Nga sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu một turbine cho đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 đang trong quá trình bảo dưỡng ở Canada được trả lại.
Đây là điều kiện để Nga tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu do Điện Kremlin tuyên bố vào ngày 8/7.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc rằng Nga đang sử dụng dầu khí để gây sức ép chính trị. Ông Peskov nhấn mạnh, việc đóng đường ống để bảo trì Dòng chảy phương Bắc 1 theo kế hoạch trong tháng 7 này là sự kiện thường kỳ, theo lịch trình và không có ai bịa ra bất kỳ hoạt động sửa chữa nào.
Trước đó, hãng tin Reuters (Anh) cho biết, Ukraine phản đối việc Canada trả lại turbine cho Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, cho rằng động thái này sẽ vi phạm lệnh trừng phạt các nước phương Tây được áp đặt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chính phủ Đức lo ngại, việc đóng đường ống dẫn khí đốt này không chỉ kéo dài từ 10 ngày như phía Nga thông báo mà có nguy cơ đóng vĩnh viễn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các nước châu Âu trong việc lấp đầy các kho chứa khí trước mùa đông tới.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng không loại trừ nguy cơ hết nguồn cung từ Nga. Goldman Sachs thừa nhận, việc khôi phục hoàn toàn dòng khí của Dòng chảy phương Bắc 1 sau khi bảo dưỡng không phải là phương án khả dĩ nhất. Do đó, ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ này dự kiến giá khí đốt sẽ duy trì ở mức khoảng 153 Euro/MWh (hơn 155 USD/MWh) trong quý III/2022.
Hiện tại, giá nhiên liệu thô tại sàn giao dịch trực tuyến TTF của Hà Lan là gần 180 Euro (182 USD), trong khi giá trong nửa đầu tháng 6 còn chưa bằng một nửa con số này.
Cho đến nay, châu Âu phụ thuộc khoảng 40% vào khí đốt của Nga. Cụ thể, riêng năm 2021 châu Âu đã nhập khẩu từ Nga 155 tỷ m3. Công suất của Dòng chảy phương Bắc 1 cung cấp 1/3 lượng nhập khẩu này.
Trong khi đó, lượng nguyên liệu thô của Nga xuất sang châu Âu đang ngày càng giảm dần. Theo spglobal.com, trong tháng 6, lượng khí đốt chảy qua các tuyến đường ống chính ít hơn 41% so với tháng 5 và những khách hàng lớn nhất của Nga tại châu Âu như Uniper của Đức, Eni (Italy) và OMV (Áo) đều cảm nhận rõ sự sụt giảm này.
Ngoài ra, không chỉ òng chảy phương Bắc 1, đường ống Yamal chạy qua Belarus và Ba Lan cũng đã bị đóng cửa hoàn toàn vào tháng 6 và chỉ chảy hạn chế qua Ukraine.