• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.231,94 +3,61/+0,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:25:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.231,94   +3,61/+0,29%  |   HNX-INDEX   221,87   +0,11/+0,05%  |   UPCOM-INDEX   91,27   -0,23/-0,26%  |   VN30   1.290,19   +3,52/+0,27%  |   HNX30   469,82   +0,01/+0,00%
22 Tháng Mười Một 2024 1:27:32 CH - Mở cửa
Giá lên xuống thất thường, chăn nuôi heo vẫn đón dòng vốn lớn
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 20/07/2022 8:24:57 SA
Những năm gần đây, giá heo hơi diễn biến lên xuống thất thường, nhưng không vì thế mà làm giảm nhiệt của dòng vốn đầu tư nghìn tỷ từ các "đại gia" đổ vào ngành chăn nuôi này. Tuy nhiên, để gia tăng sức cạnh tranh, các nhà đầu tư cần vạch ra những chiến lược rõ ràng về đa dạng hóa sản phẩm thịt heo, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu thay vì chỉ tập trung ở thị trường nội địa. 
 
UBND tỉnh Gia Lai vừa chấp nhận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Quy mô dự án bao gồm các loại cây ăn trái với tổng diện tích gần 1.550ha và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi 24.000 con heo giống, 560.000 con heo thịt trên diện tích 108 ha. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 1.852 tỷ đồng, trong đó hơn 538 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và vốn hỗ trợ từ HAGL là 1.313 tỷ đồng.
 
1 triệu con heo ăn chuối của Bầu Đức
 
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, thừa nhận doanh nghiệp cần tiền đầu tư để mở rộng và đẩy nhanh việc sản xuất nhằm đạt mục tiêu 1 triệu con heo và 7.000ha chuối.
 
"Thật sự khi chuyển giao HAGL Agrico, tôi cảm thấy hụt hẫng nhưng vì mục tiêu xây dựng lại HAGL lần này là để đầu tư đủ 7.000 ha chuối, đủ 16 cụm trang trại heo vào năm 2023, nói chung là nếu muốn năm 2023 đạt được kế hoạch 1 triệu con heo thì phải triển khai đầu tư, xây dựng từ bây giờ", ông Đức nói.

Nhiều dự án khủng đầu tư vào ngành chăn nuôi heo. 
 
Bầu Đức chia sẻ thêm, vì xây dựng kế hoạch 1 triệu con heo nên HAGL phải xây 1 nhà máy giết mổ công suất 3.000 con/ngày. Trước đây, công ty dự kiến bán heo hơi cho lò mổ nhưng sau khi nghiên cứu thị trường một thời gian thì nhận thấy số lượng lò mổ hiện nay còn thiếu, trong khi HAGL có nguồn lực nên quyết định thành lập Công ty cổ phần BAPI HAGL với sự tham gia của đối tác có kinh nghiệm và xây dựng hệ thống phân phối thông qua công ty này với kế hoạch xây dựng 5.000 điểm phân phối. Như vậy, lợi nhuận năm 2023 của HAGL sẽ có thêm lợi nhuận từ công ty này, bên cạnh đó sẽ tiến đến làm nhà máy sản xuất xúc xích, dăm bông, heo 1 nắng để đa dạng hóa sản phẩm từ heo.
 
Về lộ trình, Bầu Đức cho hay, khoảng tháng 7 khi HAGL đăng ký xong thương hiệu thì sẽ công bố, hiện tại chỉ bán heo hơi, sau khi xây xong nhà máy giết mổ thì sẽ bán ra sản phẩm mang thương hiệu của HAGL ra thị trường. 
 
Chủ tịch HAGL cũng khẳng định sẽ xây dựng nhà máy giết mổ với quy mô tầm cỡ, còn về xuất khẩu thì thị trường chưa có nhiều, do vậy sẽ tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. "Riêng thị trường Việt Nam tiêu thụ mỗi năm 35 triệu con heo thì việc tiêu thụ 1 triệu con heo HAGL là không có vấn đề gì, trong khi chất lượng thịt heo HAGL ngon. Trước mắt, heo tập trung thị trường trong nước, xuất khẩu sẽ nghiên cứu sau", ông Đức cho hay. 
 
