Được đánh giá là "ngôi sao mới" của ngành xây dựng Việt Nam với hàng loạt các dự án và chiến lược thâu tóm nhiều tên tuổi lớn trong ngành xây dựng, nhưng những năm gần đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (sau đây gọi là Tuấn Lộc) lại chủ yếu sống nhờ vào việc đầu tư tài chính. Khoản nợ phình to cũng là điểm đáng lưu ý đối với hoạt động của doanh nghiệp này.
Đại gia 8x gốc Nghệ An Trần Tuấn Lộc
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc được thành lập vào năm 2005 với tên gọi Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tuấn Lộc. Đến năm 2008, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng công nghiệp, hệ thống cung cấp nước sạch, bê tông cốt thép...
Tuấn Lộc do 4 cổ đông sáng lập, trong đó ông Trần Tuấn Lộc (sinh năm 1981, quê ở Nam Đàn, Nghệ An) là chủ tịch HĐQT và sở hữu 60% cổ phần. Các cổ đông còn lại góp vốn vào Tuấn Lộc gồm ông Trần Tuấn Long (sở hữu 15%), ông Nguyễn Trường Sơn (sở hữu 15%) và bà Nguyễn Thị Bình (sở hữu 10%).
Ông Trần Tuấn Lộc là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc.
Doanh nghiệp có trụ sở tại 362/14 đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Người đại diện pháp luật hiện nay của Tuấn Lộc là ông Bùi Thái Hà. Ông Hà đồng thời cũng đang giữ chức Tổng giám đốc tại doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp được điều hành bởi đại gia 8X Trần Tuấn Lộc này từng được xem là "ngôi sao mới" của ngành xây dựng Việt Nam với hàng loạt các dự án và chiến lược thâu tóm nhiều tên tuổi lớn trong ngành xây dựng.
Một số dự án lớn có sự tham gia của doanh nghiệp này như khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (Đồng Nai), khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An), cầu Sài Gòn 2, thầu phụ thi công dự án cao tốc TP. HCM – Long Thành - Dầu Giây, cầu Cổ Chiên, một số gói thầu thuộc dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (TP. HCM)…
Ngoài ra, Tuấn Lộc còn được biết đến với vai trò nhà đầu tư tham gia dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (hơn 2.700 tỷ đồng), cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (gần 10.000 tỷ đồng), dự án BT Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến Quốc lộ 1K, TP. Biên Hòa (518 tỷ đồng).
Tuấn Lộc cùng Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính còn là liên danh thực hiện dự án cầu Bách Lẫm nối Quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có giá trị hơn 500 tỷ đồng...
Những năm qua, Tuấn Lộc đẩy mạnh hoạt động đầu tư trên phạm vi cả nước và hợp tác nước ngoài. Nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư, Tuấn Lộc đã không ngừng tăng vốn điều lệ trong các năm gần đây. Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của công ty đã đạt 4.180 tỷ đồng.
Tuấn Lộc cũng rất tích cực thâu tóm hoặc đầu tư vào các công ty trong ngành xây dựng, nhất là các đơn vị nhà nước mới cổ phần hóa. Có thể kể đến như cảng Nghệ Tĩnh, khu công nghiệp Hiệp Phước, Sonadezi Giang Điền, Vật liệu Xây dựng Biên Hòa, Tổng công ty xây dựng số 1, Cienco 4…
Tuấn Lộc hiện đang là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp có quy mô “khủng”. Cụ thể, doanh nghiệp này nắm giữ 19% vốn điều lệ của Tổng công ty Xây dựng số 1 (
CC1); 33,33% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC); 33% tại Công ty Cổ phần Sonadezi Giang Điền; 17,17% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam; 9,6% vốn điều lệ Công ty Cồ phần Vật liệu xây dựng Biên Hòa (
BBC); 21,35% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh và nhiều doanh nghiệp khác.
Trước đó, Tuấn Lộc đã từng nắm giữ 51,5% cổ phần của Cienco 4 - một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường, hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, sau đó công ty này đã thoái toàn bộ vốn vào đầu năm 2016.
Doanh nghiệp xây dựng nhưng sống nhờ đầu tư tài chính
Theo dữ liệu của VietnamFinance, tài sản của Tuấn Lộc trong 3 năm gần đây liên tục nở ra một cách đầy ấn tượng. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2021, từ ngưỡng 5.000 tỷ đồng, tài sản của doanh nghiệp tăng lên gần 5.400 tỷ đồng, rồi cán mốc hơn 6.200 tỷ vào năm ngoái.
