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các đồng minh của Israel - Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Rhodesia, Nam Phi và Bồ Đào Nha. Đến tháng 12, sản lượng đã bị cắt giảm xuống còn 25% so với mức của tháng 9. Lệnh cấm vận đã gây ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, hay còn gọi là "cú sốc", với nhiều tác động ngắn hạn và dài hạn đối với nền chính trị và kinh tế toàn cầu, cho đến ngày nay vẫn được coi là lớn nhất trong lịch sử.
 
Khi lệnh cấm vận kết thúc vào tháng 3/1974, giá dầu đã tăng gần 4 lần trên toàn cầu, gây gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh châu Âu, những người đã quy lỗi cho Mỹ vì đã kích động lệnh cấm vận. 
 
 
Cuộc chiến Nga – Ukraine đã nổ ra, cùng với đó là các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh phương Tây gia tăng, đã khiến gián đoạn nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt đến châu Âu. Điều này ngày càng đẩy giá dầu leo thang khiến cả thế giới dường như đang quay cuồng ứng phó với một cuộc khủng hoảng nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát.
 
 
Ngay sau động thái xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga từ Mỹ và các đồng minh châu Âu, giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Giữa tháng 3 năm nay, giá dầu đã tăng hơn 25% trong 5 phiên liên tiếp, mức tăng giá nhanh nhất trong lịch sử. 
 
Hiện tại, Nga là nhà sản xuất xăng dầu lớn thứ ba sau Mỹ và Ả Rập Xê-út, xuất khẩu gần 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2020, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. 
 
 
Ngay sau đó, chính quyền Biden đã phê duyệt việc giải phóng 30 triệu thùng dầu từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, và phối hợp với các quốc gia khác để giải phóng thêm 30 triệu thùng. Động thái này được thiết kế để bổ sung nguồn cung dầu trở lại thị trường để bù đắp cho nguồn cung bị hạn chế từ Nga.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, có thể sẽ có nhiều đợt phát hành trước mắt, đặc biệt là nếu các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất dầu khác bị đình trệ. Và nước Mỹ cũng có thể chuyển sang các nhà sản xuất dầu khác để bù đắp cho nhập khẩu của Nga trên thị trường toàn cầu. Nhưng, hành động này chỉ có thể giúp giảm bớt căng thẳng toàn cầu về nguồn cung dầu trong ngắn hạn.
 
Hiện tại, câu hỏi lớn nhất mà Mỹ và các đồng minh phương Tây phải đối mặt là làm thế nào để cắt đứt hoàn toàn sự phụ thuộc năng lượng của họ vào Nga. Mỹ và Anh là những quốc gia lớn đầu tiên cấm dầu của Nga, nhưng cả hai đều không phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng nhập khẩu này. Hơn nữa, tác động của những hành động như vậy là rất nhỏ vì Nga có thể chuyển hướng dầu đó sang nơi khác trên thị trường toàn cầu một cách đơn giản. 
 
 
Trong khi đó, EU đã nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên, hơn 1/4 lượng dầu và khoảng một nửa lượng than từ Nga vào năm 2019. Và bất chấp những lời hứa táo bạo về việc cắt đứt quan hệ với Nga, các quốc gia Châu Âu cho đến nay vẫn chưa thể “cấm cửa” hoàn toàn nguồn năng lượng của Nga.
 
Nhưng, điều đó có thể thay đổi trong những tháng tới, khi các quốc gia thực hiện kế hoạch đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm dòng chảy của dầu và khí đốt của Nga. Ví dụ, Ba Lan đã tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga vào cuối năm nay, và Đức và Áo đang đặt nền móng cho việc phân phối khí đốt tự nhiên.
 
 
Kế hoạch của Ủy ban châu Âu là tìm cách thay thế 101,5 tỷ mét khối khí đốt của Nga vào cuối năm nay. Việc tăng cường nhập khẩu vào châu Âu từ các nước khác có thể chiếm gần 60% mức giảm đó, và 33% khác sẽ đến từ các biện pháp bảo tồn và sản xuất năng lượng tái tạo mới, kế hoạch cho thấy.
 
