Chững đơn hàng do nhu cầu chi tiêu giảm ở các thị trường là tình trạng chung nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt.
Theo thống kê 06 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may với 22,3 tỷ USD. Cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành chủ lực với mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ giữa quí II, những biến động về thị trường, lạm phát trên thế giới đang khiến đà tăng trưởng này chậm lại.
Trước đây, Xí nghiệp 8 Chi nhánh Cẩm Thủy, Tập đoàn Hồ Gươm ký trung bình mỗi hợp đồng với đối tác từ Mỹ may từ 300.000 - 400.0000 quần trẻ em thời trang. Dù là sản phẩm thế mạnh nhưng từ quý II, số lượng đơn hàng chỉ còn dưới 200.000 chiếc, chiếm chỉ 20% tổng sản lượng xuất khẩu.
Đơn hàng dệt may chững lại.
"Dự kiến từ nay đến cuối năm chưa có gì khả quan. Thường trước đây phía đối tác luôn nôn nóng lấy hàng, hàng sản xuất đến đâu là hết đến đấy nhưng đến thời điểm hiện tại họ rất thờ ơ chưa có nhu cầu", ông Khương Văn Tài - Giám đốc Xí nghiệp 8 Chi nhánh Cẩm Thủy, Tập đoàn Hồ Gươm cho hay.
Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 06 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 03 tháng. Theo các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và người dân thắt chặt chi tiêu.
Lý giải về tình trạng này, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thắt chặt chi tiêu là một phần. Phần lớn lượng hàng tồn kho của phía đối tác châu Âu, Mỹ là quần áo mặc thiết yếu ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát người dân hạn chế ra ngoài, nay lượng hàng này dồn lại. Ngoài ra, nhu cầu chuyển sang các mặt hàng quần áo công sở, du lịch, hoạt động ngoài trời khiến doanh nghiệp sẽ mất thời gian xử lý hàng tồn.
Ông Lưu Tiến Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay: "Chuỗi cung ứng giờ thay đổi rất nhanh. Hiện chúng ta không thể dự báo, hay việc có kế hoạch dài hạn trước 1 - 2 năm giờ rất khó. Thực tế này đòi hỏi các nhà máy sẽ phải thích ứng, chuyển đổi mô hình sản xuất, tay nghề của người lao động, công nghệ thích ứng với mặt hàng mới thị trường mới".
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, việc ùn ứ, chậm đơn hàng chỉ diễn ra cục bộ ở một số nhóm mặt hàng nhất định khi mà nhu cầu tiêu dùng đang định hình lại. Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, kể cả các mặt hàng cao cấp veston, áo khoác, đồ thể thao, leo núi vẫn đang giữ được đơn hàng tốt.