Theo ông Đức, nuôi 1 triệu heo phải trồng thêm 2.000 ha chuối, đối tác cạnh tranh hiện nay về quỹ đất và chuối có thể ví dụ là Thagrico, còn đơn vị khác là cực kỳ khó cạnh tranh vì không thể có quỹ đất mà trồng chuối đại trà nên tại Việt Nam chỉ có HAGL nuôi được heo ăn chuối với quy mô lớn, và đó chính là lợi thế. Việt Nam hiện nay tiêu thụ 35 triệu con heo/năm nên 1 triệu heo của HAGL cũng không thấm gì và muốn tăng sản lượng heo thì phải tăng diện tích chuối.
 
Đến năm 2025, Việt Nam có 10-12 chuỗi sản xuất liên kết lớn
 
Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Năm 2021, tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn heo của cả nước.
 
Năm 2021, tổng đàn heo thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi heo quy mô lớn đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước như: Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (C.P, Japfa Comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.
 
Thời gian qua, dòng vốn khủng từ các doanh nghiệp lớn liên tiếp đổ vào ngành chăn nuôi heo. Không chỉ dự án của Bầu Đức, đầu năm nay, Công ty CP vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã ký kết hợp tác phát triển chăn nuôi heo với mục tiêu đạt 1 triệu con heo đến năm 2028 tại các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào. Tổng vốn đầu tư của liên doanh là 3.000 tỷ đồng, trong đó TSC đóng góp 55% và Dabaco góp 45%. Trước đó, Dabaco cũng đầu tư trang trại nuôi heo thịt và heo giống tại Thanh Hóa với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
 
Năm 2021 cũng chứng kiến nhiều thương vụ khủng trong ngành chăn nuôi như GreenFeed Việt Nam hoàn tất huy động 1.000 tỷ đồng từ đối tác ngoại để mở rộng mảng chăn nuôi heo cạnh tranh với các "ông lớn". GreenFeed dự kiến sẽ tăng sản lượng heo thịt lên đến 750.000 con vào năm 2023. Tương ứng sẽ cung cấp hơn 125.000 tấn thịt heo/năm cho thị trường Việt Nam.
 
Trước đó, năm 2020, De Heus cũng hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư hàng loạt dự án tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk, DHN Gia Lai, DHN Lâm Đồng... Quy mô các dự án của 2 tập đoàn này lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hay như Masan đã đầu tư nhà máy giết mổ tại Hà Nam và Vĩnh Long…
 
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong vài năm nữa, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ có bước chuyển mạnh. Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi với công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi khép kín, đặc biệt là có chế biến sâu.
 
Riêng đối với ngành hàng thịt heo, Bộ NN&PTNT chỉ đạo xây dựng ngành hàng theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có 10-12 chuỗi sản xuất liên kết lớn; Hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi heo theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
 
Theo đánh giá từ Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi heo Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn gần 100 triệu dân, khách du lịch 15-18 triệu lượt/năm và có thể tăng lên trong những năm tới. Hơn nữa, thịt heo là loại thực phẩm được yêu thích và là một trong những loại thực phẩm chính sử dụng hàng ngày của người Việt Nam. Đây chính là cơ hội rất lớn để ngành chăn nuôi heo phát triển hiệu quả. Ngoài ra, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia là các thị trường tốt cho Việt Nam xuất khẩu thịt heo choai, heo sữa.
 
Tất nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó, có các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTTP, EVFTA; ngoài ra, Việt Nam cũng ký kết các hiệp định song phương với nhiều nước có nền chăn nuôi tiến tiến. Do vậy, việc sản phẩm chăn nuôi nói chung và sản phẩm thịt heo nói riêng của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn khi buộc phải mở cửa cho thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ và Đức và sản phẩm nhập khẩu sẽ cạnh tranh mạnh với sản phẩm trong nước.
 
Trong khi đó, đến nay, chăn nuôi heo của Việt Nam chưa phát triển được các thương hiệu heo bản địa, đặc hữu. Theo thống kê, hiện cả nước có 24 giống heo bản địa với nhiều đặc tính sinh học quý và chất lượng thịt thơm ngon. Các giống lợn bản địa được phân bố khắp các vùng sinh thái cả nước. Tuy vậy, số lượng lợn bản địa ngày càng suy giảm, nguồn gen quý ngày càng mai một. Rõ ràng, việc phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế) trong chăn nuôi heo chưa được khai thác.