Trong bối cảnh nhiều thuận lợi, loạt doanh nghiệp thủy sản đồng loạt công bố lợi nhuận quý II/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, thậm chí có doanh nghiệp còn lập kỷ lục mới.
Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, kim ngạch đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40%, trong đó xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD (tăng 33%), xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD (tăng 83%).
Đồng loạt báo lãi lớn
Những con số trên phần nào cho thấy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong quý II/2022 sẽ tiếp tục “rực rỡ”, tiếp nối đà tăng trưởng từ quý I.
Tháng 6 vừa qua là tháng đầu tiên trong năm nay xuất khẩu tôm tăng trưởng âm (Ảnh: Int)
Mới đây, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (
IDI) công bố kết quả kinh doanh quý II với lãi sau thuế cao kỷ lục: gấp 18 lần cùng kỳ, ở mức gần 203 tỷ đồng nhờ giá cá xuất khẩu tăng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, I.D.I ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.727 tỷ đồng, tăng gần 46%, trong đó doanh thu cao nhất đến từ các sản phẩm cá tra với hơn 2.002 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế là 431 tỷ đồng, tăng 11,5 lần so với cùng kỳ.
Trước đó, Thực phẩm Sao Ta (
FMC) - đơn vị thành viên Tập đoàn
PAN (
PAN) cho biết, doanh thu quý II đạt 1.411 tỷ đồng, tăng 22%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 114 tỷ đồng, tăng 50% và đây cũng mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty. 6 tháng đầu năm,
FMC ghi nhận doanh thu tăng 29% lên 2.738 tỷ đồng, lãi ròng tăng 42% đạt 161 tỷ đồng.
Cũng là đơn vị thuộc Tập đoàn
PAN, Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (
ABT) báo cáo doanh thu quý II đạt 178 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; lãi ròng 32 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1,1 tỷ cùng kỳ năm trước. Bán niên, doanh thu công ty đạt gấp 2,2 lần lên 312 tỷ đồng, lãi ròng gấp đôi lên 39,5 tỷ đồng.
Tương tự, Thủy sản Nam Việt (
ANV) thông báo doanh thu quý II đạt 1.294 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm trước, đạt 241 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, doanh thu đạt 2.514 tỷ đồng, tăng 40%; lãi ròng 447 tỷ đồng, gấp 5 lần.
Trong khi đó, Thủy sản Mekong (
AAM) ghi nhận lợi nhuận đạt 8,8 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 3 tỷ cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm, doanh nghiệp chuyển từ lỗ 4,2 tỷ đồng sang lãi 10,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (
VHC) công bố doanh thu hợp nhất đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 80,4%; lãi ròng 784 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và thiết lập kỷ lục mới. Lũy kế 6 tháng, doanh thu
VHC đạt 7.494 tỷ đồng, tăng 81%; lãi ròng 1.332 tỷ đồng, gấp 3,4 lần. Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 132% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu có dấu hiệu chững lại
Có thể thấy, trong bối cảnh thuận lợi như nhu cầu phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường xuất khẩu lớn, nhiều đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021… đã giúp hầu hết doanh nghiệp thủy sản báo lãi trong 6 tháng đầu năm 2022, thậm chí có những doanh nghiệp còn lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, nhu cầu đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5 khi hầu hết các công ty thủy sản cho biết, tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản đang bước vào mùa thấp điểm.
Riêng với mảng tôm, tháng 6 là tháng đầu tiên trong năm nay, xuất khẩu tôm tăng trưởng âm, đạt gần 416 triệu USD, giảm 1% sau 5 tháng liên tục tăng trưởng 2 con số. Lý do là bởi lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân Mỹ, khiến họ chi tiêu tiết kiệm hơn, và tôm được coi là thực phẩm cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ có phần chững.
“Tồn kho tại trị trường Mỹ đã ở mức cao. Kết hợp với lạm phát, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản có thể giảm tốc trong quý III”, VASEP dự báo.
Trong báo cáo mới nhất về ngành thủy sản, SSI Research đã hạ P/E mục tiêu cho mảng thủy sản từ 9x xuống 8x để phản ánh tăng trưởng xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại từ nửa cuối năm 2022. Trong đó, mảng collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn giảm từ 13x xuống 12x và chỉ đưa ra khuyến nghị trung lập với cổ phiếu
VHC.
Theo quan sát của VnBusiness, trên thị trường chứng khoán, thực tế triển vọng kém khả quan của ngành thủy sản dường như đang dần được phản ánh vào giá cổ phiếu khi từ đầu tháng 6 đến nay, nhóm cổ phiếu thủy sản đang có dấu hiệu “đi lùi” sau giai đoạn tăng mạnh trước đó nhờ lực đẩy từ mức tăng trưởng đột biến của các doanh nghiệp thủy sản.
Chẳng hạn, tính từ phiên 6/6 đến chốt phiên ngày 27/7, cổ phiếu
VHC giảm từ 114.500 đồng/cp về 78.800 đông/cp (-31%); cổ phiếu
ANV giảm từ mức 60.800 đồng/cp về 43.600 đồng/cp (-28%), cổ phiếu
FMC giảm từ 68.800 đồng/cp về 50.000 đồng/cp (-27%)…
Nhìn chung, những dự báo về xuất khẩu thủy sản trong quý III có thể giảm tốc, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận sắp tới của các doanh nghiệp thủy sản, cho thấy trước mắt, nhóm cổ phiếu thủy sản khó có thể tạo "sóng" như đã từng diễn ra trong quý vừa qua. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trở lại vào tháng 9 và quý IV/2022 do nhu cầu tăng lên để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ và cổ phiếu thủy sản có thể sẽ tích cực trở lại trước kỳ vọng này.