Báo tài chính Financial Times đưa tin giá điện ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp bốn lần do chi phí khí đốt tăng cao.
Theo đó, ngày 5/7, giá điện ở châu Âu đã chạm mức cao nhất kỷ lục mọi thời đại với nguyên nhân là do khí đốt tự nhiên tăng cao trong bối cảnh bất ổn nguồn cung của Nga.
Nguồn điện phụ tải cơ bản của Đức để giao vào năm tới - thước đo dịnh giá tiêu chuẩn của châu Âu - được giao dịch ở mức 334 USD mỗi megawatt giờ (MWh). Con số này đã vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập hồi tháng 12/2021. Tháng 7 năm ngoái, giá điện chỉ hơn 83 USD/MWh.
Financial Times cho biết thêm giá điện ở Pháp đã tăng gấp đôi lên 377 USD/MWh kể từ đầu năm.
Giá điện hiện chịu ảnh hưởng bởi chi phí khí đốt tự nhiên, được sử dụng để sản xuất điện. Giá khí đốt ở châu Âu lần đầu tiên vượt quá 1.800 USD/nghìn mét khối kể từ đầu tháng 3 vào hôm 5/7, do công nhân dầu khí ở Na Uy đình công đòi tăng lương dẫn đến sản lượng bị sụt giảm.
Theo Financial Times, tình hình thiếu điện đã trở nên trầm trọng hơn sau khi hàng loạt nhà máy hạt nhân của Pháp phải tạm đóng cửa để bảo trì. Vì vậy, các nước láng giềng đã tiêu thụ thêm khí đốt để sản xuất điện cho đất nước mình.
Ngoài ra, đường ống dẫn khí Nord Stream 1 giữa Nga và Đức cũng sẽ đóng cửa để bảo trì vào tuần tới. Moskva đã phải giảm dòng chảy qua đường ống xuống 60% vào tháng trước vì các vấn đề kỹ thuật do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra, nhưng nhiều người ở EU lo ngại rằng sau khi dự kiến ngừng hoạt động, dòng chảy này sẽ không được mở van trở lại.
Trước cuộc khủng hoảng năng lượng trên, Đức đã khởi động giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp gồm ba cấp vào tháng trước. Trong giai đoạn thứ ba, giới chức địa phương sẽ phải phân chia lượng khí đốt cho các hộ gia đình và các khu công nghiệp. Một ban quản lý nhà ở ở vùng Sachsen vừa thông báo phân chia sử dụng nước nóng cho người dân. Thành phố Hamburg cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự.