Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may năm 2022 của Việt Nam dự báo đạt khoảng từ 42 - 43,5 tỷ USD. Với kịch bản tích cực này, xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp dệt may, dù còn nhiều thách thức hiện hữu.
Dây chuyền may quần áo bơi trẻ em xuất khẩu tại xưởng may của Công ty TNHH Hà Đông. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2012 đến nay.
Tăng trưởng của nhóm hàng dệt may ở mức kỷ lục trong tháng 3/2022, đạt 3,05 tỷ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước.
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,3 tỷ USD, tăng 24% trong quý I/2022 và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31%; thị trường Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 7%...
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán:
VGT) Lê Tiến Trường thông tin, Việt Nam đứng đầu trong 27 quốc gia sản xuất dệt may với mức độ hấp dẫn khi đặt hàng năm 2022, với 59/75 điểm theo đánh giá của một tổ chức quốc tế. Kết quả này do nội lực của ngành dệt may Việt Nam, sức hấp dẫn và sự cạnh tranh của ngành, đạt mục tiêu tăng trưởng gần như gấp đôi so với tổng cầu thế giới, cùng với đó là việc cải thiện thị phần của dệt may Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí đến hết năm. Những tín hiệu này được phản ánh phần nào vào kết quả kinh doanh trong quý I vừa qua khi nhiều doanh nghiệp báo lãi.
Quý I/2022, Vinatex công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lợi nhuận tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 5.152 tỷ đồng, bằng 144,2% so với cùng kỳ và đạt 28,5% kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỷ đồng, bằng 173,9% so với quý I năm trước và bằng 39,6% kế hoạch năm.
Mới đây, Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán:
TCM) công bố doanh thu tháng 4 đạt 393 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, mảng may đóng góp 78%, vải 14% và sợi 7%. Lãi sau thuế tăng nhẹ 1%, đạt 19,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch doanh thu hơn 4.180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 253,8 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 18% và 77% so với kết quả thực hiện trong năm 2021.
Theo Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, năm 2022 sẽ là một năm khởi sắc hơn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và doanh nghiệp này nói riêng. Thị trường bán lẻ quần áo thế giới đã dần hồi phục sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm dần nhờ vào việc bao phủ vaccine. Đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Bên cạnh tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp dệt may vẫn phải đối mặt với thách thức đáp ứng đơn hàng. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đó là vấn đề chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ.
Cùng với đó, việc mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Việc thiếu nguyên phụ liệu trong ngắn hạn sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn khi đáp ứng đơn hàng cho đối tác...
Để đối mặt với những thách thức này, các doanh nghiệp đã có những chiến lược trong dài hạn. Như Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã chủ động mở rộng công suất tạo dư địa tăng trưởng khi dự kiến đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với 1.500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm. Sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Riêng về vấn đề nguồn cung nguyên phụ liệu, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vndirect nhận định, đây có thể là nguyên nhân khiến đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp may mặc sẽ chậm lại vào năm 2022, nhất là các doanh nghiệp sử dụng sợi bông cho quá trình sản xuất.
Nhận định này được Vndirect đưa ra trong bối cảnh giá bông dự kiến sẽ tăng 15% vào năm 2022 do vụ thu hoạch kém ở Mỹ và Ấn Độ. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng bông của Mỹ giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi khối lượng bông của Ấn Độ trong vụ mùa 2021 - 2022 được dự báo giảm 4% so với cùng kỳ do cây trồng ở các bang sản xuất bị thiệt hại do mưa lớn trong mùa thu hoạch.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/6, cổ phiếu ngành dệt may đã phục hồi theo đà chung của thị trường, cổ phiếu
VGT có giá 19.700 đồng/đơn vị, cổ phiếu
MSH có giá 80.800 đồng/đơn vị và cổ phiếu
TCM đứng giá 61.300 đồng/đơn vị.