Thị trường chuyển xấu rất nhanh chiều nay nhưng thực ra lực bán đã phát tín hiệu khá rõ từ sáng khi “cơn” hưng phấn nhất nguội dần đi. Thanh khoản phiên chiều chỉ tương đương buổi sáng, nhưng cổ phiếu rơi xuống mặt bằng giá thấp hơn nhiều và số mã giảm áp đảo.
Thị trường chuyển xấu rất nhanh chiều nay nhưng thực ra lực bán đã phát tín hiệu khá rõ từ sáng khi “cơn” hưng phấn nhất nguội dần đi. Thanh khoản phiên chiều chỉ tương đương buổi sáng, nhưng cổ phiếu rơi xuống mặt bằng giá thấp hơn nhiều và số mã giảm áp đảo.
Thay đổi lớn nhất là độ rộng của VN-Index và tín hiêu này không phụ thuộc nhiều vào diễn biến của chỉ số, vốn có thể được cân bằng phần nào bằng các cổ phiếu trụ. Số lượng mã giảm giá tăng rất nhanh ngay đầu phiên chiều và kết phiên đã là 136 mã tăng/319 mã giảm.
VN-Index không mất nhiều điểm do các cổ phiếu lớn nhất bù trừ cho nhau, nhưng các cổ phiếu khác thì giảm khá mạnh.
VN-Index giảm chưa tới 5 điểm trong phiên hôm nay, tương đương 0,35% so với tham chiếu, nhưng có lẽ là một tín hiệu ảo. Riêng sàn HoSE có tới 113 cổ phiếu giảm trên 2% và gần 60 mã khác giảm trong biên độ 1%-2%. Về mặt điểm số thì thị trường vẫn như thể đang đi ngang và dao động hẹp như những phiên gần đây, nhưng cổ phiếu thì biến động lớn hơn nhiều.
Nguyên nhân là do các mã trụ vẫn đang làm tốt nhiệm vụ luân phiên nâng đỡ. Cặp đôi VCB và GAS hôm nay cực tốt khi tăng 1,24% và 1,98%. Mức tăng này cũng không phải là mạnh, nhưng vốn hóa thì lại rất hiệu quả. Đặc biệt cổ phiếu lớn nhất thị trường là VCB, trong nhịp giảm quyết định thậm chí rơi về sát tham chiếu, trước khi lại được kéo ngược lên vài phút cuối. Nếu không có nỗ lực ở VCB thì VN-Index đã giảm 0,85% tương đương mất xấp xỉ 11 điểm.
Ngoài VCB và GAS, VIC cũng ảnh hưởng tốt với mức tăng 1,54%, MSN tăng 0,95% và VRE tăng 1,76%. Thực ra nhóm VN30 lại là các mã ổn định nhất, chỉ số đại diện rổ giảm nhẹ 0,38% với 11 mã tăng/18 mã giảm. Trong khi đó Midcap giảm 1,22% với 14 mã tăng/53 mã giảm, Smallcap giảm 1,49% với 51 mã tăng/145 mã giảm.
Yếu nhất trong nhóm VN30 là NVL giảm 2,28%, VNM giảm 1,93%, VPB giảm 1,66%, HPG giảm 1,68%, MBB giảm 1,47%, GVR giảm 1,4%. Rõ ràng là trọng số vốn hóa của nhóm giảm không hoàn toàn áp đảo được nhóm tăng, nhưng số lượng lại đủ nhiều để khiến VN-Index mất điểm.
Các cổ phiếu lớn đang thay nhau đỡ điểm cho VN-Index.
Hiện tượng chỉ số giảm nhẹ hơn cổ phiếu là một trạng thái ngược ở chiều tăng. Những tuần qua VN-Index đi lên không nhiều, chỉ trên dưới 10% kể từ đáy, nhưng cổ phiếu thì rất nhiều mã tăng 25-30%, thậm chí 40-50%. Nhu cầu chốt lời ở lợi suất cao như vậy là hoàn toàn bình thường. Những mã tăng mạnh thời gian qua phiên này quay đầu điều chỉnh mạnh.
Diễn biến tiêu biểu là nhóm cổ phiếu chứng khoán. Thanh khoản tăng vọt lên mức kỷ lục của VCI sau khi giá tăng hơn 66% và hôm nay quay đầu giảm 5,45%. HCM giảm 1,65%, VND giảm 1,13%... các mã nhỏ hơn như WSS, ORS, VIG, CTS, APG, VIX, BSI giảm trên 3% giá trị.
Trên toàn thị trường hôm nay có 25 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 200 tỷ đồng trở lên, thì chỉ có 4 mã tăng giá là STB tăng 1,2%, HAG tăng 4,27%, CII tăng 2,22% và PVS tăng 1,98%. Với 136 cổ phiếu sàn HoSE vẫn xanh, hẳn phải có nhiều mã vẫn giao dịch tốt. Tuy nhiên nhóm này không thay đổi được thực tế là số lớn gấp nhiều lần các cổ phiếu khác giảm giá, thậm chí giảm mạnh và nguy cơ nhà đầu tư chứng kiến tài khoản mất tiền hôm nay là lớn hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay lại bán ra nhiều hơn mua vào. Cụ thể, giá trị mua thêm trên sàn HoSE khoảng 575,8 tỷ đồng trong khi bán thêm 667,2 tỷ đồng. Do đó vị thế giao dịch cả ngày co lại còn mua ròng 73,9 tỷ đồng. HNX được mua ròng gần 55,5 tỷ tập trung vào PVS nhưng UpCOM lại bị bán ròng xấp xỉ 51 tỷ ở BSR.
Nhìn chung giao dịch của khối ngoại không ảnh hưởng nhiều lên giá cổ phiếu, chủ đạo vẫn là nhà đầu tư trong nước. VNM bị bán gần 105 tỷ đồng ròng nhưng lượng bán cũng chỉ chiếm gần 47% tổng thanh khoản. VCI bị xả ròng 73,2 tỷ nhưng lượng bán chưa tới 11% thanh khoản.
Điểm nổi bật hôm nay là thanh khoản gia tăng rất mạnh với 19.805 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn, tăng 37% so với hôm qua. Tính chung các sàn và cả thỏa thuận, giá trị giao dịch đạt hơn 22,5 ngàn tỷ đồng, cao nhất kể từ tuần đầu tháng 5/2022. Thanh khoản gia tăng mạnh và cổ phiếu điều chỉnh trên diện rộng xác nhận áp lực chốt lời gia tăng một cách quyết liệt.