Thông tin về việc mì ăn liền Omachi của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), thành viên của Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) chứa chất Ethylen Oxyde và không đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương yêu cầu Masan Consumer báo cáo cụ thể. Chuyên gia cảnh báo, dùng nhiều chất Ethylen Oxyde có thể gây ung thư và các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường ở quốc gia đó.
Trước thông tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm thuộc Cơ quan Y tế và phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện mì ăn liền Omachi xuất xứ từ Việt Nam, có chất cấm ethylene oxide (EO), đại diện Bộ Công Thương cho biết, đã nắm thông tin này từ báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Đài Loan và đang xử lý theo quy định.
Bộ Công Thương yêu cầu Masan báo cáo vụ 1,4 tấn mỳ Omachi bị tiêu hủy do có chất cấm
Ngày 23/08 vừa qua, hãng tin CNA Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm thuộc Cơ quan Y tế và phúc lợi Đài Loan (TFDA) phát hiện mì ăn liền Omachi có chất cấm EO xuất xứ từ Việt Nam do Masan sản xuất và xuất khẩu.
Trong số đó, với lô mì ăn liền hương vị tôm chua cay do Công ty TNHH Qianyu (Thiên Du) nhập khẩu từ Việt Nam có 0,195 mg/kg chất EO chưa cấp phép được phát hiện trong gói gia vị. Tổng khối lượng lô mì ăn liền Omachi có chất cấm EO là 1.440kg bị trả về và tiêu hủy (tương đương 600 thùng mì 30 gói, mỗi gói 80 gam).
Sản phẩm mì gói Omachi hương vị tôm chua do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có chứa Ethylene Oxide.
Đại diện Masan Consumer lên tiếng và cho rằng, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Masan Consumer đã lập tức tiến hành các bước xác minh cần thiết. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, Masan Consumer không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm mì Omachi Xốt tôm chua cay cho đối tác có tên Công ty Qianyu để xuất khẩu cho thị trường Đài Loan như thông tin cảnh báo của TFDA; Masan đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật hiện hành.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, đã nắm được thông tin từ báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Đài Loan. Bộ sẽ yêu cầu doanh nghiệp sớm có báo cáo cụ thể về vấn đề này và sau khi xác minh, làm rõ thì sẽ thông tin cụ thể tới báo chí.
Omachi là một trong hai thương hiệu mì chủ lực của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) – thành viên của Công ty CP Tập đoàn Masan (
MSN), cùng với Kokomi. Năm 2021, doanh thu thuần của ngành hàng thực phẩm tiện lợi Masan Consumer đạt 8.629 tỷ đồng, tăng trưởng 25,4% so với năm 2020 (Omachi tăng 25,1% và Kokomi tăng 33,5%). Omachi và Kokomi cũng là 2/5 thương hiệu của
MCH có doanh thu trên 2.000 tỷ đồng.
Hiện Masan là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mì ăn liền quy mô lớn thứ hai tại thị trường Việt Nam với doanh thu năm 2021 đạt 8.800 tỷ đồng.
Chuyên gia nói gì về Ethylen Oxide?
Trao đổi với chúng tôi trước vụ việc trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Ethylene Oxide là một chất rất hiếm sử dụng trong chế biến, sản xuất thực phẩm. "Bởi lẽ, nhà sản xuất không bao giờ sử dụng chất này trong quy trình sản xuất. Nó không có ý nghĩa gì trong thực phẩm. Hiểu nôm na trong trường hợp này, nó giống như là cát cho vào mì tôm, vậy thì không có tác dụng gì, không làm cho sản phẩm ngon hơn cũng như thu được lợi nhuận tốt hơn cho nhà sản xuất", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo chuyên gia, Ethylene Oxide là chất có khả năng khử trùng rất tốt nhưng chỉ dùng cho những đồ không có mong muốn về độ ẩm. Ví dụ như sử dụng khử trùng triệt để cho các loại dụng cụ y tế. Trong khi đó, với mì ăn liền thì nhà sản xuất khử trùng theo nguyên tắc vừa làm chín mì vừa cho vào chiên hoặc hấp mì, không liên quan đến việc dùng Ethylene Oxide.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích: Ethylene Oxide là 1 chất độc, không được sử dụng trong thực phẩm và có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng người dân không nên ăn mỳ trong nước lại quá lo lắng về các sản phẩm ở nước ngoài.