 
Theo các nhà quan sát, cuộc khủng hoảng năng lượng nếu xảy ra sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở Đức, quốc gia phụ thuộc vào Nga với khoảng một nửa khí đốt tự nhiên, than đá và hơn một phần ba lượng dầu của nước này. Thách thức trước mắt của Đức là giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên trong lĩnh vực sản xuất điện, vốn đang phức tạp hơn do nước này rút khỏi ngành điện hạt nhân: ba nhà máy hạt nhân cuối cùng của nước này dự kiến đóng cửa trong năm nay.
 
Tuy vậy, sau nhiều tuần bàn thảo và tranh cãi, cuối cùng các nhà lãnh đạo EU cũng đã đưa ra được một quyết định thống nhất khi tuyên bố ngừng nhập khẩu 2/3 lượng dầu từ Nga, nhằm gây sức ép cho Nga chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Lệnh cấm vận nói trên, bao gồm cấm dầu khí của Nga vận chuyển bằng đường biển, cho phép loại trừ trừng phạt lên hàng vận chuyển bằng đường ống.
 
“Đó là một bước tiến lớn đối với những gì mà chúng tôi đã làm ngày hôm nay. Về cơ bản, chúng tôi đã có thỏa thuận chính trị, làm thế nào để loại bỏ hoàn toàn dầu của Nga trong một khung thời gian rõ ràng”, bà von der Leyen cho biết thêm. Trong khi Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đánh giá, động thái này ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến 75% lượng dầu nhập khẩu của Nga và “cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ cho cuộc chiến của họ”.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nga đã lường trước được việc này, nên đã giảm giá dầu khí tới 40% để tìm kiếm khách hàng mới. Hiện nay, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục mua dầu khí của Nga. Do đó, lệnh cấm vận dầu khí của EU đối với Nga có thể sẽ "chẳng đi đến đâu"!
 
 
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn cho thấy sự ủng hộ với Nga mạnh mẽ. Tuy nhiên, Trung Quốc bao giờ cũng vậy, họ luôn "tọa sơn quan hổ đấu" nhằm mục đích "ngư ông đắc lợi". Dù rằng mới đây, họ cũng đã đưa ra lời kêu gọi và nhắc lại lập trường rằng họ đã thúc đẩy các cuộc đàm phán vì hòa bình và tiếp tục làm việc để “kêu gọi các bên chấm dứt các hành vi thù địch, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn hơn và sớm trở lại hòa bình”.
 
 
Trong phát biểu của mình tại hội nghị thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình cũng né tránh vấn đề này và nói về mối quan hệ EU - Trung Quốc dường như đã trở thành lịch sử. Đây là một trong những nơi mà Bắc Kinh coi là hai thị trường lớn thúc đẩy toàn cầu hóa thông qua hợp tác và thúc đẩy sự cởi mở.
 
Quyết định của Trung Quốc đối với lập trường mà nước này đã thực hiện rõ ràng là dựa trên kỳ vọng về lợi ích địa chính trị. Toan tính của Trung Quốc có lẽ là một chiến thắng nhanh chóng của Nga sẽ dẫn đến việc vô hiệu hóa Ukraine và đảm bảo an ninh hơn cho Nga. Điều này sẽ làm tổn hại đến uy tín của Mỹ-NATO và củng cố khối Nga-Trung.
 
Kể từ khi Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, các nhà quan sát bên ngoài đã tự hỏi liệu và ở mức độ nào, Trung Quốc có giúp Nga vượt qua những đòn giáng vào nền kinh tế. Và năng lượng là điểm nổi bật trong các cuộc thảo luận vì một số lý do.
 
Thứ nhất, Nga là nước sản xuất dầu thứ ba thế giới và khí đốt thứ hai thế giới. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ngăn chặn dòng chảy công nghệ và vốn đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, và các thương nhân hiện đang tránh xa các thùng dầu của Nga.
 
