• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 7:33:51 CH - Mở cửa
Hà Nội: Vietcombank ôm hơn 5.000m2 “đất vàng”, liên tục điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng với mục đích gì?
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 05/07/2022 9:15:00 CH
Khu “đất vàng” rộng hơn 5.000m2 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại ngã 5 Trần Thái Tông có 3 mặt tiền, thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy “bỏ hoang” 14 năm đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng, chưa bị thu hồi, xung quanh quây tôn kín mít, phía trong cỏ cây um tùm. Chủ đầu tư nhiều lần thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, nhưng vẫn không đưa đất vào sử dụng. Liệu đây có phải là “chiêu trò” để “ôm đất” hay đơn giản là mục đích tăng chiều cao, tăng mật độ?
 
 
Dự án trụ sở chính Vietcombank bỏ hoang 14 năm, liên tục điều chỉnh tổng mặt bằng.
 
Được biết, khu đất vàng rộng hơn 5.000m2 nằm tại ngã 5 Trần Thái Tông, giao Tôn Thất Thuyết, Phạm Văn Bạch (đối diện Cung tri thức Thủ đô) có 3 mặt tiền, thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy của Vietcombank được Thành phố Hà Nội giao từ năm 2008 để xây dựng trụ sở chính.
 
Nhiều người đánh giá đây là khu “đất vàng” đắt giá của quận Cầu Giấy tại thời điểm tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2008, lô đất có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng “thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc”.
 
Vietcombank là cái tên được xướng lên trong phiên đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích xây dựng trụ sở làm việc. Đơn vị này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được bàn giao đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để trở thành chủ nhân của khu đất vàng đắt giá tại đường Trần Thái Tông, Vietcombank đã bỏ ra hơn 265 tỷ đồng. Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ khu đất này vẫn chưa có dấu hiệu đầu tư, xây dựng, xung quanh vẫn quây tôn, có chỗ có logo Vietcombank nhưng đã cũ, xộc xệch, phai màu theo thời gian, bên trong khu đất cỏ cây um tùm, không có bóng dáng nhà đầu tư, thi công, mỗi lần đi qua khu đất nhiều người không khỏi xót xa.
 
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất, nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.
 
Trước đó vào tháng 10/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai, nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng.
 
Theo Báo cáo số 20/BC-HĐND về kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND Thành phố thực hiện Kết luận giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, HĐND Thành phố Hà Nội cho biết, tính đến tháng 5/2021 trên địa bàn Thành phố có 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó có dự án của Vietcombank đã nằm “đắp chiếu” 14 năm nay?.
 
 
Cỏ cây um tùm phía trong hàng rào quây tôn.
 
Theo Luật sư Lê Hữu Linh – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội: Căn cứ Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.
 
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng có buổi làm việc với đại diện truyền thông của Vietcombank, tuy nhiên chúng tôi chỉ nhận được lời đề nghị báo chí hỗ trợ, không đăng tải nội dung về dự án mà không nhận được các thông tin liên quan đến dự án cũng như hồ sơ pháp lý liên quan.
 
Trao đổi với ông Vũ Trung Kiên – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy được biết, dự án trụ sở Vietcombank đã điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng nhiều lần, hiện nay quận vẫn đang tiếp tục điều chỉnh theo văn bản của thành phố giao, dự kiến 1-2 tháng nữa xong thì chủ đầu tư có thể tiến hành xin Giấy phép xây dựng, thực hiện các bước tiếp theo. Cũng tại buổi làm việc, phóng viên được biết sau nhiều lần điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng, dự án trụ sở Vietcombank nếu được chấp thuận sẽ có chiều cao thay đổi từ 15 tầng lên 34 tầng, 4 tầng hầm.
 
Khi được hỏi vì sao dự án này đã chậm đưa đất vào sử dụng 14 năm, nhưng vẫn không bị thu hồi? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Trung Kiên cho rằng, dự án không dừng triển khai hẳn mà đã điều chỉnh rất nhiều lần, chủ đầu tư liên tục gửi văn bản xin ý kiến cơ quan chức năng điều chỉnh, hiện vẫn đang tiếp tục điều chỉnh (tức là dự án thực tế chưa đầu tư xây dựng trên thực địa, nhưng vẫn liên tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, do vậy đủ điều kiện để không bị thu hồi – PV). Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, vậy có phải trong 14 năm qua, các lần chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh có đáp ứng điều kiện để không bị thu hồi theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 không? Ông Kiên cho rằng, trong thời gian chủ đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh nhiều lần, nay chuẩn bị bước phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, sau đó triển khai cấp Giấy phép xây dựng.
 
Trong thực thế, rất nhiều các dự án ở Hà Nội cũng thực hiện tương tự, ban đầu xin chủ trương 1 đằng, sau này liên tục xin điều chỉnh, đến khi thực hiện dự án thì khác xa so với dự án ban đầu. Theo một diễn biến khác, mới đây Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành Kết luật Thanh tra số 39, chỉ ra hàng loạt dự án được điều chỉnh “bừa” tại tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu hệ lụy là quá tải hạ tầng, nhiều tòa nhà chiều cao tăng gấp đôi, gấp 3, mật xây dựng tăng, thiếu diện tích đất cây xanh, trường học, trạm y tế… Và, câu chuyện tương tự có lẽ sắp xảy ra tại dự án trụ sở chính Vietcombank Cầu Giấy, nếu được chính quyền chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng.
 
Vẫn còn đó những tranh cãi, ai đúng, ai sai, trách nhiệm thế nào, xử lý ra sao đối với các dự án vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận Thanh tra, nhưng hậu quả để lại là những bài học, rất cần được xem xét, tính toán. Để tránh đi vào vết xe đổ, thiết nghĩ Thành phố Hà Nội, quận Cầu Giấy phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng dự án trụ sở chính Vietcombank Cầu Giấy và các dự án tương tự khác. Cần thiết, phải kiên quyết thu hồi nếu các dự án cố tình trây ì, trì trệ, lợi dụng việc đề xuất điều chỉnh để kéo dài thời gian ôm đất, chậm đất vào sử dụng.