Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Nhựa Tiền Phong đạt 2.802 tỷ, lợi nhuận sau thuế hơn 326 tỷ, lần lượt tăng 22% và 20% so với nửa đầu năm ngoái.
Vượt lên khó khăn, tiếp tục tăng trưởng
Trong mấy năm trước, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid nhưng thị phần của Nhựa Tiền Phong vẫn giữ vững do có lợi thế lớn khi chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu cùng với việc kiểm soát chặt các chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mô hình thử nghiệm lưu lượng thoát nước giữa ống uPVC lõi xoắn và ống thoát nước thông thường.
Tuy nhiên, theo ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, năm 2022 ngành nhựa gặp nhiều thách thức khi giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao nhất trong vòng một thập kỷ qua do ảnh hưởng từ giá xăng dầu và sự khan hiếm nguồn cung, trong khi ngành nhựa hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Nhựa Tiền Phong sẽ khó có được lợi thế mua nguyên liệu giá rẻ như năm 2021 vì vậy phải có những điều chỉnh về giá thành phẩm để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, mức độ tăng trường của doanh nghiệp và quyền lợi của các bên liên quan.
Mặc dù vậy, với chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, dịch bệnh được kiểm soát tốt đã hạn chế tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất. Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty Nhựa Tiền Phong cho biết, để khai thác tối ưu năng lực thị trường, trong năm 2022, Nhựa Tiền Phong đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm phục vụ cho các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, xây dựng dân dụng, thủy sản, giao thông, công trình ngầm hóa của ngành điện, cấp thoát nước… Công ty đã triển khai liên tục việc khảo sát thị trường tại các khu vực để bám sát tình hình và xây dựng các chính sách thị trường linh hoạt, tăng cường gắn kết với các chủ đầu tư, thầu thợ tại các tỉnh thông qua các chương trình hội thảo, đồng thời, hợp tác với các tập đoàn lớn để đưa ra các sản phẩm cạnh tranh và tiếp cận những thị trường mới, nâng tầm Nhựa Tiền Phong sánh ngang với các thương hiệu quốc tế.
Trong thời gian vừa qua, Nhựa Tiền Phong cũng đã cung cấp cho Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ống HDPE DN 1.400 - 1.600 dẫn nước biển từ ngoài khơi xa vào bờ để nuôi thủy sản. Nhựa Tiền Phong cũng đang hợp tác với Sekisui để nghiên cứu công nghệ sản xuất ống và phụ tùng C.PVC - một dòng sản phẩm mới sử dụng cho hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Với định hướng chiến lược tốt và những nố lực của đội ngũ cán bộ công nhân viên của Nhựa Tiền Phong, công ty đã có những bước tiến vượt bậc trong 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, theo báo cáo tài chính Quý II/2022 của Nhựa Tiền Phong, doanh thu thuần đạt 1.717 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 2.802 tỷ, lợi nhuận sau thuế hơn 326 tỷ, lần lượt tăng 22% và 20% so với nửa đầu năm ngoái.
Tri ân cộng đồng
Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty Nhựa Tiền Phong cho biết, Nhựa Tiền Phong sẽ tiếp tục đổi mới, cải tiến, tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản trị doanh nghiệp, tăng cường sức bền và tính linh hoạt, tạo ra nhiều cơ hội phát triển trong dòng chảy của thời đại mới.
Song hành với việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh, Nhựa Tiền Phong cũng luôn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Chương trình "Cầu nối yêu thương" được triển khai từ tháng 10/2017, đến nay Nhựa Tiền Phong cùng với nhóm thiện nguyện Từ Tâm đã xây dựng được 100 cây cầu, với tổng kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Khánh thành cầu nối yêu thương số 57 tại Bến Tre
Ngoài chương trình “Cầu nối yêu thương”, Nhựa Tiền Phong còn đồng hành với Chương trình "Trái tim cho em". Công ty đã hỗ trợ cho 50 ca mổ tim, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng.
Quỹ Cánh diều xanh do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam và Nhựa Tiền Phong thành lập cũng đã trợ giúp trẻ em dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống tại các tỉnh miền núi phía Bắc và hỗ trợ Chương trình Nâng cao chất lượng điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2020 - 2022….