Trong khi tài sản ngắn hạn có xu hướng giảm, thì tài sản dài hạn của Tuấn Lộc ngày càng được bồi đắp và chiếm phần lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp này.
Xét về tài sản ngắn hạn, các khoản phải thu của Tuấn Lộc trong 3 năm qua luôn neo ở mức 1.100 – 1.500 tỷ đồng. Hàng tồn kho được tiết giảm từ 550 tỷ (2019), xuống còn 353 tỷ (2020), rồi tăng trở lại mức 444 tỷ vào năm ngoái.
Tài sản dài hạn của Tuấn Lộc trong giai đoạn 2019 – 2021 lần lượt chiếm từ 60%, 55% và 68% tổng tài sản của doanh nghiệp này. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở khoản đầu tư tài chính.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc nắm giữ 33,33% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước. (Ảnh minh họa)
Trong 3 năm qua, Tuấn Lộc lần lượt đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào công ty con và các công ty liên doanh, liên kết. Khoản đầu tư này lần lượt ở mức 2.944 tỷ đồng (2019), 2.649 tỷ đồng (2020) và gần 4.000 tỷ đồng (2021). Các khoản đầu tư tài chính này chính là “cứu cánh” cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này (sẽ nói tiếp ở phần dưới).
Trở lại với nguồn vốn của Tuấn Lộc, nhờ có màn tăng vốn chủ đầy ấn tượng trong 3 năm qua, nên hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Tuấn Lộc được cải thiện đáng kể (từ 1 xuống còn 0,4 lần). Cụ thể, vốn chủ sở hữu của Tuấn Lộc liên tục được gia cố từ mức 2.630 tỷ đồng vào năm 2019, lên 3.120 tỷ đồng vào năm 2020 và 4.228,8 tỷ đồng vào năm 2021.
Ngược chiều với vốn chủ, nợ phải trả của Tuấn Lộc cũng có xu hướng giảm trong giai đoạn này, từ mức 2.437 tỷ vào năm 2019, xuống còn 2.259 tỷ vào năm 2020. Tính đến tháng 12/2021, nợ phải trả của doanh nghiệp là 1.978 tỷ đồng.
Cơ cấu nợ của Tuấn Lộc chủ yếu là nợ ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải trả ngắn hạn và nợ vay ngắn hạn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp tăng mạnh trong 3 năm qua, từ mức 256 tỷ (2019), lên 787 tỷ (2020) và 867 tỷ (2021). Tính chung sau 3 năm, nợ vay ngắn hạn của Tuấn Lộc đã tăng gấp 3,5 lần.
Ở chiều ngược lại, nợ dài hạn của Tuấn Lộc được tiết giảm đáng kể, đặc biệt là nợ vay dài hạn. Từ mức 648 tỷ đồng vào năm 2019, nợ vay dài hạn của Tuấn Lộc đã giảm hơn một nửa, xuống còn 303,5 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, nợ vay dài hạn của doanh nghiệp chỉ còn 267,6 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của của Tuấn Lộc có nhiều thay đổi, trong đó hoạt động chính là xây dựng công trình đã tăng trưởng chậm lại trong 3 năm gần đây, một phần bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phần khác do thay đổi chiến lược đầu tư.
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp tuy thăng giáng trong giai đoạn 2019 – 2021, nhưng lợi nhuận thu về lại cực kỳ hiệu quả. Theo đó, doanh thu thuần của Tuấn Lộc năm 2019 ở mức 456,3 tỷ đồng, rồi tăng trưởng gần gấp đôi lên 800 tỷ đồng vào năm 2020. Dù vậy, đến năm ngoái, lợi nhuận của doanh nghiệp lại sụt giảm còn 461 tỷ đồng.
Do giá vốn bán hàng luôn neo ở mức cực kỳ cao nên lợi nhuận gộp của Tuấn Lộc trong giai đoạn này chỉ lần lượt còn 8 tỷ, 22 tỷ và 80 tỷ đồng.