Thứ hai, Trung Quốc hiện tại là nhà nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Liệu Bắc Kinh, có nhân cơ hội được thúc đẩy bởi những lo ngại về an ninh năng lượng và cơ hội đảm bảo nguồn cung với giá rẻ, sẽ mua thêm dầu và khí đốt tự nhiên của Nga và trong quá trình này, Nga sẽ tạo ra một huyết mạch kinh tế khác ngoài phương Tây?
 
Trên thực tế, điều này đã xảy ra, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, cả nhà nước và tư nhân, đều đang “âm thầm” đàm phán để mua các loại dầu thô giá rẻ từ Nga. Ngay cả khi dầu thô của Nga hiện đang là một mặt hàng khá nóng, sau khi nước này đã tiến hành chiến dịch quân sự với Ukraine. Hầu hết người mua đều đều tránh xa vì sợ bị tổn hại danh tiếng hoặc vi phạm các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và châu Âu. 
 
 
Chỉ trong vài ba ngày vừa qua, giá dầu thế giới tăng thêm gần 10 USD/thùng dầu, tức hiện tại đã áp sát mức giá gần 120 USD/thùng. Nguyên nhân sâu xa là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nhưng, bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khiến giá dầu “bỏng tay” vào thời điểm này là việc EU đã quyết định cấm 2/3 lượng dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Trong khi nguồn cung trên thế giới tăng không đáng kể, việc loại Nga, một trong những nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, ra khỏi thị trường năng lượng toàn cầu đã khiến giá dầu tăng dữ dội.
 
 
Theo các nhà quan sát, nếu không có giải pháp chính trị để các bên “hạ thang” trong cuộc chiến này thì 120 USD/thùng chắc chắn chưa phải là giá đỉnh của mỗi thùng dầu. Một số dự báo xấu hơn cho rằng trong vòng 6 tháng tới, tức trước khi châu Âu và Bắc Mỹ bước vào mùa đông, giá gas trên thế giới có thể tăng hơn gấp 5 lần từ mức 950 USD/1000 m³ hiện nay lên mức trên 5000 USD/1000 m³, còn dầu có thể chạm mốc 200 USD/1 thùng.
 
Tuy vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất hiện nay. Theo các báo cáo của Liên hợp quốc và Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO), thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất kể từ năm 1945 đến nay, khi trên 200 triệu người trên thế giới đang đối diện với nạn đói.
 
 
Trên thực tế, Nga và Ukraine là hai quốc gia chiếm 30% lượng xuất khẩu ngũ cốc và 80% lượng xuất khẩu dầu hướng dương trên thế giới, nhưng chiến tranh và cấm vận đã khiến họ không thể xuất khẩu ngũ cốc của mình. Trong khi phần lớn lượng xuất khẩu ngũ cốc này là xuất sang khu vực châu Phi và Trung Đông, khu vực mà cái đói lúc nào cũng “nhe răng”. Và việc thiếu lương thực có thể sẽ gây ra nạn đói ở châu Phi và Trung Đông, hệ lụy nhãn tiền của nó sẽ là việc tăng cường những bất ổn và xung đột về chính trị tại các khu vực này.
 
Bên cạnh đó, ở cấp độ toàn cầu, một bức tranh năng lượng màu xám có thể sẽ thúc đẩy một loạt thay đổi của các công ty và quốc gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu khí trên toàn cầu để tăng cường sản xuất. Đặc biệt, Đông Nam Á có thể quay trở lại với than nếu châu Âu thu hẹp thị trường quốc tế về khí đốt tự nhiên hóa lỏng một cách ráo riết. Và sau đó là chính Nga, quốc gia chiếm gần 5% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2020 và không có khả năng tiến tới quá trình khử cacbon trong trường hợp không có sự tham gia kinh tế và chính trị quốc tế.
 
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là người tiêu dùng toàn cầu đã và đang bị tổn thương nặng nề khi cú sốc năng lượng toàn cầu diễn ra.