Về vấn đề mì ăn liền Omachi nhập khẩu từ Việt Nam có chất Ethylene Oxide (EO) chưa được cấp phép sử dụng tại hòn đảo này, ông Thịnh cho biết: “Quy định cấm các chất ở mỗi quốc gia là hoàn toàn khác nhau. Mỗi nước đều có một quy định riêng biệt, khác nhau nên không thể dùng quy định của quốc gia này lo lắng về sản phẩm ở một quốc gia khác khi chưa có kết quả kiểm tra cụ thể”.
“Mì tôm trong nước và mì tôm xuất khẩu có công đoạn sản xuất khác nhau. Mì xuất khẩu ghi nhận có không có nghĩa là mì trong nước cũng có. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có cơ quan thẩm định để đảm bảo thông tin chính xác", PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ thêm.
Theo Masan Consumer, đối với các Nhà phân phối, Đại lý kinh doanh các sản phẩm Masan Consumer, luôn có những điều khoản quy định nghiêm ngặt ghi rõ trong hợp đồng phân phối về việc không được xuất khẩu sản phẩm của thị trường này sang thị trường khác và Masan Consumer cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định này theo đúng cam kết trong hợp đồng và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Theo chuyên gia, Masan Consumer phải báo cáo đầy đủ có hay không có Ethylene Oxide trong các sản phẩm trên. Nếu không có thì tốt, nếu có thì cần phải có thông tin chính xác có bao nhiêu để khẳng định có đáng lo hay không cần thiết phải lo lắng.
"Dù Masan Consumer có trả lời theo yêu cầu của Bộ Công Thương hay không thì vẫn cần có Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm trả lời. Khi có câu trả lời chính xác từ các bộ thì chúng ta mới cần bàn đến Ethylene Oxide độc hại như thế nào, ảnh hưởng ra sao. Còn hiện tại, chúng ta hãy chờ đợi câu trả lời chính thức từ Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm", chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Dư thừa hàm lượng Ethylene oxide được cho là vấn đề gây đau đầu nhiều quốc gia EU vì vẫn có nhiều vụ phát hiện thực phẩm chứa chất này vượt quá mức cho phép.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia) cũng cho biết: Các doanh nghiệp Việt, khi xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá sang thị trường nước ngoài cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường. Bởi, khi vi phạm không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của hàng hoá Việt Nam.
"Đối với sản phẩm, hàng hoá xuất xứ Việt Nam khi xuất sang EU, phía bạn đã có hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết. Các Thương vụ cũng hướng dẫn và thường xuyên cảnh báo cho doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, việc sản phẩm có quá hàm lượng các chất cấm không chỉ xảy ra với sản phẩm của doanh nghiệp Việt mà nhiều quốc gia khác cũng mắc phải trường hợp tương tự, kể cả các nước trong EU cũng bị phát hiện thường xuyên.
Do vậy, việc cảnh báo với doanh nghiệp là cần thiết, nhưng nếu làm quá có thể gây tổn hại cho chính hàng xuất khẩu của Việt Nam", bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý khẳng định.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, EO là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu, được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Hợp chất này không phải phụ gia thực phẩm, hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, song, có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô.
Ở điều kiện bình thường, EO sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp, nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.
Tại Châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm, ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU.
Ở Việt Nam, theo Vụ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua có một số sản phẩm bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, hay mới đây nhất là Đài Loan. Đây chủ yếu là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt...
Do vậy, Vụ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo, các doanh nghiệp cần thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm.
Doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công, sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro.
Đồng thời làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy.