Mặc dù Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu ngành dệt may, tuy nhiên việc phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất đang trở thành vấn đề trăn trở đối với ngành dệt may, bất kể nhiều nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Tại báo cáo cập nhật triển vọng thị trường tháng Bảy, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho đưa ra nhận định về thị trường dệt may, theo đó, ACBS đánh giá triển vọng dài hạn của ngành dệt may ở mức tích cực, trong khi trung lập đối với triển vọng ngắn hạn.
ACBS nhận định, dệt may là một trong những trụ cột xuất khẩu quan trọng tại Việt Nam khi đóng góp khoảng 12% vào tổng giá trị xuất khẩu trên cả nước. Trong đó, Mỹ, các nước CPTPP và EU là những khách hàng lớn nhất.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có thị phần xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ gia tăng trong những năm gần đây trong khi thị phần của Trung Quốc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hiện tại sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu điển hình như là Trung Quốc đang trở thành vấn đề trăn trở đối với các thành viên trong ngành trong nhiều năm qua bất kể nhiều nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Trong khi đó, lợi thế về chi phí lao động có thể không bền vững khi nhiều đối thủ khác đang nổi lên, do đó, ngành cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về cải thiện tỷ lệ giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc và nguyên liệu nhập khẩu (mà vẫn phải đảm bảo an toàn môi trường), tăng sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn,
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể không tác động trực tiếp đáng kể đến ngành vì giá trị xuất khẩu hàng dệt may vào hai thị trường này vẫn rất nhỏ (xuất khẩu dệt may vào Nga chiếm khoảng 1% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2021). Tuy nhiên, sự căng thẳng này cộng với việc phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc gây áp lực lên chuỗi cung ứng của nhiều ngành trong đó có dệt may.
Về hình thức sản xuất, ACBS chỉ ra, gia công theo hình thức CMT vẫn là loại đơn hàng phổ biến nhất mà các nhà sản xuất Việt Nam nhận được, tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà sản xuất cố gắng tiếp cận các loại đơn hàng cao hơn như FOB trong chuỗi giá trị của ngành để nâng cao biên lợi nhuận.
Về triển vọng của ngành dệt may trong thời gian tới, mặc dù dịch bệnh diễn biến khó lường trên quy mô toàn cầu, nhiều quốc gia vẫn đang hướng đến những nỗ lực phục hồi kinh tế. Do đó, khả năng đơn hàng dệt may giảm sâu lần nữa có thể khá thấp. Trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu là 38-39 tỷ USD cho kịch bản xấu nhất, 40-41 tỷ USD cho kịch bản trung bình và 42,5-43,5 tỷ USD cho kịch bản tốt nhất.
"Trong viễn cảnh dài hơn, chúng tôi kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò không chỉ là trụ cột quan trọng trong xuất khẩu của cả nước mà còn là nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới. Việt Nam được xem là một trong những địa điểm sản xuất hấp dẫn với chi phí lao động thấp và lực lượng lao động lớn," ACBS kỳ vọng.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại (FTA) cũng là những động lực đáng kể, có thể giúp các sản phẩm dệt may Việt Nam thu hẹp khoảng cách thuế so với một số đối thủ. Tuy nhiên, có thể ngành sẽ phải trải qua một quá trình khá dài để cải thiện các điểm yếu và đáp ứng các yêu cầu của FTA trước khi được hưởng lợi đáng kể.