Xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ 8,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của HSBC và thị trường.
Ảnh minh họa: BHRS
Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố báo cáo kinh tế mới có tên “Vietnam at a Glance”, trong đó đưa ra một số nhận xét và nhận định về tình hình lạm phát, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Bên ngoài xấu
Theo HSBC, sau mức tăng trưởng ấn tượng 17% trong sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu nửa sau năm với đà tăng thấp hơn so với kỳ vọng.
Cụ thể, xuất khẩu tăng nhẹ 8,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của HSBC và thị trường (HSBC: 26,6%). Nguyên nhân chính là do lĩnh vực điện tử tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là mặt hàng điện thoại.
Mặc dù xu hướng này không hẳn là một bất ngờ trong bối cảnh lạm phát tác động lên thu nhập thực tế và sự dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ ở phương Tây, điều đáng ngạc nhiên chính là ảnh hưởng của nó được thể hiện trong dữ liệu thương mại của Việt Nam.
Thật vậy, kết quả quý 2 của Samsung cho thấy nhu cầu đối với hàng điện tử tiêu dùng đang suy yếu, ảnh hưởng đến mảng điện thoại thông minh, TV và các sản phẩm khác. Tuy nhiên, dệt may và da giày lại tăng trưởng mạnh, đạt 30% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi.
Do TP.HCM và các khu vực lân cận phải trải qua giai đoạngiãn cách nghiêm ngặt trong quý 3/2021, hiệu ứng cơ sở có thể sẽ kéo dài qua hết quý 3/2022. Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã dự báo tình hình đơn hàng sắp tới sẽ sụt giảm, làm dấy lên câu hỏi về khả năng trụ vững của các mặt hàng này còn duy trì được bao lâu.
Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu cũng giảm, chỉ tăng nhẹ 3,4% so với mức tăng hai con số trong những tháng trước. Một phần nguyên nhân là do giá năng lượng giảm, nhờ vậy làm giảm các hóa đơn nhập khẩu hàng hóa như sắt thép, than đá và dầu thô. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến điện thoại lại giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này có thể gia tăng sự đình trệ trong chu kỳ điện tử tiêu dùng.
Mặc dù tăng trưởng cả xuất và nhập khẩu đều không nhiều nhưng cán cân thương mại vẫn đi ngang trong tháng 7. Như HSBC đã nhấn mạnh trước đây, Việt Nam có khả năng sẽ có năm thứ hai liên tiếp thâm hụt tài khoản vãng lai, gây áp lực đối với đồng Việt Nam.
Ngoài ra, chỉ số PMI cũng đang có dấu hiệu đi theo xu hướng tương tự. Mặc dù vẫn ở ngưỡng mở rộng, PMI tháng 7 giảm nhẹ xuống 51,2 điểm. Các chỉ số chính, bao gồm đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm bớt.
Nội lực vẫn mạnh
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cho thấy hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn hầu hết các nước trong khu vực, đặc biệt khi phần lớn châu Á chứng kiến sự thu hẹp về đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Các doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng nhiều lao động hơn, chỉ số lao động việc làm tăng lần thứ tư liên tiếp. Mặc dù tăng trưởng sản xuất có thể chậm lại trong những tháng tới, nhưng vẫn duy trì triển vọng tích cực.
Bất chấp bức tranh bên ngoài kém tươi sáng, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặt hái thành công nhất định. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ ghi nhận mức cao kỷ lục hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, đà tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Đặc biệt, doanh số các ngành liên quan đến du lịch rất đáng lưu ý, chứng kiến mức tăng trưởng hai con số bốn tháng liên tiếp.
Khi nói đến du lịch, những tháng mùa hè không làm chúng ta thất vọng. Việt Nam đã thu hút hơn 350.000 khách du lịch quốc tế trong tháng 7, gấp ba lần so với mức trung bình hàng tháng trong nửa đầu năm 2022, đưa tổng lượt khách đến Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại lên 1 triệu (Biểu đồ 10). Khách du lịch đến từ Hàn Quốc (25%), châu Âu (13%) và Mỹ (10%) chiếm gần một nửa tổng số du khách, sau đó là tới nhóm khách du lịch đến từ các nước ASEAN với sự quan tâm ngày càng gia tăng.
Tổng cục Du lịch Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu 5 triệu khách du lịch cho năm nay, tìm cáchhợp tác nhiều hơn với các đại sứ nước ngoài và thực hiện các chiến dịch du lịch, đồng thời nhắm đến các thị trường mới như Ấn Độ và Trung Đông. Thật vậy, Việt Nam đang cấp 6.000 visa mỗi ngày cho khách du lịch Ấn Độ, cao hơn nhiều so với con số 250 trước đại dịch.
Tuy nhiên, một vấn đề đang dần hữu hình là khả năng nguồn cung lao động liệu có thể theo kịp với nhu cầu gia tăng hay không, vì một số địa điểm du lịch nổi tiếng đã được báo cáo là chưa mở cửa trở lại hoàn toàn do thiếu hụt lao động.
Áp lực lạm phát sẽ mạnh hơn
Lạm phát toàn phần tăng 0,4% so với tháng trước, tương đương với 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, gần như khớp với dự báo của HSBC nhưng hơi thấp so với dự báo chung của thị trường (HSBC: 3,0%; Bbg: 3,3%; Trước đó: 3,4%).
Đà lạm phát giảm nhẹ trong tháng 7 do chi phí vận tải giảm. Một phần là do giá dầu giảm nhưng nguyên nhân cũng bao gồm việc giảm thuế môi trường đối với các loại nhiên liệu khác nhau vào đầu tháng 7, với thuế xăng và diesel giảm một nửa xuống mức tương ứng 1.000 đồng/lít và 500 đồng một lít.
Tuy nhiên, thực phẩm tiếp tục gây bất ngờ với mức tăng 1,4% so với tháng trước. Ngoại trừ giá gạo ổn định, các mặt hàng khác đều tăng giá đáng kể, từ thịt lợn và dầu ăn đến rau củ, do chi phí vận chuyển và thức ăn chăn nuôi cao hơn.
Ngoài lương thực, lạm phát cơ bản tiếp tục phục hồi, phản ánh tình hình tiêu dùng hộ gia đình được cải thiện. Do đó, mặc dù lạm phát tương đối thấp, nhưng vẫn cần theo dõi sát đà lạm phát. Theo HSBC, áp lực lạm phát sẽ mạnh hơn bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, đẩy lạm phát toàn phần tạm thời vượt mức trần 4% của NHNN trong một vài quý.
Tình hình này làm dấy lên câu hỏi về thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhìn chung, đây là một trong số ít các ngân hàng trung ương châu Á chưa bắt đầu chu kỳ thắt chặt.
Tuy nhiên, mặc dù giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,0%, nhưng lãi suất trên thị trường mở đã được đẩy lên 3,8% vào ngày 26/7, từ mức 2,5% trước đó. Trong bối cảnh Fed đang tiếp tục thắt chặt, HSBC tin rằng động thái này là một tín hiệu theo hướng thắt chặt, nhưng trước hết bằng cách rút bớt thanh khoản. HSBC kỳ vọng quý 3 sẽ là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt của NHNN, có thể là 50 điểm (tăng lãi suất PV).