Tài trợ chính cho lợi nhuận của Tuấn Lộc trong 3 năm gần đây lại là hoạt động đầu tư tài chính. Cụ thể, hoạt động tài chính mang về cho doanh nghiệp khoản doanh thu 383,4 tỷ đồng vào năm 2019; 676 tỷ đồng vào năm 2020 và 576,4 tỷ đồng vào năm 2021. Đây là khoản thu từ lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia từ hoạt động đầu tư tài chính đã được đề cập ở phần trên.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí (tài chính và quản lý doanh nghiệp), Tuấn Lộc lần lượt lãi sau thuế 260,5 tỷ đồng vào năm 2019; 489,7 tỷ đồng vào năm 2020. Năm ngoái, doanh nghiệp báo lãi hơn 511 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh đầy mơ ước của các doanh nghiệp trong 3 năm qua, khi phải đương đầu với đại dịch Covid-19.
Thế chấp ngân hàng từ ô tô đến quyền đòi nợ
Một điểm đáng chú ý nữa trong bức tranh tài chính của Tuấn Lộc chính là vấn đề dòng tiền. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp cho thấy trong giai đoạn 2019 – 2021, dòng tiền kinh doanh của công ty chỉ dương vào năm 2019, còn 2 năm sau đó đều rơi vào tình trạng âm ngày một nặng, lần lượt âm 62,1 tỷ đồng vào năm 2020 và âm gần 200 tỷ đồng vào năm 2021.
Dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Để bù đắp dòng tiền, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, hoặc thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.
Với Tuấn Lộc, doanh nghiệp này chọn giải pháp tăng cường đi vay. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến việc nợ vay của công ty tăng mạnh trong các năm qua, đặc biệt là trong các năm 2020 – 2021.
Dữ liệu mà VietnamFinance có được cho thấy, trong năm 2020 – 2021, Tuấn Lộc đã đem thế chấp hàng loạt tài sản tại nhiều ngân hàng. Có thể kể đến như toàn bộ cổ phần thế chấp (61.713.400 cổ phần), chiếm 40% vốn điều lệ tại Công ty Cổ Phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vào tháng 3/2020; 18.299.281 cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam (
VPD) vào tháng 12/2020. Cũng trong tháng 12/2020, Tuấn Lộc cũng thế chấp quyền tài sản đối với phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV ĐT XD KCN Nhơn Trạch 6A…
Sang đầu năm 2021, Tuấn Lộc cũng đem thế chấp 1 xe Toyota Fortuner 7 chỗ ngồi tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Bình Chánh. Doanh nghiệp cũng đem thế chấp các quyền tài sản đối với phần vốn góp của mình tại nhiều doanh nghệp khác.
Trong năm nay, Tuấn Lộc đã tiếp tục thế chấp 1 xe ô tô con nhãn hiệu Toyota Fortuner có biển số 51H-884.72. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng thế chấp một loạt quyền đòi nợ khối lượng xây lắp hình thành trong tương lai tại các dự án của mình.
Năm 2017, dư luận xôn xao vụ việc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc tặng xe sang cho Tỉnh ủy Nghệ An. Cụ thể, doang nghiệp này đã ban hành quyết định về việc tặng xe cho Tỉnh uỷ Nghệ An, tạo điều kiện về phương tiện để phục vụ đi công tác, nhất là ở các huyện miền Tây Nghệ An và đối ngoại. Chiếc xe trao tặng mang thương hiệu Toyota Land Cruiser VX mới 100% với trị giá là hơn 2,7 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Tỉnh uỷ Nghệ An đã có công văn về việc tiếp nhận xe phục vụ công tác, đồng thời uỷ quyền cho Văn phòng Tỉnh uỷ làm thủ tục tiếp nhận. Địa phương này cũng đã tổ chức buổi lễ trao tặng chiếc “xe sang” này của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc.
Sau khi dư luận xôn xao về chiếc xe được trao tặng, Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định việc tặng xe ô tô cho Tỉnh ủy là việc hoàn toàn tự nguyện của công ty, được đại hội đồng cổ đông công ty thống nhất và quyết định. Tỉnh ủy Nghệ An đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý tiếp nhận, đăng ký xe, hạch toán kế toán giá trị tài sản sử dụng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Đến năm 2020, Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An đã bán đấu giá chiếc xe này với giá bán 2,2 tỷ đồng. Chiếc xe đã được một người đàn ông ở TP. HCM mua lại sau gần 2 năm Sở Tài chính Nghệ An thông báo bán đấu giá.