VnDirect cho rằng chứng khoán Việt Nam khó có thể lọt vào danh sách theo dõi để phân loại lại thành thị trường Mới Nổi trong đợt đánh giá tháng 6/2023, khi hệ thống giao dịch mới chưa ấn định ngày ra mắt và cần nhiều thay đổi về nghị định/thông tư liên quan đến công bố thông tin tiếng Anh và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cho người nước ngoài...
Đánh giá về phân loại thị trường MSCI và cơ hội cho Việt Nam lên thị trường mới nổi, theo VnDirect, Morgan Stanley Capital International (MSCI) trong đánh giá phân loại thị trường hàng năm vào tháng 6 năm 2022 đã xếp loại thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ở trạng thái Thị trường Cận biên.
Trong báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu MSCI 2022, MSCI duy trì tất cả các đánh giá của mình đối với thị trường chứng khoán Việt Nam từ lần xem xét tháng 6 năm 2021, tập trung vào giới hạn sở hữu nước ngoài và tiêu chí công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Ảnh minh họa.
Đối với giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL): MSCI nhấn mạnh về việc nới room tại Việt Nam vẫn ảnh hưởng đến hơn 10% thị trường chứng khoán Việt Nam và hơn 1% IMI của MSCI Việt Nam bị ảnh hưởng bởi room ngoại thấp.
Trong kịch bản cơ sở của VnDirect, thị trường chứng khoán Việt Nam khó có thể lọt vào danh sách theo dõi để phân loại lại thành thị trường Mới Nổi trong đợt đánh giá tháng 6 năm 2023 khi hệ thống giao dịch mới chưa ấn định ngày ra mắt và cần nhiều thay đổi về nghị định/thông tư liên quan đến công bố thông tin tiếng Anh và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cho người nước ngoài.
Trong trường hợp này, kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được thêm vào danh sách theo dõi để phân loại lại từ trạng thái thị trường Cận Biên sang trạng thái Thị trường mới nổi tại kì đánh giá phân loại thị trường hàng năm của MSCI vào tháng 6 năm 2024. Sau đó, việc Việt Nam sẽ được đưa vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi MSCI có thể được công bố vào tháng 6 năm 2025.
Đối với phân loại thị trường FTSE Russell: Đối với FTSE, tại cuộc đánh giá phân loại quốc gia tạm thời vào T3/22, Việt Nam vẫn không đáp ứng tiêu chí ‘Chu kỳ thanh toán (DvP)’, hiện được đánh giá là ‘Hạn chế’. Không có thay đổi nào đối với hệ thống giao dịch nhằm cải thiện tiêu chí Chu kỳ thanh toán, chúng tôi kỳ vọng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được duy trì trong danh sách theo dõi để phân loại lại thành thị trường Mới Nổi trước đợt tái phân loại quốc gia hàng năm vào tháng 9 năm 2022.
Việt Nam đang có tỷ trọng lớn nhất trong cả chỉ số thị trường cận biên của MSCI và chỉ số thị trường cận biên (Frontier 50) của FTSE với tỷ trọng quốc gia lần lượt là 28,5% và 29,8%. Trong đó, 5 công ty trong 10 công ty hàng đầu trong chỉ số thị trường cận biên MSCI và 8/50 công ty trong chỉ số thị trường cận biên FTSE (Frontier 50 Index) là những công ty niêm yết của Việt Nam.
An Nhiên