Giá thịt lợn tăng cao tại Trung Quốc vừa có nguy cơ đe dọa mục tiêu lạm phát và làm phức tạp các nỗ lực kích thích tăng trưởng ở nước này.
Nhiều chuyên gia và người chăn nuôi lợn đều tin rằng, giá thịt lợn sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới. Đồ họa: Bloomberg
Theo hãng Goldman Sachs Group Inc, với sức ép lạm phát vẫn đang tăng mạnh trên khắp các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là đợt tăng giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể đẩy tăng trưởng giá tiêu dùng lên trên mục tiêu 3% của ngân hàng trung ương.
Dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách nhưng vẫn phải bảo đảm không có nguy cơ lạm phát ngoài tầm kiểm soát.
Giá thịt lợn tại quốc gia đông dân số nhất thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2019, sau khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát, với ước tính thiệt hại khoảng 225 triệu con lợn chỉ trong vòng một năm.
Theo Bloomberg, nhằm kiềm chế giá thịt lợn đang có khả năng tăng cao trở lại, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch quản lý số lượng tổng đàn lợn cả nước trực tiếp đến tận từng hộ chăn nuôi, khuyến khích các ngân hàng cho người chăn nuôi vay tái và khởi đàn, đồng thời bán thịt lợn từ nguồn dự trữ nhà nước.
Tuy nhiên theo giới phân tích, những chiến thuật này đang tiềm ẩn nguy cơ sẽ phải đối mặt với những “sóng gió” khó lường.
Cụ thể là trong thời gian giá thịt lợn cao hoặc trong một thị trường có xu hướng tăng giá, nhiều người sẽ tích trữ nguồn cung. Một khi giá thịt lợn tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nó có thể sẽ gây ra hiệu ứng suy giảm niềm tin khi kỳ vọng thay đổi.
Lin Guofa, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn Nông nghiệp Bric cho biết: “Thị trường luôn tự củng cố. Khi mọi người tin rằng giá sẽ tăng, họ có xu hướng tích trữ, và mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng một khi kỳ vọng đảo ngược, giá cũng có thể giảm sâu hơn”.
Bloomberg giải thích, cung và cầu đóng một vai trò lớn trong bối cảnh giá cả hiện tại, do nguồn cung lợn con của Trung Quốc đã sụt giảm khá mạnh vào năm ngoái, dẫn đến việc nhiều trang trại giết mổ nhiều đầu lợn nái hơn. Do đó, sự thiếu hụt nguồn thịt lợn tươi trong thời gian gần đây đã trở nên rõ ràng hơn, khi Trung Quốc dần dỡ bỏ và nới lỏng các lệnh hạn chế về chính sách Zero Covid.
Dự báo, sản lượng thịt lợn có khả năng sẽ không sớm tăng lên tại Trung Quốc do người chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với nguyên liệu giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khiến lợi nhuận trên mỗi đầu lợn giảm đi, cũng như mong muốn tăng- tái đàn giảm.
Với việc chi phí thức ăn gia tăng và thanh lý lượng hàng tồn kho của người chăn nuôi lợn, cùng với nhu cầu gia tăng từ việc mở lại các nhà hàng sau khi đóng cửa do đại dịch Covid-19, Even Pay, một nhà phân tích tại công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh nói: “Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy giá thịt lợn tăng cao hơn”.
Liệu Trung Quốc có chuyển sang các biện pháp quyết liệt hơn để giữ áp lực lạm phát ở gần mức mục tiêu hay nước này sẽ cắt giảm bao nhiêu lượng hàng dự trữ trước khi nhìn ra bên ngoài và tăng nhập khẩu thịt lợn? Câu hỏi này hiện vẫn đang để ngỏ.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc hầu như thoát khỏi tình trạng lạm phát tiêu dùng gây ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế lớn, tuy nhiên điều đó có thể bắt đầu thay đổi khi giá thịt lợn tăng. Bắc Kinh đã nỗ lực kiểm soát giá hàng hóa trong hơn một năm qua vì đại dịch và sau đó là cuộc chiến ở Ukraine gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu từ đồng đến than. Nhưng sự gia tăng giá thịt lợn hiện nay dường như là sự khởi đầu của một chu kỳ nội địa đã được thiết lập tốt, thường kéo dài ba hoặc bốn năm.